Trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP HCM, bà Nguyễn Thị Nguyệt (85 tuổi) dành hẳn một nơi trang trọng để lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn 40 năm miệt mài, đến nay, bà Nguyệt đã lưu giữ hơn 400 quyển sách và hơn 3.000 bức ảnh về Bác. Mỗi tấm ảnh đều chứa đựng một câu chuyện đầy ý nghĩa.
Hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - nguyên Bí thư Khu phố 4, phường Cô Giang, quận 1 - sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 12 tuổi, bà tham gia kháng chiến. Đến năm 1955, bà tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Trong thời gian này, bà Nguyệt đã may mắn được 2 lần gặp Bác Hồ.
Cầm trên tay bức ảnh chụp Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh tại Trường Học sinh miền Nam số 8 Hải Phòng năm 1959, bà Nguyệt kể: "Tôi nghe thông báo có đoàn cán bộ trung ương đến thăm trường nhưng không biết là ai. Bấy giờ, tôi là đội viên thanh niên cờ đỏ của trường và vinh dự được đứng ngoài mở cửa cho đoàn vào. Vừa nhìn thấy Bác xuống xe, tôi vội chạy đến ôm chầm lấy Bác, nước mắt cứ tuôn trào ra, trong lòng dâng lên niềm cảm xúc khó tả". Hình ảnh một vị lãnh tụ giản dị với tình thương yêu bao la, ân cần thăm hỏi mọi người khiến bà Nguyệt càng thêm kính yêu Bác Hồ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt giới thiệu bức ảnh chụp Bác Hồ về thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh tại Trường Học sinh miền Nam
Trước đó 4 năm, vào năm 1955, bà Nguyệt cũng có dịp gặp Bác Hồ. Khi ấy, Bác ghé thăm đại tá Hồ Thị Bi tại Bệnh viện 303 (nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô), bà đã may mắn nhìn thấy Bác. Dù không được gặp trực tiếp nhưng hình ảnh về Bác đã in sâu trong lòng bà Nguyệt. Từ tình cảm thiêng liêng dành cho Bác, cô nữ sinh của Trường Học sinh miền Nam năm xưa đã đi sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác và vận động mọi người tích cực hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Học Bác để hoàn thiện mình
Trong một lần dẫn đứa cháu nhỏ đi chơi trước UBND TP HCM, chỉ tay vào bức tượng Bác với thiếu nhi, bà Nguyệt giới thiệu với cháu đây là Bác Hồ. "A, con biết Bác Hồ là ai rồi, Bác Hồ là một pho tượng" - câu nói ngây thơ cùng ánh mắt lạ lẫm của con trẻ khi nhìn vào bức tượng Bác khiến bà bất giác giật mình và suy nghĩ rất nhiều.
"Cả hai lần gặp Bác, dù khi đó là một đứa trẻ hay trưởng thành, tôi đều ấn tượng và mãi không bao giờ quên hình ảnh một vị cha già dân tộc gần gũi, trìu mến cùng nụ cười ấm áp của Người. Vậy mà bây giờ, trong tâm thức của trẻ con, Bác Hồ chỉ là một pho tượng. Điều đó làm tôi day dứt. Mình phải làm sao để cho con cháu đời nay, những người không được gặp Bác nhưng vẫn hiểu về Bác là một người bằng xương bằng thịt, là linh hồn của một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là một vị lãnh tụ tài ba nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi với nhân dân" - bà Nguyệt trải lòng.
Sự day dứt ấy càng làm cho bà thêm quyết tâm đi sưu tầm tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ từ năm 1980. Tất cả nhà sách trong thành phố, bà đều cặm cụi đạp xe tìm tới. Cuốn sách nào có hình ảnh, câu chuyện về Bác, bà đều dành tiền lương ít ỏi của mình để mua về rồi sắp xếp theo từng chủ đề, mốc thời gian. Nghe ai có hình ảnh Bác, bà đến tận nơi để xin scan lại.
Bà kể trong số hơn 3.000 tấm ảnh về Bác mà bà sưu tầm được, có tấm là các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm thì bạn bè đồng nghiệp gửi đến nhưng cũng có tấm phải bỏ công đi tìm suốt mấy tháng bằng xe đạp mới có được. Thậm chí khi sang Pháp thăm con gái, bà cũng dành thời gian đi tìm thêm hàng trăm tấm ảnh về Bác...
Ban đầu, bà chỉ lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về Bác như một kỷ niệm cho con cháu sau này. Đến khoảng năm 1990, bà mới bắt đầu việc sưu tầm một cách có hệ thống và khoa học. Đằng sau mỗi bức ảnh, bà đều nắn nót ghi chú thời gian, địa điểm, sự kiện rồi ép nhựa, lồng vào album và bảo quản cẩn thận trong ngăn tủ.
Lật từng trang ảnh trong cuốn album, bà Nguyệt giới thiệu cho tôi nghe sự kiện, thời gian từng bức ảnh. Tấm này là Bác Hồ chụp chung với hoàng thân Souphanouvong (Lào), tấm này Bác đón các cháu ở Hà Nội đến chúc thọ Người năm 1960... Bà nói đây là tài sản vô giá. Bà coi đó là tình cảm của một người con miền Nam đối với Bác, là trách nhiệm của một nhà giáo đối với thế hệ trẻ tương lai và hơn bao giờ hết đó là sự biết ơn và tình yêu vô bờ của bà dành cho Người.
"Tuy ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng mỗi ngày tôi đều dành thời gian đọc sách về Bác. Càng đọc tôi càng thấm thía những lời Bác dạy nên tôi đã vận dụng lời dạy của Bác để làm phương châm sống, truyền đạt cho con cháu, cho mọi người, vận động họ thực hành vào cuộc sống hằng ngày" - bà tâm đắc. Bà cho biết học ở Bác sẽ giúp chúng ta tốt hơn, hoàn thiện hơn chứ không phải học Bác để trở thành một vĩ nhân và càng học càng thấy chưa đủ.
Kể chuyện về Bác
Không chỉ sưu tầm hình ảnh, tư liệu, bà Nguyễn Thị Nguyệt còn là người mang hình ảnh, những câu chuyện về Bác đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Sau khi nghỉ hưu vào năm 1996, bà Nguyệt có nhiều thời gian để đi sưu tầm cũng như kể chuyện về Bác Hồ. Bà đã dùng những hình ảnh về Bác cắt dán theo chủ đề gần gũi với thiếu nhi rồi mang đến các trường mẫu giáo, trường tiểu học để kể chuyện cho các cháu nghe về Bác. Mỗi câu hỏi của các cháu đều được bà giải đáp bằng những mẩu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa.
Bình luận (0)