Trong bối cảnh người mắc Covid-19 gia tăng và tỉ lệ điều trị tại nhà chiếm đa số, nhiều địa phương đã và đang xảy ra tình trạng rác thải của F0 trong các hộ gia đình vẫn được thu gom, xử lý chung với rác thải sinh hoạt.
Bất cập, khó khăn
Bà Đào Thị Anh Điệp, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hà Nội, cho biết việc gia tăng số lượng F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế cũng làm gia tăng chất thải có nguy cơ lây nhiễm trong hộ gia đình.
Trước thực tế này, Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND TP Hà Nội ban hành phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải phát sinh ở điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà. Phương án này nhằm kiểm soát tốt việc quản lý rác thải, bảo đảm không phát tán mầm bệnh trong quá trình phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải phát sinh ở nơi cách ly, điều trị F0 tại nhà và bảo đảm an toàn cho những người liên quan.
Tuy nhiên, một số phường, xã ở Hà Nội thừa nhận đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm phát sinh khi F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lý do là số lượng F0 nhiều mà nhân lực thu gom, xử lý rác thải thì ít.
Tại TP HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) cũng vừa có hướng dẫn xử lý chất thải của người mắc Covid-19 cách ly tại nhà. Theo đó, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của F0 đang được quản lý tại nhà (bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ) và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc F0 thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm, phải được bỏ vào túi hoặc thùng lót túi, bên ngoài có dòng chữ "Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2". Chất thải của các trường hợp F0 sẽ được địa phương bố trí người thu gom, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp để xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy hướng dẫn này chưa được người dân thực hiện. Các địa phương chưa bố trí lực lượng thu gom riêng biệt đến các gia đình có F0 cách ly tại nhà. Do đó, rác của F0 vẫn bỏ chung với rác sinh hoạt và giao cho lực lượng thu gom rác dân lập như bình thường.
Chị Nguyễn Thanh Xuân (huyện Hóc Môn, TP HCM), vừa khỏi bệnh Covid-19, cho biết gia đình chị cẩn thận bỏ các vật dụng như khẩu trang y tế, khăn giấy, que test… vào túi nhựa rồi mới cho vào thùng rác để người thu gom tránh nguy cơ lây nhiễm. Chị còn cẩn thận nhắc người thu gom rác là gia đình đang có F0 để họ phòng ngừa. Chị Xuân tỏ ra không hiểu khi hiện nay, người thu gom rác dân lập vẫn lấy rác của F0 như rác sinh hoạt bình thường; không có người thu gom riêng rác thải của F0.
Trong khi đó, Đắk Lắk là địa phương không nằm trong tốp đầu có bệnh nhân Covid-19 cao. Hiện nay, tỉnh này có gần 30.000 F0 được điều trị tại nhà, có khai báo với cơ quan y tế. Anh N.V.Đ - công nhân thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - cho biết hầu hết các điểm tập kết rác sinh hoạt đều có các loại rác thải liên quan F0.
"Mỗi ngày, tôi thu gom rất nhiều túi rác có các kit test "2 vạch". Thời gian đầu, tôi cũng rất lo lắng khi hằng ngày phải tiếp xúc rác thải của bệnh nhân Covid-19 nhưng giờ cũng quen dần. Chúng tôi cũng không còn cách nào khác là cố gắng sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ và nhịn ăn uống trong quá trình đi thu gom rác, để hạn chế việc bị lây nhiễm SARS-CoV-2" - anh Đ. bày tỏ.
Ông Bùi Văn Quý, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị và Môi trường tỉnh Đắk Lắk - đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác khoảng 2/3 địa bàn TP Buôn Ma Thuột, thừa nhận trước đây, số F0 điều trị tại nhà rất ít nên lực lượng y tế có giám sát việc xử lý rác thải từ bệnh nhân. Do hiện nay số F0 điều trị tại nhà quá nhiều, không còn giăng dây phong tỏa từng hộ nên người thu gom rác không biết nhà nào có bệnh nhân Covid-19, rác thải vì vậy cũng bỏ chung với nhau.
"Rác thải của bệnh nhân Covid-19 được thu gom chung với rác sinh hoạt thông thường rồi chở ra bãi rác của thành phố đổ. Việc này làm tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển rác" - ông Quý lo ngại.
Rác thải của bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà được gom chung với rác thải sinh hoạt
Rất dễ bắt gặp những kit test đã sử dụng tại các điểm tập kết rác sinh hoạt trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Phải thu gom theo quy định
Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã có những quy định, hướng dẫn bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà tự phân loại rác thải có mầm bệnh. Tuy nhiên, do số lượng F0 điều trị tại nhà rất lớn, nhiều người dân cũng dần coi nhẹ và không thực hiện việc phân loại rác thải. Thực tế, nếu người dân phân loại thì cũng chưa có xe thu gom rác chuyên dụng.
"Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đang xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết theo yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới. Theo đó, khuyến khích người dân là F0 điều trị tại nhà bỏ rác thải vào túi riêng, xịt khử khuẩn rồi cho thu gom chung với rác thải sinh hoạt thông thường là được" - ông Nay Phi La thông tin.
Tại Cần Thơ, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Tấn Hiển, địa phương này đã có hệ thống thu gom rác thải của người mắc Covid-19 đang cách ly, điều trị tại nhà. Sau khi thu gom, loại rác này được đưa vào Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ xử lý. Khi rác thải y tế phát sinh từ bệnh nhân Covid-19 quá nhiều, vượt công suất lò đốt ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, rác đưa vào đây sẽ được "sấy cho chết virus"; sau đó đưa xuống nhà máy xử lý rác sinh hoạt ở huyện Thới Lai đốt.
Ông Hiển cho biết những F0 có thông báo với chính quyền địa phương sẽ được giăng dây trước nhà nên người thu gom rác nhận biết và phân loại được. Đối với F0 không khai báo với cơ quan y tế, rác của họ trộn chung với rác thải sinh hoạt bình thường thì đành... "chịu thua"!
Bệnh nhân Covid-19 ở một số địa phương đang tăng. Việc thu gom, xử lý chất thải của họ đúng quy trình là rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và không gây ô nhiễm môi trường.
Bà Đào Thị Anh Điệp cho rằng tất cả các loại chất thải phát sinh của F0 điều trị tại nhà phải được coi là chất thải lây nhiễm. Số chất thải này phải được thu gom theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, UBND các cấp cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm việc phân loại riêng biệt, thu gom chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không để lẫn với chất thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần có phương án bố trí đơn vị thu gom chất thải từ các gia đình, địa điểm lưu trú có F0 đang cách ly để đưa đến nơi lưu giữ, chuyển giao kịp thời cho cơ sở chuyên môn xử lý.
Mặt khác, để phòng trường hợp gia đình có người mắc Covid-19 nhưng chưa được phát hiện hoặc gia đình có người nhiễm nhưng không phân loại chất thải đúng quy định, các địa phương, doanh nghiệp vệ sinh môi trường cần tăng cường hướng dẫn công nhân có biện pháp hạn chế tiếp xúc rác thải trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý.
Bình luận (0)