Từ 6 giờ ngày 22-3, hàng ngàn người đã có mặt xếp hàng ở Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP HCM) để dự lễ truy điệu cố Thủ tướng Phan Văn Khải. Ngoài các tổ chức, đoàn thể của trung ương và địa phương, nhiều người dân cũng đến từ rất sớm chờ tiễn biệt ông lần cuối.
Không khí buổi sáng của một thành phố sôi động như TP HCM như trầm lắng hơn khi trên gương mặt ai cũng vương nét buồn thương. Trong khi đó, hàng triệu người trên cả nước, ở nước ngoài cũng xúc động theo dõi Lễ truy điệu cố Thủ tướng Phan Văn Khải qua truyền hình trực tiếp.
Sau Lễ truy điệu, trên chuyến đi cuối cùng của cố Thủ tướng Phan Văn Khải từ Hội trường Thống Nhất về quê nhà - xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM - hàng ngàn người dân đứng bên đường dõi theo, chờ tiễn biệt ông lần sau cuối. Khi đoàn xe chở linh cữu cố Thủ tướng đi qua, dòng người kính cẩn cúi đầu chào. Đoàn xe đến Quốc lộ 22, tiến về Củ Chi, tấm lòng người dân dành cho cố Thủ tướng càng thể hiện rõ. Rất đông, từ người già đến thanh niên và cả các em học sinh, ra đứng 2 bên đường. Nhiều người cầm hoa và di ảnh, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với vị cố Thủ tướng tài năng, đức độ.
Tại vùng đất Củ Chi - quê nhà của cố Thủ tướng Phan Văn Khải và cũng là nơi ông sum vầy bên gia đình, chòm xóm sau khi nghỉ hưu cho đến lúc cuối đời - bà con đón ông về trong bao tiếc thương. Những chiếc khăn tang được quấn trên đầu, những bàn thờ gỗ đặt trước cửa, những tấm di ảnh của cố Thủ tướng trang trọng cầm trên tay... Nói về ông, người lớn tuổi lặp đi lặp lại những câu chuyện về sự bình dị, thân thương của một vị lãnh đạo dù còn đương chức hay đã về hưu. Trong câu chuyện của những thế hệ sau này, của các em nhỏ học sinh... là sự biết ơn, là lòng nể trọng về những công lao, đóng góp của ông.
Bà Bùi Thị Đẹp cho rằng vì cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo vì dân vì nước nên sự ra đi của ông là nỗi đau của nhân dân. "Ông sống rất tốt, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ khi người dân gặp khó khăn. Khi còn ở cương vị Thủ tướng, mỗi khi về Củ Chi, ông đều thăm hỏi người dân từ công việc đến sức khỏe" - bà Đẹp hồi tưởng.
Dành tình cảm đặc biệt cho chú Sáu Khải, bà Hồ Thị Ánh dù nhà ở quận Tân Bình nhưng sáng sớm đã chạy lên Củ Chi lập bàn thờ bên đường để tiễn cố Thủ tướng. "Chú Sáu Khải là người đức độ, luôn gần dân, chia sẻ những khó khăn của người dân. Chú mất là tổn thất lớn với Đảng, nhà nước và nhân dân. Xin tiễn biệt chú" - bà Ánh ngậm ngùi.
Người dân lập bàn thờ, thắp nhang tiễn đưa cố Thủ tướng Phan Văn Khải về nơi an nghỉ cuối cùngẢnh: GIA MINH
Bà Nguyễn Thị Bân - quê Thanh Hóa, theo con vào định cư ở xã Tân Thông Hội - cho biết chú Sáu Khải sống đầy tình cảm nên người dân ai cũng quý, cũng thương. Từ hôm ông mất, ngày nào bà cũng đến nhà thắp nhang, nay đến sớm để dự lễ tang.
Trước khu vực nơi an táng cố Thủ tướng Phan Văn Khải, từ sáng sớm đã có hàng ngàn người dân đến viếng. Tất cả đều chờ đợi để được thắp nén nhang lên mộ vị cố Thủ tướng đáng kính. Ban tổ chức bố trí 3 màn hình lớn ở ngoài để người dân tiện theo dõi lễ an táng...
Sau gần 2 giờ di chuyển, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã về đến nơi. Đông đảo người dân đã đứng hai bên đường đón người con của quê hương về yên nghỉ trong lòng đất mẹ.
