Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người thương vong.
Hơn 4.000 chết vì tai nạn giao thông
"Để xảy ra nhiều sự việc trên nhưng Thủ tướng Chính phủ chưa nhận được báo cáo về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu tại các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm đối với việc xử lý lối đi tự mở qua đường sắt. Vừa qua mới thấy Bộ Giao thông Vận tải xử lý trách nhiệm đối với các tập thể cá nhân liên quan đến các tai nạn đường sắt" - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra gần 9.000 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 594 vụ (giảm hơn 6%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11%).
Trong đó, đường bộ xảy ra 8.889 vụ, làm chết 4.027 người, bị thương 6.997 người. Đường sắt xảy ra 62 vụ, làm chết 53 người, bị thương 28 người. Đường thủy nội địa xảy ra 40 vụ, làm 24 người thương vong.
Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá tình hình TNGT diễn biến phức tạp, mức giảm TNGT chưa đạt yêu cầu, số người chết do TNGT chỉ giảm 0,75%.
Ngoài ra, trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong những ngày cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Số tỉnh thành có số vụ TNGT tăng gồm 26 địa phương, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20% là Quảng Nam, Kiên Giang, Điện Biên, Hậu Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.
Xe tải bị văng xuống mương trong vụ tai nạn với xe ba gác và 1 xe tải khác tại Bình Dương trưa 7-7Ảnh: NHƯ PHÚ
Phụ thuộc vào quyết tâm là chính!
Những địa phương này để xảy ra TNGT nhưng lại chưa hề kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu như Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhắc nhở.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, mặc dù đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo đảm trật tự ATGT nhưng đến nay vẫn chưa ra được các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ.
"Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi nào lãnh đạo địa phương quyết liệt thì chuyển biến; nơi nào chưa quan tâm thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, ATGT" - ông Hùng lo ngại.
Một trong những giải pháp được Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra là Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai kế hoạch Năm ATGT 2018 tại địa phương, đồng thời tham mưu để UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phối hợp bảo đảm trật tự ATGT, quản lý hành lang ATGT trên địa bàn phụ trách.
Trong rất nhiều hội nghị do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức trước đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình luôn nhấn mạnh để kéo giảm TNGT, phải quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn cho được trách nhiệm của lãnh đạo địa phương trong công tác này.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I diễn ra ngày 16-3-2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng với mong muốn kéo giảm số vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, phải luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra TNGT nhiều và nghiêm trọng.
2 vụ tai nạn xe tải, 5 người chết
Lãnh đạo Công an thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết trưa 7-7, anh Nguyễn Thanh Lâm (ngụ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) lái xe ba gác lưu thông đến ấp Phú Thứ, xã Phú An, thị xã Bến Cát thì lấn trái sang làn đường ôtô ngược chiều. Xe ba gác va chạm với xe tải BKS 60C305.10 chạy theo hướng ngược lại khiến xe này mất lái tông xe tải BKS 61C 16278 đậu bên đường.
3 người tử nạn tại hiện trường gồm: ông Nguyễn Thanh Lâm (tài xế xe ba gác) và Huỳnh Văn Hưng (quê Cần Thơ), Võ Hoàng Nhựt Linh (quê Đồng Tháp, cùng ngồi trên xe tải BKS 60C305.10).
l Cùng ngày, 1 ôtô 7 chỗ đã bị lật tại đoạn Km 6, cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 1 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) khoảng 200 m. 2 người trên xe là anh Lê Quang Vinh và anh Nguyễn Tất Thành (cùng ngụ huyện Cư Jút) chết tại chỗ. Trong xe chở nhiều phách gỗ xẻ hộp, không có dấu búa kiểm lâm.
N.Phú - C.Nguyên
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:
Chỉ mới nhắc nhở
TNGT đường bộ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 với 229 vụ, tăng 12 vụ, tăng 7 người chết. Địa phương rất đồng tình quan điểm của Thủ tướng về việc quy trách nhiệm lãnh đạo nếu TNGT tăng.
Tất cả các lĩnh vực đều quy định trách nhiệm người đứng đầu. Không quy trách nhiệm thì sẽ không có cơ sở để tăng cường trách nhiệm lãnh đạo trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục, ban hành các quy định. Nếu Thủ tướng phê bình kiểm điểm xử lý đến đâu thì địa phương chịu trách nhiệm đến đó.
Đối với người đứng đầu huyện, thị xã thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực chất đến nay mới chỉ nhắc nhở chứ chưa kiểm điểm ai vì TNGT tăng cao. Nếu kiểm điểm thì chắc chẳng có ai từ chối đâu nhưng phải đánh giá, nhìn nhận nhiều khía cạnh. Ví dụ các vụ tai nạn xảy ra trên đường sắt đi qua địa bàn họ quản lý, ngành đường sắt có gác chắn, có lịch chạy tàu... thì làm sao kêu chủ tịch huyện chịu trách nhiệm được.
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam:
Đợi báo cáo tổng thể cuối năm mới kiểm điểm
Trên địa bàn tỉnh, số vụ TNGT giảm nhưng số người chết gia tăng. Cuối năm mới đánh giá là tăng 10% hay trên 10% theo chỉ đạo của Chính phủ, còn Quảng Nam nằm ở khung 10% -20% . Nếu tăng trên cái khung đó thì chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm nội dung gì thì Quảng Nam kiểm điểm nội dung đó.
Tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của bản thân khi tình hình ATGT diễn biến phức tạp. Các vụ TNGT đều có nguyên nhân, lý do cụ thể, năm này so với năm trước có thể có tăng có giảm, vấn đề là phải tìm ra nguyên nhân tăng giảm để đặt ra giải pháp phù hợp.
Chủ tịch Hiệp hội An toàn giao thông Việt Nam Nguyễn Văn Quyền:
Quy định trách nhiệm cần cụ thể
Việc quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương nếu để xảy ra TNGT nghiêm trọng là rất cần thiết. Bởi khi gắn trách nhiệm thì họ sẽ phải sâu sát và phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thị và từ cấp huyện sẽ triển khai xuống cấp xã. Quy định trách nhiệm càng cụ thể càng tốt bởi nếu không thì sẽ rất khó quy trách nhiệm, rất khó xử lý khi để xảy ra TNGT trên địa bàn, nhất là tai nạn thảm khốc.
T.Thường-Q.Nhật-V.Duẩn ghi
Bình luận (0)