"Bà ngoại" của trẻ bại não
Những phụ huynh có con bị bại não hay gọi bà Điểu là "bà ngoại" vì họ xem người thầy thuốc này như người thân ruột thịt trong nhà. Tuy đã thuộc hàng U80 nhưng bà Điểu còn rất minh mẫn.
Nhiều người gọi bà Út Điểu là "bà ngoại"
Bà Điểu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà được tỉnh Vĩnh Long phân công giữ nhiều chức vụ quản lý ngành y tế đến tuổi nghỉ hưu.
Nói về cơ duyên mở cơ sở chữa trị cho trẻ bại não, bà Điểu giải thích: "Thời gian làm tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật tỉnh Vĩnh Long, trung tâm có liên kết với một tổ chức nước ngoài làm chương trình quản lý trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ bại não tại nhiều địa phương ở Vĩnh Long. Tôi theo suốt chương trình này trong khoảng 3 năm nhưng chỉ ghi nhận thôi, còn việc điều trị, phục hồi cho trẻ bại não thì không thực hiện được".
Bà Điểu đang bấm huyệt, xoa bóp điều trị cho 1 trẻ bị bại não
Vì thế, ý tưởng mở cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não được bà Út Điểu ấp ủ. Khi về hưu, vào năm 2004, bà tận dụng phần phía trước căn nhà của mình mở Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu tại số 56, đường Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long.
Thời gian đầu, cơ sở còn nhiều khó khăn và thiếu thốn dụng cụ tập vật lý trị liệu cho trẻ nên chỉ hỗ trợ điều trị từ 5-10 trẻ/ngày. Dần dần, nhiều nhà hảo tâm đã cùng bà chung tay, mua sắm cơ sở vật chất để cơ sở hoạt động tốt hơn. Tính đến nay, trung bình mỗi ngày bà Út Điểu điều trị miễn phí cho khoảng 50 trẻ bị bại não (từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần). Trong số đó, nhiều trẻ ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ và miền Trung.
Bà Điểu dùng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt để điều trị cho trẻ bại não
"Hầu hết trẻ bị bại não là con trong gia đình khó khăn. Thấu hiểu được việc đó nên tôi chữa trị miễn phí. Còn phương thuốc để điều trị do tôi tự điều chế ra. Đối với rượu thuốc, tôi dùng nhiều loại mật động vật để ngâm, khi đủ ngày đủ tháng sẽ lấy ra dùng", bà Út Điểu cho biết.
Trẻ bị bãi não sẽ được thoa rượu thuốc lên các huyệt, sau đó bà Út Điểu dùng dụng cụ để cạo và xoa bóp trong khoảng 45 phút. Phương pháp này cũng đang trong quá trình được bà Út Điểu nghiên cứu và hoàn thiện, nhưng đáng mừng là có nhiều trẻ đã hồi phục.
Một số trẻ được tập các bài tập để phục hồi chức năng tại cơ sở của bà Điểu
Được gặp ngoại là may mắn lớn nhất!
Bồng đứa con gái 9 tuổi trên tay, bà Nguyễn Thị Bé Sáu (47 tuổi; ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), mừng rỡ: "Mới tập chỗ ngoại (bà Út Điểu-PV) có 6 tháng mà chân con gái duỗi ra được, nói được, rồi ăn ngon, ngủ một mạch tới sáng. Tháng rồi cháu tăng 2 kg, từ 9 kg lên 11 kg mà mừng muốn khóc".
Bà Nguyễn Thị Bé Sáu vui mừng khi tay chân con gái có thể duỗi ra được chứ không gồng tím người như trước đây
Cháu Nguyễn Thị G.P là con gái bà Sáu, lúc 3 tháng tuổi P. được chẩn đoán bị viêm não cấp. Rồi sau đó tay chân P. gồng cứng, tím tái, đổ mồ hôi, lại hay khóc suốt đêm. Một lần xem ti vi thấy cơ sở chỗ bà Út Điểu nhận chữa trị miễn phí nên bà Sáu bồng con lên đây thuê nhà trọ gần cơ sở để đưa con đi tập vật lý trị liệu.
