Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 vào ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của QH về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức (CB-CCVC).
Đấu giá thông qua trực tuyến
Theo tờ trình, biển số đấu giá nền trắng, chữ, số màu đen và chưa được đăng ký, nằm trong cơ sở dữ liệu của Bộ Công an. Việc đấu giá được thực hiện trực tuyến, mức giá khởi điểm chia làm 2 vùng, vùng 1 gồm Hà Nội và TP HCM ở mức 40 triệu đồng; vùng 2 các địa phương còn lại ở mức 20 triệu đồng.
Chính phủ đề xuất người trúng đấu giá được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; được đăng ký biển số gắn với ôtô thuộc sở hữu của mình; được giữ lại biển số khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình; được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số theo xe nhưng người nhận biển số theo xe sẽ không có những quyền trên.
Các đại biểu Quốc hội nghe trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Ảnh: PHẠM THẮNG
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh trong 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định. Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này. Người đấu giá thắng phải nộp đủ tiền sau 15 ngày và đăng ký gắn biển số với xe trong 12 tháng từ khi được xác nhận trúng đấu giá. Quá thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền thu hồi biển số trúng đấu giá. Toàn bộ số tiền thu từ đấu giá biển số sẽ nộp về ngân sách nhà nước.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH, cho biết cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quyền, nghĩa vụ người trúng đấu giá. Biển số ôtô vừa là tài sản cá nhân, vừa là công cụ quản lý nhà nước nên cần thiết hạn chế một số quyền tài sản của người trúng đấu giá vì lý do quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Theo cơ quan thẩm tra, việc này còn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ biển số và tránh gây phức tạp trong việc xử lý hệ quả thí điểm đối với các biển số ôtô được cấp thông qua đấu giá.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với thời hạn đăng ký xe sau khi trúng đấu giá là 12 tháng để thu hút được nhiều người tham gia hơn và phù hợp với thực tiễn nhiều loại xe sau khi đặt mua phải chờ đợi lâu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa các địa phương là không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, do đó đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm là 40 triệu đồng.
Thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay, quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với CB-CCVC còn có sự khác nhau. Cụ thể, với vi phạm phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, quy định hiện hành nêu rõ thời hiệu kỷ luật Đảng là 5 năm; thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính là 2 năm. Với mức kỷ luật cảnh cáo, thời hiệu kỷ luật Đảng là 10 năm, kỷ luật hành chính là 5 năm. Vì sự khác nhau này, thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính, các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của luật.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng điều này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nghiêm quy định kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải kỷ luật về hành chính. Đồng thời, việc này cũng không đúng với chủ trương xử lý kỷ luật nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ của Đảng.
Do đó, Chính phủ đề nghị QH ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 4 để quyết nghị việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng trong thời gian nghiên cứu, trình QH sửa đổi các luật có liên quan. Theo đó Chính phủ trình QH quy định: "Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của CB-CCVC đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên".
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của QH đồng tình khi cho rằng quy định hiện hành về thời hiệu xử lý kỷ luật CB-CCVC chưa thống nhất, đồng bộ với quy định mới về kỷ luật của Đảng. Cơ quan thẩm tra tán thành với tờ trình của Chính phủ, đề nghị QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 4 theo trình tự, thủ tục rút gọn việc áp dụng ngay thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đồng bộ với quy định xử lý kỷ luật của Đảng.
Bình luận (0)