Bắt đầu Lễ an táng cố Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình xúc động: "Sau lễ truy điệu trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, chúng ta có mặt tại đây để tổ chức lễ an táng đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Thủ tướng Chính phủ. Nơi đây, mảnh đất quê hương xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là nơi an nghỉ cuối cùng của đồng chí Phan Văn Khải".
11 giờ, linh cữu cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đưa xuống huyệt mộ. Ông an nghỉ bên người vợ đã khuất theo đúng di nguyện lúc sinh thời. Lúc lá cờ đỏ phủ kín quan tài từ từ đưa đến kế bên ngôi mộ đã xanh cỏ, nhiều người đã không kiềm được xúc động, nhiều giọt nước mắt rơi trong niềm tiếc thương vô hạn. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã về với đất mẹ nhưng những ký ức về ông vẫn đọng mãi trong tâm trí người ở lại.
Sau lễ an táng, dòng người vẫn đổ về kiên nhẫn đứng chờ tới lượt để được thắp nén nhang tiễn biệt người lãnh đạo nhiệt huyết, tài trí và cũng là người anh, người chú thân tình, giản dị. "Là một người lãnh đạo nhiệt huyết, tài trí nhưng ông Khải lại luôn bình dị, gần gũi và thân tình với bà con, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cho đến lúc cuối đời... Bà con xã Tân Thông Hội mang ơn ông nhiều lắm..." - ông Nguyễn Văn Bệ (78 tuổi), mang di ảnh cố Thủ tướng rưng rưng, nghẹn ngào.
Tấm gương sáng để noi theo
Trong Lễ truy điệu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đọc lời điếu tiễn đưa cố Thủ tướng Phan Văn Khải về nơi an nghỉ cuối cùng.
Điếu văn có đoạn: "Với 85 tuổi đời, 59 tuổi Đảng, đồng chí Phan Văn Khải đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đảng, nhà nước đã trao tặng đồng chí nhiều phần thưởng cao quý, như Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ và chiến sĩ cả nước trân trọng, học tập và noi theo.
Hôm nay, chúng tôi có mặt tại đây để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và tình cảm sâu sắc, tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Vĩnh biệt anh, chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức phấn đấu tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Thưa anh Sáu Khải! Anh ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của anh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta mãi mãi in đậm trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trong giờ phút tiếc thương và xúc động này, chúng ta xin trân trọng gửi đến toàn thể gia quyến đồng chí Phan Văn Khải lời chia buồn sâu sắc nhất trước nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp được.
Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí Phan Văn Khải - anh Sáu Khải kính mến của chúng ta".
Các em học sinh kính cẩn cúi đầu tại Lễ an táng cố Thủ tướng Phan Văn Khải Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Xem học sinh, giáo viên như con cháu
Có mặt trong dòng người đưa tiễn cố Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 22-3 là hàng ngàn học sinh và giáo viên trên địa bàn huyện Củ Chi. Trong đó, rất nhiều học sinh đến từ Trường THCS Tân Thông Hội và Trường Tiểu học Tân Thông - ngôi trường được cố Thủ tướng Phan Văn Khải đầu tư xây dựng lúc sinh thời. Em Lê Thị Thanh Thiện, lớp 8/1 Trường THCS Tân Thông Hội, cho biết cố Thủ tướng rất thương yêu và chăm lo cho thế hệ trẻ.
Có mặt trong đoàn người đến Lễ an táng, cô Phạm Thị Thu Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thông Hội, bồi hồi nhớ lại năm đầu tiên trường thành lập (2013), tuần nào ông Phan Văn Khải cũng đến thăm hỏi thầy cô và học sinh. Theo cô Hường, toàn bộ công viên, cây xanh trong khuôn viên trường đều do cố Thủ tướng Phan Văn Khải trồng.
"Chú Sáu Khải là người giản dị, rất gần gũi với giáo viên, học sinh. Một lần Chi đoàn thanh niên đang họp, chú Sáu đến trường có việc và các bạn thanh niên được chú dặn dò từng li từng tí, rằng phải cố gắng phấn đấu cho sự nghiệp trồng người, cần rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức để dạy dỗ thế hệ trẻ. Sau đó, chú Sáu còn chụp hình chung với Đoàn thanh niên nhà trường. Chú Sáu xem học sinh, giáo viên như con cháu" - cô Hường nhớ lại.
Bình luận (0)