Ít người biết cô gái hay cười mặc áo dài trắng trong lễ vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của thủ đô vừa được Thành đoàn Hà Nội tổ chức tối 8-1 là một trong những gương mặt sở hữu kết quả học tập xuất sắc và bộ sưu tập huy chương đáng ước mơ.
"Tim em như ngừng đập"
Tại kỳ thi Olympic sinh học quốc tế 2018 được tổ chức tại Iran, với điểm số 98,13/100, vượt qua 261 thí sinh, nữ sinh lớp 12 chuyên sinh, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất trong 71 nước dự thi. Kết quả của Phương Thảo cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam trong hàng chục năm chinh chiến trên đấu trường Olympic quốc tế. Bật mí về thành tích xuất sắc của mình, Thảo chỉ nói gắn gọn: Trước khi bước chân vào cuộc tranh tài này, em đã xác định mục tiêu là đổi màu huy chương.
Năm 2017, Phương Thảo là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong đoàn Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn khoa học tự nhiên. Ở cuộc thi này, Thảo là cô gái duy nhất giành huy chương bạc. Cô chia sẻ đó vừa là niềm tự hào nhưng cũng là động lực để em quyết tâm phấn đấu trong kỳ thi năm 2018. Suốt một năm, Thảo đã xây dựng chiến lược đổi màu huy chương. Và thật không ngờ, không chỉ tấm huy chương đã đổi màu, Nguyễn Phương Thảo còn giành thành tích cao nhất cuộc thi này.
"Em rất hồi hộp và bất ngờ khi nghe ban tổ chức công bố top ba chung cuộc. Tim em như ngừng đập vào giây phút người dẫn chương trình hô to Phương Thảo đến từ Việt Nam là người có số điểm cao nhất kỳ thi năm 2018" - Nguyễn Phương Thảo nhớ lại. "Cả đoàn đã ôm chầm lấy nhau, nhảy lên vui mừng trong tiếng vỗ tay rất to, rất dài của cả hội trường. Có lẽ đây là giây phút huy hoàng và đáng nhớ nhất cuộc đời em" - Phương Thảo bộc bạch.
Bị hút hồn bởi thế giới tự nhiên huyền bí
Nguyễn Phương Thảo đam mê môn sinh học từ nhỏ, khi bị hút hồn với các chương trình thế giới động vật. "Sự sinh tồn của động vật trong thế giới tự nhiên huyền bí ấy đã khơi gợi cho em sự tìm tòi và nhất định phải nghiên cứu để lý giải được điều đó" - Thảo nói về niềm đam mê của mình. Lớp 9, cô bé đã giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi môn sinh học của TP Hà Nội. Thi vào lớp 10, em xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào của lớp chuyên sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
Với sự khích lệ, hỗ trợ hết mình của các thầy cô, năm lớp 11, Phương Thảo đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn sinh học. Niềm đam mê của Thảo đã giúp em sau đó được chọn là 1 trong 4 thành viên của tuyển Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế. Giành giải bạc trong kỳ thi Olympic quốc tế dành cho học sinh lớp 12 có thể coi là một trong những nấc thang đầu tiên đưa Thảo đến những chiến thắng sau này.
Khi cầm tấm huy chương đã đổi màu, Thảo nhớ lại điều đầu tiên hiện ra trong đầu em khi được đứng trên bục vinh quang là hình ảnh thầy cô, gia đình và những người đã hỗ trợ em trong suốt quá trình học hành. Nữ sinh sinh năm 2000 cũng cho hay thành tích này không chỉ là niềm hạnh phúc mà còn là nền móng bước đầu cho em phấn đấu trong tương lai của mình.
Nguyễn Phương Thảo
May mắn nhờ nỗ lực của bản thân
Với nhiều người, thành công đôi khi là may mắn, với Nguyễn Phương Thảo, thành công của em nhờ sự may mắn hay là nỗ lực của bản thân? Cho rằng bản thân gặp nhiều may mắn nhưng Thảo cho biết trong cuốn sách "Bí mật của sự may mắn" mà cô đã đọc thì may mắn có đến hay không còn do chính bản thân mình. "Nếu mình không cố gắng thì may mắn cũng chỉ đến ở mức độ nào đó mà thôi" - Thảo lý giải.
Nhìn lại chặng đường đã qua, Thảo tâm sự cô cùng các thành viên của đội tuyển Việt Nam đã phải trải qua hai phần thi hết sức căng thẳng và đầy áp lực. Ở kỳ thi Olympic sinh học 2018, cả đề lý thuyết và thực hành phân hóa rất cao; đồng thời, cách chấm điểm cũng khắt khe hơn năm trước nhiều.
Những năm trước, bài thi lý thuyết có 50 câu trắc nghiệm. Đúng 4 ý thì được tính 1 điểm, 3 ý được 0,6 điểm, 2 ý được 0,2 điểm; đúng 1 ý thì không được điểm. Tuy nhiên, năm nay, ban tổ chức tính 4 ý đúng được 1 điểm, 3 ý được 0,5 điểm, nếu chỉ đúng 1 hoặc 2 ý cũng không được điểm. Không chỉ áp lực từ cách tính điểm của ban tổ chức cuộc thi, Thảo còn bị áp lực từ… chính mình. "Muốn kết quả càng cao thì áp lực phải rèn luyện càng lớn" - Thảo nói và cũng cho rằng chính áp lực đó đã giúp Thảo có động lực hoàn thành tốt bài thi.
Chia sẻ bí quyết thành công trong học tập, Thảo cho hay cách học của cô là vừa rèn khả năng suy luận vừa rèn cách ghi nhớ tối giản hóa các kiến thức. Thảo luôn tạo ra hình ảnh và sơ đồ hóa mọi thứ để tìm sự liên kết giữa các phần kiến thức với nhau bởi cô cho rằng môn sinh có rất nhiều phần mảng cần sự liên kết để giải đáp những câu hỏi về một vấn đề.
Thảo còn tự hình thành thói quen "phản xạ đề 5 giây". Nghĩa là sau khi đọc đề, trong 5 giây đầu tiên, kiến thức hiện lên luôn là kiến thức đúng. Sau đó phải lập tức ghi lại ra giấy và tính thật nhanh, không được phân vân vì như vậy sẽ rất dễ sai hoặc lạc đề.
Khi học một phần thực hành nào đó, Thảo luôn cố gắng tìm hiểu kỹ những kiến thức lý thuyết liên quan. Sau khi "xử" xong phần lý thuyết, em sẽ tìm xem những thí nghiệm đó có thể làm được trong khuôn khổ lý thuyết nào để có thể giúp mình khắc sâu kiến thức.
Vật bất ly thân với Nguyễn Phương Thảo là chiếc balô lúc nào cũng nặng trĩu sách vở. Với cô gái này, nó như một thư viện di động, phục vụ cho việc học mọi lúc, mọi nơi. Trong khi đó, thư viện nhà trường là nơi để cô nữ sinh được sống với niềm đam mê tìm tòi của mình. Cô cũng dành nhiều thời gian cho các chương trình khám phá khoa học và thế giới động vật trên truyền hình, bởi đó là một kênh thu nạp kiến thức rất hay ngoài sách vở.
Không ngủ quên trên chiến thắng
Đôi khi thành công sớm dễ khiến người ta chủ quan trên con đường của mình. Về vấn đề này, Thảo bày tỏ quan điểm: Người muốn thành công thì luôn luôn cố gắng và không bao giờ ngoái lại phía sau, chỉ coi những gì đã qua là một bước đệm.
Đam mê ngành y sinh, Thảo cho hay mục tiêu trước mắt của cô là được tham gia vào nhóm nghiên cứu về công nghệ sinh học của trường. "Sinh viên năm thứ nhất mà được tham gia nhóm nghiên cứu này thì hơi khó, nhưng em sẽ cố gắng thể hiện mình để được thầy cô ghi nhận" - Thảo nói.
Hỏi Thảo về mục tiêu du học, cô cho biết đã thi xong các kỳ thi chuẩn hóa và chờ kết quả. "Cho em được giữ cho mình thông tin về trường học và quốc gia em muốn theo học sau này. Mọi thứ đều ở tương lai, em muốn chờ đến khi có kết quả chắc chắn" - cô gái vàng chia sẻ.
Huy chương vàng không phải thành công lớn nhất. Thành công lớn nhất chính là khi mình đạt được những mục tiêu đặt ra. Mà mục tiêu với em thì luôn thay đổi" .
(Nguyễn Phương Thảo)
Quá đỗi tự hào!
Thầy Mai Sỹ Tuấn, Trưởng đoàn Việt Nam tại kỳ thi Olympic sinh học 2018, cho biết không bao giờ quên khoảnh khắc "Nguyễn Phương Thảo đến từ Việt Nam" được xướng tên lên trong sự ngưỡng mộ của cả hội trường. "Thầy và trò chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong hạnh phúc. Hai tiếng Việt Nam thiêng liêng hơn bao giờ hết. Niềm tự hào dân tộc xóa nhòa đi những vất vả, áp lực của cả đoàn trong năm nay" - thầy Tuấn tâm sự.
Bình luận (0)