Sáng 22-1, sau khi ông Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, kiến nghị với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ về việc lấy lại cảng Quy Nhơn giao cho Nhà nước quản lý tại buổi làm việc trưa 20-1, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định (nhiệm kỳ 2010-2015). Trước đó, ông Thiện cũng là người đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ký văn bản đề nghị Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT về cổ phần hóa cảng Quy Nhơn vào tháng 7-2015.
Nguyên bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện
- Phóng viên: Ông nghĩ thế nào sau khi người kế nhiệm là Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ lấy lại cảng Quy Nhơn cho Nhà nước quản lý; trong khi trước đó chính ông khi còn đương chức bí thư Tỉnh ủy đã có văn bản đề xuất bán cho tư nhân?
Ông Nguyễn Văn Thiện: Tôi hoàn toàn ủng hộ về kiến nghị của anh Nguyễn Thanh Tùng về việc lấy lại cảng Quy Nhơn giao về cho Nhà nước quản lý. Theo quy hoạch, cảng Quy Nhơn còn phải đầu tư 2 cầu cảng và nạo vét luồng lạch để đảm bảo tàu ra vào cảng, kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 3 năm cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược mua lại cảng vẫn chưa triển khai dự án mở rộng cảng nên tôi thống nhất với kiến nghị về việc lấy lại cảng Quy Nhơn giao về cho Nhà nước quản lý.
- Phóng viên: Tại sao lúc đó ông lại ký văn bản đề nghị cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, trong khi nhiều cán bộ và người dân địa phương không tán thành chủ trương này?
Ông Nguyễn Văn Thiện: Thời điểm đó, tôi ký văn bản này dựa trên chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Nhà nước quản lý. Địa phương ký vậy nhưng thẩm quyền bán cho ai, như thế nào... lại thuộc về Bộ Giao thông vận tải chứ chúng tôi không biết gì.
Nhiều người cho rằng việc cổ phần hóa tại cảng Quy Nhơn "có vấn đề"
- Phóng viên: Hiện 100% phần vốn của Nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã được bán hết, trong đó bán cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (trụ sở ở TP Hà Nội) 86,23%. Vậy giờ làm sao ta có thể lấy lại được phần vốn của Nhà nước?
Ông Nguyễn Văn Thiện: Cảng Quy Nhơn hiện đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, trong khi đó nhà đầu tư chiến lược sau khi mua phần lớn phần vốn của cảng lại không có tiền đầu tư. Vì vậy, giờ Nhà nước muốn nắm giữ phần vốn hơn 51% tại cảng Quy Nhơn thì nên chi ra khoảng 1.000 tỉ đề đầu tư cầu cảng và nạo vét luồng lạch. Lúc đó, phần vốn của Nhà nước tại cảng Quy Nhơn sẽ tăng gấp 2 lần so với vốn điều lệ hiện tại và Nhà nước sẽ nắm giữ cổ phần lớn hơn phần vốn của tư nhân chứ có khó gì đâu.
- Phóng viên: Như Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã nói, một trong những cơ sở quan trọng để lấy lại cảng Quy Nhơn về cho Nhà nước quản lý là vì vấn đề an ninh quốc phòng. Ông suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Thiện: Khi có sự cố xảy ra thì chỗ nào Nhà nước cũng được phép trưng dụng hết, không kể đó là tài sản của tư nhân hay Nhà nước quản lý. Ngoài ra, đất nước Việt Nam mình thì chỗ nào cũng là an ninh quốc phòng, chứ không riêng gì cảng Quy Nhơn không đâu.
- Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)