Công tác nhập cảnh tại Nhật được số hóa khá nhiều. Hạ cánh lúc nửa đêm, tôi vội mua sim dữ liệu bảo đảm kết nối tại đất nước bận rộn và nhộn nhịp này.
Cổng Sấm của Sensoji - nơi còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc biệt của thời đại Edo
Chuyến tàu đêm muộn
Tàu điện ngầm từ sân bay Haneda về khách sạn tôi ở tại khu Ropongi rất tiện lợi. Ngồi trên tàu ngắm những ánh đèn vàng vun vút trong đêm, những hành khách lặng lẽ đeo tai nghe với đôi mắt nhắm hờ hoặc chăm chú vào màn hình điện thoại. Trong không gian ấy, chỉ còn nghe tiếng tàu xé gió lao đi, thi thoảng có chút rung lắc nhẹ, như phần nào phản ánh xã hội Nhật Bản hối hả, trật tự, chuộng sự đơn sắc.
Tác giả đứng ở vị trí chụp hình phổ biến tại Sensoji - nơi có thể ngắm bao quát khuôn viên ngôi đền
Tôi chọn phòng ở tầng cao nhất của khách sạn, đầu ngày có ánh bình minh rọi vào khung cửa sổ. Buổi sáng, tôi dậy sớm tắm khoáng nóng (onsen hay grand bath) theo một phong tục truyền thống của người Nhật, có thể làm ai lần đầu trải nghiệm ngại ngùng khi trút bỏ toàn bộ quần áo. Thật tuyệt để ngâm mình trong làn nước nóng thư giãn, khi ngoài trời lạnh 4-5 độ C dù có nắng. Tiết lập xuân phù hợp vãn cảnh chùa - điểm đến làm tôi háo hức là thành phố Asakusa - thành phố cổ kính với nét kiến trúc đền đài đặc trưng của Nhật Bản, có đền Sensoji nổi tiếng.
Asakusa - Nhật Bản truyền thống thu nhỏ
Từ ga Shinjuku náo nhiệt, tôi cùng một người bạn đang sống tại Tokyo bắt chuyến tàu qua Line Ginza để đến ga Asakusa. Thời gian di chuyển khoảng 50 phút. Tôi dùng thẻ Suica - chỉ cần một loại thẻ, nạp tiền, lên mọi phương tiện giao thông công cộng và có chức năng thanh toán như ví điện tử.
Vừa ra khỏi nhà ga, đi bộ khoảng 200 mét, ta bắt gặp cửa đền Sensoji sừng sững với chiếc đèn lồng khổng lồ sơn chữ Kanji màu đen đậm nét. Bước qua Cổng Sấm - Kaminarimon, là phố mua sắm Nakamise dẫn lối vào chính điện, từng gian hàng nhỏ nhắn xếp gọn trong các cột đỏ, bán những món đồ lưu niệm rất Nhật, như: mèo thần tài, búp-bê Kimono… và những nén nhang thơm. Trong làn sương khói, người người mặc Kimono, tấp nập dâng hương vãn cảnh vẽ ra một góc Nhật Bản vẫn đậm nét truyền thống dẫu đã là cường quốc về tài chính và công nghệ.
Đài nước Temizuya (hoặc Chouzuya), để khách thực hiện nghi thức làm sạch cơ thể cũng như tâm hồn bằng cách rửa tay và miệng
Mọi người nói rằng ngôi đền rất linh thiêng, "cầu được ước thấy" và tôi cũng tin vậy. Chúng tôi xếp hàng rửa tay rồi thắp hương ở chiếc lư lớn đặt ngay giữa sân. Bắt chước người bản địa, tôi lấy tay phẩy nhẹ cho làn khói thơm cuốn đi bụi trần trước khi bước vào chính điện. Trước điện thờ, tôi thành tâm tung một đồng xu xuống chiếc rương có những thanh gỗ song song chắn ngang, vỗ tay ba lần và ước nguyện.
Tôi sang khu vực gieo quẻ, đặt vào 200 yen (khoảng 35.000 VNĐ), lắc ống quẻ đều tay xin một thẻ bài may mắn. Mỗi thẻ ứng với một quẻ có lời giải đặt trong những chiếc ngăn kéo nhỏ. Điều thú vị là trong lời giải có cả tiếng Nhật cổ ngữ - diễn giải tiếng Nhật phổ thông và tiếng Anh. Lời giải đề rõ 3 loại quẻ: Quẻ may mắn - Bình thường - "Quẻ gở". Với "quẻ gở", bạn có thể lựa chọn gấp lại lời giải và buộc lên giá treo, gửi lại "điềm gở" nhờ các đấng thần linh hóa giải và chở che, cầu an lành.
Khi rời Asakusa quay lại trung tâm Tokyo thì mưa nhẹ và trời se lạnh. Cổ nhân nói đi chùa dâng hương và gặp mưa là điềm lành. Một người bạn sống ở Nhật nói với tôi: "Nhật Bản là Nhật Bản, có lẽ Nhật Bản không thuộc về châu Á" bởi đây là một đất nước kỳ lạ đan xen giữa sự tân tiến và giá trị xưa cũ được bảo tồn, phát huy. Lòng tôi ấm áp sau hành trình khởi nguyện đầu năm, bởi những người bạn tại Nhật lâu ngày không gặp vẫn đón tiếp nồng hậu, bởi Nhật Bản đã ở trong tôi từ thời thơ ấu qua những chuyến đi biển của bố và câu chuyện của chú mèo máy thần kỳ Doraemon.
Bình luận (0)