xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người phụ nữ ưu tú đất sen hồng đã đi xa!

CÔNG TUẤN

Bà Lê Thị Huệ (bí danh Thanh Vân, Năm Vạn), dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 13-7, để lại niềm tiếc thương vô hạn

Bà Lê Thị Huệ sinh ngày 31-3-1930, tại làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), được mọi người thường gọi với cái tên rất đỗi trìu mến như "má Năm", "cô Năm Vạn", bởi sự gần gũi, giản dị của bà đối với tất cả những người xung quanh.

16 tuổi theo cách mạng

Năm 1942 - 1944, bà học tại Trường Tiểu học Hòa An, sau đó học Trường Trung học Gia Long (Sài Gòn). Bà chính thức tham gia cách mạng khi 16 tuổi (năm 1946). Tháng 8-1948, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Sau thời gian tập kết chuyển quân theo Hiệp định Genève (năm 1954), bà được bố trí ở lại, rút vào hoạt động bí mật. Cuối năm 1954, bà là Ủy viên Ban Phụ vận tỉnh Kiến Phong, được phân công bám địa bàn 2 xã Mỹ Ngãi và Hòa An. Năm 1959, do bị lộ, bà được rút về cơ quan Tỉnh ủy làm cộng tác viên phụ trách phụ vận và học sơ cấp chính trị tại Trường Đảng Trần Phú của khu ủy, sau đó về mở lớp đào tạo cán bộ cốt cán phụ vận cho cơ sở.

Tháng 11-1960, bà được điều về làm Huyện ủy viên Huyện ủy Cao Lãnh, phụ trách 2 xã Tân An (nay là Mỹ Tân), Mỹ Ngãi; sau đó bà được phân công về xã Tân Tịch và Tịnh Thới. Tháng 10-1961, bà là Trưởng Ban Phụ vận tỉnh Kiến Phong. Ngày 1-6-1962, bà học trung cấp chính trị Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam. Ngày 8-3-1963, thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh Kiến Phong, bà được bầu làm Hội trưởng Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng tỉnh Kiến Phong, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Phụ nữ Khu Trung Nam Bộ, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Kiến Phong.

Tháng 6-1967 đến 5-1968, bà được phân công phụ trách 3 xã: Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, vùng tiếp giáp thị xã Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh). Tháng 10-1968, bà được rút lên Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng khu 8 (Khu Trung Nam Bộ). Từ tháng 10-1973 đến 3-1976, bà là Hội phó Ban Chấp hành Phụ nữ Khu Trung Nam Bộ, được phân công hoạt động trên chiến trường Gò Công, Mỹ Tho và Bến Tre.

Đầu năm 1975, chuẩn bị giải phóng miền Nam, bà là thành viên Ban Chỉ huy tiền phương của Khu ủy Khu 8. Tháng 6-1976, bà được điều về công tác ở tỉnh Đồng Tháp và được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và là Tỉnh ủy viên.

Tháng 7-1981 đến 5-1982, bà là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Từ năm 1982 - 1985, bà là Ủy viên Đảng đoàn, Ủy viên Ban Thư ký Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tháng 11-1985 đến 1-1989, bà là Phó Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tháng 2-1989, bà nghỉ hưu.

Người phụ nữ ưu tú đất sen hồng đã đi xa! - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Huệ lúc sinh thờiẢnh: TƯ LIỆU

Miệt mài cống hiến

Sau nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đóng góp cho quê hương đất sen hồng Đồng Tháp. Bà là Chủ nhiệm CLB Cán bộ Hội Phụ nữ hưu trí tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học, Ủy viên Thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Tháp, Chủ nhiệm CLB Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: "Má Năm mất là tổn thất lớn cho quê hương Đồng Tháp, bởi sự đóng góp công sức của má rất lớn, nhất là vì sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhà. Thời gian má còn khỏe thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào ở địa phương rất nhiệt tình, hăng say. Nhiều người thương mến má ở sự gần gũi, miệt mài cống hiến cho quê hương dù đã nghỉ hưu".

Ông Huỳnh Minh Đoàn - nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - hay tin bà mất đã viết: "Một tượng đài danh dự của phụ nữ tỉnh - một người mẹ cầm súng - một nhân cách lớn của Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đi xa". Ông bày tỏ xúc động: "Mới hôm nào tôi tới thăm dì, dù đã ở tuổi hơn cả "xưa nay hiếm", sức khỏe yếu nhưng dì vẫn minh mẫn, sáng suốt và nhớ dai như thuở nào. Dì nắm tay tôi hỏi thăm gia đình con cháu nhà họ ngoại - những người đã tham gia kháng chiến cùng thời với dì. Với phong thái dí dỏm, tự nhiên, vui vẻ, dì kể cho tôi nghe những kỷ niệm rất thân thương trong kháng chiến, toát lên niềm kiêu hãnh và tự hào về chị em phụ nữ tỉnh Kiến Phong - Đồng Tháp trong chiến tranh, mà dì là người đứng đầu. Dì là 1 trong 2 lãnh đạo chủ chốt của Hội Phụ nữ Giải phóng Khu Trung Nam Bộ". 

Nhiều danh hiệu cao quý

Bà Lê Thị Huệ được Đảng, Nhà nước tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Quyết thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì và nhiều hình thức khen thưởng khác.

Bà đã từ trần hồi 5 giờ ngày 13-7, thượng thọ 93 tuổi.

Lễ viếng được bắt đầu lúc 14 giờ ngày 13-7-2022 (nhằm ngày 15 tháng 6 năm Nhâm Dần), tại tư gia - số 42 Nguyễn Thị Lựu, phường Hòa Thuận, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Lễ truy điệu bắt đầu lúc 11 giờ ngày 15-7-2022 (nhằm ngày 17 tháng 6 năm Nhâm Dần). Sau đó hỏa táng tại Nghĩa trang Nhân dân Quản Khánh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo