Đợt dịch Covid-19 thứ 4 đang lây lan tại nhiều tỉnh, thành phố với số ca mắc tăng cao đã tạo nên áp lực rất lớn cho các cơ sở y tế, kéo theo đó là sự lo lắng từ người dân. Nhiều người đã tìm, săn lùng các thiết bị thở máy, tạo ôxy, tích trữ bình khí ôxy để phòng tình huống xấu xảy ra.
Đổ xô mua bình ôxy, kit test nhanh Covid-19
Những ngày qua, tại phố Phương Mai - chuyên bán vật tư y tế ở quận Đống Đa, TP Hà Nội - số lượng người đến mua các thiết bị ôxy, bình ôxy, máy thở và kit test nhanh Covid-19 nhiều hơn hẳn. Dù dịch ở Hà Nội không quá căng thẳng như TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam nhưng anh Hoàng Minh Tuấn (ngụ quận Hoàng Mai) vẫn lên "phố thiết bị y tế" tìm mua 1 máy tạo ôxy 5 lít có giá 14 triệu đồng, máy đo huyết áp 950.000 đồng và 1 hộp kit test nhanh Covid-19 giá 4 triệu đồng. Theo anh Tuấn, gia đình có bố mẹ đều đã ngoài 70 tuổi trong khi khu vực chung cư anh sinh sống những ngày qua liên quan ca F0 nên ai cũng lo lắng.
Trong khi đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, trên mạng xã hội rao bán tràn lan bộ kit test nhanh Covid-19 với giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng. Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng xuất xứ từ nhiều nước như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Theo quảng cáo, mỗi bộ kit này gồm 2 test cho kết quả sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính. Do vậy, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là "cực kỳ dễ dàng" bằng cách dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả.
Ở TP HCM, tình trạng đổ xô đi mua máy thở ôxy, kit test nhanh Covid-19 càng nhộn nhịp hơn. Tại những con đường chuyên kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế ở quận 10, dù trong thời gian giãn cách xã hội nhưng các cửa hàng vẫn tất bật buôn bán. Một số chủ cửa hàng cho biết hiện chỉ còn máy tạo ôxy dòng cao cấp. Theo ông Trần Tâm, một chủ cửa hàng thiết bị y tế trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), hơn nửa tháng qua, người mua máy tạo ôxy dòng thấp tăng mạnh. Cửa hàng ông không để nhiều thiết bị, bình thường chỉ trưng bày từ 3-5 máy nên khi khách hỏi cũng không có nhiều để cung cấp.
Trong khi đó, các trang mạng bán hàng trực tuyến, kể cả mạng xã hội, tăng cường chào bán máy tạo ôxy với đủ nhãn hiệu và nhiều mức giá, kể cả những máy giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Nhiều nhân viên bán hàng giới thiệu sản phẩm của Hàn Quốc có giá dao động 135-385 triệu đồng/máy, các loại máy của Đức giá
39-50 triệu đồng/máy, còn máy của Trung Quốc giá từ 8 triệu đồng/máy... và phải chờ 1-2 tuần, thậm chí 3 tuần mới có hàng.
Việc sử dụng máy thở ôxy phải được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩẢnh: NGUYỄN THẠNH
Không phải ai mắc Covid-19 cũng thở máy
Trước thực trạng người dân tự mua máy tạo ôxy, máy thở, bình ôxy... tự dùng tại nhà, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết đối với các trường hợp bệnh nhân Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy. Theo dữ liệu được ghi nhận trong đợt dịch lần này, có khoảng 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc biểu hiện lâm sàng nhẹ, chỉ khoảng 5% số ca cần thở ôxy gọng kính, 0,17% thở máy không xâm nhập và 1,3% số ca thở máy xâm nhập" - ông Khoa giải thích.
Theo ông Khoa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống ôxy, khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn để vận hành. Bên cạnh đó, trong quá trình bệnh nhân sử dụng máy thở cũng cần được kiểm tra, theo dõi định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có những chỉ định và xử lý kịp thời.
Ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, cũng cảnh báo việc người dân tự ý mua các thiết bị tạo ôxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết. Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với ôxy y tế. "Máy tạo ôxy là một nguồn ôxy y tế để điều trị suy hô hấp, có thể dùng trong bệnh viện hoặc tại nhà, chủ yếu cho suy hô hấp mạn tính phải dùng với liệu pháp ôxy dài ngày. Với Covid-19, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ điều trị cách ly tại nhà với trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng hoặc rất nhẹ. Khi đã phải dùng đến máy tạo ôxy tức là đã nặng rồi thì không thể điều trị tại nhà được. Việc người dân đổ xô mua các thiết bị tạo ôxy sẽ tạo ra sự phân bố nguồn lực sai lệch, gây khủng hoảng trên thị trường và xã hội" - ông Nhung nhấn mạnh.
Kit test không rõ nguồn gốc
Mới đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội và TP HCM đã kiểm tra, thu giữ vài ngàn bộ kit test nhanh Covid-19 và hầu hết không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Gần đây nhất là vụ việc được Đội QLTT số 14 (Cục QLTT TP Hà Nội) và lực lượng công an phát hiện tại cơ sở xoa bóp, bấm huyệt ở một chung cư ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai) tích trữ 1.000 bộ test Covid-19 nhanh không có hóa đơn, chứng từ. Trước đó, vào tháng 6-2021, TP Hà Nội cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thuộc Công ty CP Tổng hợp Lâm Khang (quận Hoàng Mai) có số lượng lớn test thử nhanh Covid-19 được mua trên mạng xã hội, không chứng từ hợp pháp.
GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế:
Phải được thẩm định và cấp phép
Các test xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.
Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội, bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành. Các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 được cấp phép, Bộ Y tế đã thông báo rộng rãi đến sở y tế các tỉnh, thành phố và những đơn vị trực thuộc, đồng thời đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
TS Lê Hoàng Sinh, Giám đốc Trung tâm Hóa tiên tiến - Trường Đại học Duy Tân:
Có thể nổ bình ôxy
Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không chỉ tại Việt Nam mà người dân nhiều nước trong khu vực lo lắng mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo ôxy tích trữ. Tuy nhiên, người dân không nên dự trữ bình ôxy trong nhà bởi thiết bị này phải được kiểm soát lưu lượng dòng, kiểm soát áp suất nên cần người có chuyên môn sử dụng.
Ngoài ra, việc người dân không có chuyên môn dự trữ trong nhà có thể gây ra nổ như áp suất vượt quá mức tối đa cho phép của bình; bình ôxy không được kiểm định, khí ôxy nạp vào bình không bảo đảm mức độ an toàn. Nếu nhiệt độ tăng cao thì áp suất bên trong bình cũng tăng dẫn đến cháy nổ gây nguy hiểm cho người sử dụng.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam:
Khó phát hiện dương tính
Người dân không nên mua thiết bị và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không bảo đảm chất lượng. Các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp: Có triệu chứng nghi mắc Covid-19 như ho, sốt...; sau khi nhiễm từ 2-7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày (nồng độ virus ít đi), độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện người dương tính với SARS-CoV-2.
N.Dung - N.Hưởng ghi
Bình luận (0)