Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1-10. Phóng viên Báo Người Lao Động đã gặp gỡ và ghi lại những câu chuyện của nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc - người từng có nhiều năm gắn bó với Tổng Bí thư Đỗ Mười trên cả phương diện công việc và cuộc sống.
Làm việc quên ngày đêm
Thời điểm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, ông Đỗ Mười được bầu giữ chức Tổng Bí thư. Trước đó, khi ông Đỗ Mười còn là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, những khó khăn trong nền kinh tế đã xảy ra với Việt Nam do tình hình ở Liên Xô và các nước Đông Âu.
Tổng Bí thư Đỗ Mười gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 18 đến 19-4-1995 Ảnh: TTXVN
Lúc này, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thể hiện vai trò lãnh đạo đất nước trong thời kỳ chuyển đổi, ổn định tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Ông đưa ra các quyết sách để bảo đảm tự lực tự cường quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. "Giai đoạn 1991-1995 là thời kỳ giải tỏa các mối quan hệ với phương Tây, mở cửa mạnh nhất, gỡ bỏ cấm vận của Mỹ, thiết lập lại quan hệ ngoại giao với các nước công nghiệp phát triển. Ông Đỗ Mười với cương vị Tổng Bí thư đã đạt được nhiều thành quả trong công cuộc đổi mới, bình thường hóa quan hệ với các nước, đáng chú ý là với Mỹ" - ông Võ Hồng Phúc đánh giá.
Theo ông Phúc, trong giai đoạn kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn, đầu những năm 1990, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã đặc biệt quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo. Khi đó, các chương trình, các phong trào và kế hoạch xóa đói giảm nghèo đã được triển khai trên diện rộng. "Ông Đỗ Mười thường xuyên đi thị sát, kiểm tra tình hình ở cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Sau khi đi cơ sở về, ông lập tức có những chỉ đạo sát sườn để khắc phục những bất cập được phát hiện" - ông Phúc kể.
Trong ký ức của ông Phúc, Tổng Bí thư Đỗ Mười là một vị lãnh đạo làm việc phi thường, quên ngày đêm. "Nếu anh Mười đã gọi điện trao đổi công việc thì phải sạc pin điện thoại cho đủ. Những cuộc gọi báo cáo công việc vào 4 - 5 giờ sáng là chuyện bình thường" - ông Phúc cho biết.
Trong các chuyến công tác về địa phương, ông luôn quán triệt không được đón tiếp rình rang, mâm bàn linh đình mà phải thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhớ như in những chuyến vào Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra thăm dò dầu khí với ông Đỗ Mười, lúc giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. "Lúc đó, ông chỉ yêu cầu bố trí bữa cơm bình dân" - ông Phúc hồi ức.
Đặt nền móng quan hệ Việt - Nhật
Tháp tùng Tổng Bí thư Đỗ Mười trong chuyến thăm Nhật Bản trong 2 ngày 18 và 19-4-1995, ông Võ Hồng Phúc nhớ rõ khi đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười rất ấn tượng với những thành tựu Nhật Bản đã đạt được, về những công trình, đường sá nước bạn đã và đang trong quá trình xây dựng hiện đại. "Khi trở về nước, Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu chúng tôi phải làm thế nào để sản xuất được vật liệu xây dựng, phải có luyện thép, luyện kim đủ để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước" - ông Phúc nhớ lại chuyện từ hơn 20 năm về trước.
Cũng theo lời kể của ông Phúc, khi ấy, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản, ông Đỗ Mười chất vấn đoàn công tác: "Nước Nhật tài nguyên không nhiều, đất đai nhỏ hẹp mà họ làm được như vậy, tại sao chúng ta không làm được?". Chính câu nói này của Tổng Bí thư đã khiến đoàn công tác phải trăn trở, cũng từ đó mở ra một thời kỳ hợp tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam - Nhật Bản.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cho rằng một bước ngoặt mới mở ra trong hợp tác quốc tế thể hiện rõ tài bang giao của Tổng Bí thư Đỗ Mười, đó là sau chuyến công du này, một đoàn chuyên gia Nhật Bản sang giúp đỡ, tư vấn Việt Nam trong việc hoạch định chính sách, xây dựng các kế hoạch phát triển giai đoạn 1996-2000. Ông Phúc kể lại: "Tổng Bí thư Đỗ Mười đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama, bày tỏ nguyện vọng muốn Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam một đoàn chuyên gia. Trước đề nghị chân thành của Tổng Bí thư, Thủ tướng Nhật Bản đã đồng ý. Ngay sau đó Nhật Bản cử một đoàn chuyên gia khoảng 20 người, do GS Ishikawa dẫn đầu, giúp đỡ chúng ta trong một giai đoạn khá dài".
Trong thời gian đoàn chuyên gia làm việc ở Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười luôn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải lấy sự chân thành làm việc với các chuyên gia thì phía họ mới chân thành đóng góp cho đất nước chúng ta. Giai đoạn này, đoàn chuyên gia Nhật tham gia, góp ý cho Việt Nam trong việc xây dựng các kế hoạch 5 năm, góp ý về khơi dậy nguồn lực, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế công nghiệp - nông thôn, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Làm việc, cống hiến không ngưng nghỉ
Theo tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, do tuổi cao sức yếu, nguyên Tổng Bí thư đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1-10-2018, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917; quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Năm 19 tuổi, ông tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân. Năm 1939, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò - Hà Nội. Sau tháng 8-1945, ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông.
Năm 1955, ông là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân chính TP Hải Phòng. Tại Hội nghị Trung ương tháng 3-1955, ông được bầu bổ sung làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa II. Một năm sau, ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội thương, đến năm 1958 giữ chức bộ trưởng bộ này. Tháng 9-1960, ông Đỗ Mười được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng.
Từ năm 1961 - 1969, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra của Chính phủ. Từ 1969-1971, giữ chức Phó Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Phủ Thủ tướng. Từ tháng 6-1973 đến tháng 11-1977, giữ chức Bộ trưởng Xây dựng. Tháng 12-1976, tại Đại hội Đảng lần thứ IV, ông được bầu vào BCH Trung ương và ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 1976-1981.
Tháng 7-1981, ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tháng 6-1988, Quốc hội khóa VIII bầu ông giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội Đảng lần thứ VII và VIII, ông được bầu vào BCH Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư (từ tháng 6-1991 đến tháng 12-1997).
Mặc niệm cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Sáng 2-10, trước khi bắt đầu phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 8), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trân trọng thông báo về việc nguyên Tổng Bí thư, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.
Để tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, lãnh đạo Đảng, nhà nước, các ủy viên trung ương và đại biểu tham dự hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm. T.Dũng
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!