Ngày 29-6, Ban Điều phối thực hiện Nghị quyết 42 huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã có báo cáo kết quả triển khai thực hiện về biện pháp hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của huyện.
Lập danh sách trước khi có chính sách
Theo đó, toàn huyện Chư Pah có 22.913 trường hợp được nhận hỗ trợ do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 19 tỉ đồng. Đến ngày 19-6, huyện đã chi trả cho 21.648 người (đạt 94,4%) với số tiền trên 18 tỉ đồng.
Đáng chú ý, 1.265 người đã chết, đi tù, người chuyển đi nơi khác, hộ nghèo - cận nghèo trùng tên nhau… vẫn được các xã trên địa bàn lập danh sách để nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng chưa được trả hoặc không chi trả với tổng số tiền 980 triệu đồng.
Trong danh sách nhận hỗ trợ, có 69 người chết; 68 người đi làm xa, chuyển đi nơi khác không liên lạc được, đi tù; 95 người không có CMND, sổ hộ khẩu, không có giấy chứng nhận hộ nghèo; 503 người có tên trong danh sách nhưng không có tên trong sổ hộ khẩu, sai họ tên; 236 người là hộ nghèo, hộ cận nghèo trùng tên, trùng với đối tượng người có công, bảo trợ xã hội; 294 người là nhân khẩu đã tách khỏi hộ.
Ông Rơ Châm Ghí - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Phó Ban Điều phối thực hiện Nghị quyết 42 huyện Chư Pah - khẳng định trong quá trình triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 9-4-2020, cũng như các văn bản pháp luật khác liên quan, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện Chư Pah thực hiện theo đúng quy trình văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.
"Quá trình rà soát đối tượng được hưởng hỗ trợ, chúng tôi đã lấy danh sách các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo vào cuối tháng 12-2019. Trên cơ sở danh sách đó chúng tôi đã tiến hành chi trả" - ông Ghí nói.
Danh sách những người đã nhận và chưa nhận tiền hỗ trợ do không đúng đối tượng do Ban Điều phối thực hiện Nghị quyết 42 huyện Chư Pah lập
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo ông Ghí, thẩm quyền được cấp giấy chứng nhận hộ nghèo là do thôn làng lập và được xã chứng nhận. Phòng LĐ-TB-XH chỉ có nhiệm vụ tổng hợp lại.
Về vấn đề những người đã chết nhưng vẫn được địa phương lập danh sách để nhận tiền, ông Ghí cho rằng do danh sách lấy được lập vào cuối năm 2019, những người có tên trong danh sách là những người đã chết, đi khỏi địa phương sau khi lập danh sách nên mới có việc sai lệch (?).
Với những trường hợp không có CMND, sổ hộ khẩu, không có giấy chứng nhận hộ nghèo nhưng vẫn được chính quyền xã lập danh sách chuyển lên, ông Ghí nói đây là lỗi của chính quyền địa phương. Sau khi rà soát xong vào cuối năm 2019, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt danh sách để cấp giấy chứng nhận hộ nghèo nhưng ở các xã có hay không, bản thân ông Ghí cũng không nắm được.
Đối với những trường hợp có tên trong danh sách nhận hỗ trợ nhưng lại không có tên trong sổ hộ khẩu, sai họ tên, ông Ghí lý giải là do trong quá trình rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2019, một số cán bộ thuộc Phòng LĐ-TB-XH huyện Chư Pah trực tiếp đi khảo sát nhưng sau đó đã bỏ việc, thời gian sau cán bộ khác lên thay và không nắm được danh sách dẫn đến sự việc trên.
Cũng theo ông Ghí, trong số 1.265 người lập danh sách sai thì những người thiếu CMND sẽ tiếp tục được chi trả. Những trường hợp khác tiếp tục rà soát, đúng đối tượng mới được nhận tiền. Kể cả những trường hợp đã chi trả cũng sẽ rà soát lại, nếu sai sẽ thu hồi. Ông Ghí khẳng định do được phát hiện kịp thời nên chưa gây hậu quả, thất thoát tiền của nhà nước. "Huyện sẽ kiểm điểm các xã và rút kinh nghiệm. Sai là do khách quan, dưới cơ sở không nắm được, họ chỉ tổng hợp, lập theo danh sách chứ không rà soát, khi phát hiện sai thì mới bắt đầu rà soát và cứ theo danh sách chi trả" - ông Ghí phân trần thêm.
Sai sót cấp thôn làng, chủ yếu nhắc nhở
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào tối 29-6, ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, cho biết ngay từ khi cấp cơ sở chuyển danh sách các đối tượng nhận hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng và kịp thời phát hiện các trường hợp không đúng đối tượng. Do chưa có trường hợp được nhận hỗ trợ trái quy định nên chưa gây thiệt hại về ngân sách.
Về nguyên nhân vụ việc, ông Kiên cho rằng do cán bộ cấp cơ sở, thôn làng năng lực còn hạn chế, cấp chính quyền xã dựa trên cơ sở đó để tổng hợp, báo cáo lên cấp trên. Về xử lý, ông Kiên cho rằng vụ việc chưa đến mức nghiêm trọng, sai sót chủ yếu ở cấp thôn, làng nên không thể áp dụng luật cán bộ công chức để xử lý mà chủ yếu chỉ nhắc nhở, chấn chỉnh.
Bình luận (0)