Mặc dù đang bước vào vụ cá Nam (kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch) nhưng cảng cá Cửa Việt (huyện Triệu Phong) và cảng cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, cùng tỉnh Quảng Trị) - 2 cảng cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định - lại vắng bóng tàu cá cập cảng.
Đìu hiu chưa từng thấy
Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Trị, cho hay từ đầu năm đến nay, chỉ có 700 lượt tàu thuyền cập 2 cảng cá này, giảm mạnh so với 4.000 lượt cùng kỳ năm 2021. Lượng hàng hóa cập cảng đạt khoảng 1.200 tấn, chỉ gần bằng 10% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tàu cá chủ yếu cập cảng cá Cửa Việt bởi cảng cá còn lại đang bị bồi lấp nghiêm trọng. "Hiện mỗi ngày nhiều nhất chỉ 5-7 tàu cá cập cảng, có ngày không có chiếc nào. Tình trạng này đã diễn ra gần 2 năm nay" - ông Sơn phản ánh.
Giải thích lý do, ông Sơn cho hay tiến độ xây dựng, nâng cấp cảng cá Cửa Việt còn chậm, gây ảnh hưởng đến việc di chuyển của tàu thuyền. Ngoài ra, có tình trạng tàu cá né cảng cá chỉ định, tập trung vào cảng cá tư nhân và các bến cá tự phát tại khu vực Bắc Cửa Việt (huyện Gio Linh) để tránh sự kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng.
Cảng cá Cửa Việt vắng hoe dù đã bước vào vụ cá Nam
Theo ghi nhận của phóng viên, tại cảng cá Cửa Việt, luôn có lực lượng liên ngành túc trực, thanh tra, kiểm soát việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) nên ngư dân "ngại" cập cảng. Trong khi đó, tại các bến cá tự phát và một cảng cá tư nhân ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), mỗi ngày đều tấp nập tàu cá vào ra.
Ông Nguyễn Xuân Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), thông tin cảng cá tư nhân nêu trên được huyện đầu tư, xây dựng và một công ty tư nhân trúng thầu; hiện chưa có lực lượng liên ngành kiểm tra, giám sát khai thác IUU. Đưa vào sử dụng từ đầu năm 2021, cảng cá hiện thu hút tàu cá của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh lân cận cập cảng. "Thời gian qua, có tình trạng ngư dân né cảng chỉ định để cập cảng tư nhân này" - ông Phương thừa nhận.
Nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng
Việc tàu cá né cảng cá Cửa Việt khiến hàng chục hộ dân thuê mặt bằng để kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề cá lâm vào cảnh cầm chừng, thua lỗ. Chưa kể, hàng trăm người lao động làm nghề bốc vác, kéo xe, chế biến thủy hải sản... cũng mất việc.
Ông Đinh Văn Trinh (ngụ xã Triệu An, huyện Triệu Phong) là chủ xưởng nước đá khá lớn tại cảng cá Cửa Việt. Năm 2019, ông thuê mặt bằng rộng 500 m2 thời hạn 10 năm với số tiền thuê khoảng 70 triệu đồng/năm. Khoảng 2 năm trước, mỗi tháng, ông bán khoảng 20.000 cây đá, giải quyết việc làm cho 8 lao động với mức lương gần 7 triệu đồng/tháng/người. Thế nhưng, hiện giờ, xưởng chỉ bán được khoảng 3.000 cây đá/tháng và còn 3 lao động bám trụ.
Chung tình cảnh trên, ông Nguyễn Quang Thi (ngụ xã Triệu An), chủ vựa thu mua thủy hải sản tại cảng cá Cửa Việt, cũng lâm cảnh khó khăn. Chỉ 2 năm trước, vựa thủy sản của ông tạo công ăn việc làm cho gần 40 lao động, nay chỉ còn 2 vợ chồng làm nhưng cũng không có việc.
Mưu sinh bằng nghề bốc vác, kéo xe, ông Phan Văn Ngộ (ngụ xã Triệu An) cùng vợ đã bám cảng cá hơn chục năm nay. Hai năm trở lại đây, vì "đói" việc, vợ ông đành ở nhà, còn ông cố gắng trụ lại. "Trước đây, vợ chồng tôi kiếm được đôi ba trăm ngàn lận lưng mỗi ngày, nay thì chầu chực cả ngày vẫn chẳng thấy ai gọi việc" - ông Ngộ than thở.
Nhiều tàu cá chưa có thiết bị giám sát hành trình
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 223 chiếc tàu cá thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 46 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình vì vướng các quy định mới của Luật Thủy sản 2017 và do điều kiện kinh tế đang khó khăn, phải dừng hoạt động, nằm bờ.
Ngoài ra, thời gian qua có nhiều thiết bị giám sát hành trình dù đã được bật nhưng không có tín hiệu do thẻ sim bị lỏng, nguồn điện hư hỏng, dây niêm phong hỏng..., gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát.
Bình luận (0)