Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong nửa cuối năm nay, Việt Nam tiếp tục đối mặt hiện tượng ENSO ở trạng thái La Nina (lạnh lên không bình thường) với xác suất khoảng 55%-65%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam chịu ảnh hưởng của La Nina và là hiện tượng ít gặp bởi chu kỳ ENSO thường chỉ 2 năm.
"Số lượng bão có thể sẽ nhiều hơn mức trung bình và tăng so với dự báo trước đây. Từ nay đến hết năm 2022, trên khu vực biển Đông dự báo có 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm" - ông Lâm lưu ý.
Trong đất liền, vào các tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến 9), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Khoảng tháng 10 và 11, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, dự báo cuối năm nay, mưa nhiều và bão kết hợp với không khí lạnh có khả năng gây mưa to đến rất to ở khu vực Trung Bộ. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
"Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt các tháng đầu mùa đông ở miền Bắc có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm" - ông Lâm dự báo.
Liên quan công tác dự báo, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay các báo cáo của Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đều đánh giá công nghệ dự báo những năm gần đây đã được nâng cao. Tuy nhiên, việc dự báo ngập lụt khó chính xác nếu ngành khí tượng thủy văn không có số liệu độ cao và thông số hệ thống cấp thoát nước tại các địa phương.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhấn mạnh để nâng cao chất lượng dự báo mưa, cần 2 giải pháp chính. Thứ nhất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; tận dụng tối đa dữ liệu của radar thời tiết, vệ tinh khí tượng. Thứ 2, thường xuyên cập nhật thông tin; sử dụng bản tin dài hạn để chuẩn bị, dự liệu giải pháp ứng phó và sử dụng bản tin ngắn hạn để hành động nhanh, kịp thời với diễn biến mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Bình luận (0)