Để bảo vệ mình, người thu gom phải tự trang bị găng tay y tế, mang theo nước sát khuẩn để xịt khử trùng, rửa tay khi lấy rác.
"Thật sự chúng tôi rất lo lắng vì nhiều trường hợp không biết là F0, nếu phường không dán bảng thông báo hoặc giăng dây. Chúng tôi không được trang bị đồ bảo hộ, không được test Covid-19 thường xuyên, chỉ mới tiêm 1 mũi vắc-xin nên rất bất an mỗi khi thu gom rác nguy hại"- chị Thanh Ly lo lắng.
Theo chị Thanh Ly, Sở Tài nguyên và Môi trường nên có hướng dẫn các địa phương tổ chức, thu gom loại rác này nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm, thu gom rác tại các quận 10, 5, 6, 3, đã có 12 người thu gom rác dân lập trên địa bàn quận 5 là F0; còn tại quận 10 và quận 6, mỗi quận có 10 trường hợp. May mắn họ đều vượt qua dịch bệnh, khỏe mạnh trở lại. Tuy không rõ nguồn lây nhưng theo ông Khanh, việc người thu gom mỗi ngày vẫn phải tiếp xúc thường xuyên với nguồn rác của các F0 tại nhà mà không được trang bị đồ bảo hộ, nước sát khuẩn… rất nguy hiểm. Chưa kể, rác sinh hoạt, y tế của các gia đình F0 về quy tắc phải tách ra, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt vì là rác thải nguy hại. Thế nhưng tất cả đều đổ về bô rác, xử lý như rác sinh hoạt bình thường.
Hiện nay, tại TP HCM, việc xử lý rác y tế nguy hại tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế... do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố và 3 đơn vị tư nhân xử lý theo quy trình nghiêm ngặt. Riêng rác thải sinh hoạt tại các khu phong tỏa được địa phương giao cho Công ty Dịch vụ công ích thu gom, xử lý. Thế nhưng, lực lượng này đang quá tải, chưa kể nhiều công nhân bị phơi nhiễm khiến nhân sự thiếu hụt sau thời gian các điểm phong tỏa tăng cao.
Riêng các khu vực khác do đội ngũ thu gom rác dân lập phụ trách. Thế nhưng hiện nay việc thu gom rác không còn phân vùng như trước bởi số ca bệnh tăng cao, số ca tự cách ly tại nhà cũng tăng.
Thực tế này đòi hỏi một quy trình thu gom nghiêm ngặt hơn nếu phải tiếp tục sử dụng lực lượng tại chỗ là rác dân lập thu gom như hiện nay.
Những người trong cuộc đề xuất UBND TP xem xét 6 vấn đề: hỗ trợ người thu gom rác dân lập tiêm vắc-xin mũi 2 sớm nhất có thể; trang bị bảo hộ lao động, khẩu trang, nước sát khuẩn... cho người thu gom; hướng dẫn quy trình thu gom an toàn; có chính sách hỗ trợ cho người thu gom nhất là đối với những người thu gom bị nhiễm bệnh trong quá trình thu gom rác.
Làm sao để người thu gom rác vừa an tâm làm nhiệm vụ vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh là vấn đề cần phải được các sở, ngành, địa phương nhìn nhận và có giải pháp kịp thời.
Bình luận (0)