"Giờ cháu P. đã tự lật, xoay trở, vận động tay chân, không còn đổ mồ hôi. Nếu tập một thời gian nữa tôi nghĩ con gái sẽ hồi phục nhanh. Được gặp bà ngoại là may mắn lớn nhất của mẹ con tôi", bà Sáu nói.
Không chỉ chữa trị miễn phí cho cháu P., bà Út Điểu còn cho chị Sáu mượn vốn lấy vé số bán dạo để có chi phí trang trải cuộc sống.
Với sự đóng góp của mình cho xã hội, bà Điểu nhận được nhiều bằng khen của địa phương và trung ương
Cùng cảnh ngộ, hơn 5 năm qua, bà phạm Thị Thu Phương (37 tuổi; ngụ Trà Vinh) từ quê lên ở nhờ nhà người chị tại Vĩnh Long để đưa đứa con trai bị liệt người sang cơ sở của bà Điểu chữa trị. Theo bà Phương, lúc 2 tuổi, con bà bị sốt xuất huyết, trong lúc điều trị bị sốc thuốc nên liệt người, khả năng sống chỉ còn 2%, gia đình không còn hy vọng gì nữa.
May nhờ người chị ở Vĩnh Long chỉ đến cơ sở của bà Ngọc Điểu nên bé đã may mắn được cứu sống và phát triển rất tốt. "Chúng tôi xem bà ngoại Út Điểu là ân nhân của mình. Tôi chỉ mong bà ngoại được khỏe mạnh để có thể điều trị cho nhiều trẻ khác", bà Phương bày tỏ.
Một nhà hảo tâm đến cơ sở tặng thù nhồi bông để bà Điểu tặng lại cho các trẻ đang điều trị tại cơ sở
Tính đến nay, Cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ bại não Ngọc Điểu đã hỗ trợ khám và trị liệu cho gần 6.500 người, trong đó gần 5.500 trẻ bại não, nhiễm chất độc da cam/dioxin và 948 người lớn. Qua công tác hỗ trợ, điều trị đã có 1.528 trẻ em và người lớn phục hồi chức năng, đi lại thuận tiện, trí não phát triển, hòa nhập cộng đồng.
Bà Điểu chuẩn bị quà Tết để tặng cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Bà Điểu tâm sự: "Khi chứng kiến những gia đình có con bị bại não, bị liệt hay dị tật bẩm sinh lúc chào đời do nhiễm chất độc da cam/dioxin, tôi không khỏi xót xa. Những đứa trẻ này là nỗi lo và gánh nặng cho gia đình và xã hội nên tôi chỉ góp một phần sức mình để các trẻ có thể phát triển bình thường. Tuy nhiên, những mảnh đời này đang rất cần sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội".
Được vinh danh
Không chỉ chữa trị miễn phí cho trẻ bại não, bà Út Điểu còn nổi tiếng là người chăm làm từ thiện. Thấy cơ sở bà Điểu hoạt động hiệu quả nên nhiều nhà hảo tâm tìm đến phối hợp với bà để tặng quà, tặng tiền cho nhiều gia đình khó khăn. Từ năm 2004 đến nay, bà Út Điểu đã vận động, hỗ trợ cho hơn 15.700 trẻ bại não, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nghèo học giỏi bằng nhiều hình thức, với tổng số tiền hơn gần 12 tỉ đồng.
Chính những sự đóng góp đó cho xã hội, bà Điểu được nhận nhiều bằng khen từ các cấp, các ngành tại Vĩnh Long và từ trung ương. Năm 2019, bà Điểu vinh dự được nhận giải thưởng KOVA. Giả thưởng này với mục đích khuyến khích các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu được ứng dụng, mang lại giá trị kinh tế cao cùng các lợi ích thiết thực cho cộng đồng; cổ vũ và nhân rộng các tấm gương tiêu biểu trong xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng.
Bình luận (0)