Ngày 21-1, UBND huyện Nhà Bè tổ chức hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Giao thông - điểm mấu chốt cần gỡ
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết năm 2021 dù gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng địa phương đạt được một số kết quả nổi bật và có nhiều điểm sáng, tạo động lực cho năm mới. Năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện mục tiêu quan trọng là xây dựng huyện trở thành quận theo định hướng, chủ trương chỉ đạo của thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần XII nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong quá trình lên quận, huyện Nhà Bè phải trở thành đô thị vệ tinh của TP HCM
Tuy nhiên, mục tiêu lên quận của Nhà Bè đang gặp không ít thách thức cần được tháo gỡ, nhất là hạ tầng giao thông còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Ông Hà Minh Tân, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Nhà Bè, khẳng định dù Nhà Bè có nhiều lợi thế vì có khu công nghiệp, bến cảng, chỉ cách trung tâm thành phố hơn 10 km nhưng các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn cho rằng muốn Nhà Bè tăng tốc phát triển, thu hút nhà đầu tư thì giải pháp lớn nhất là phát triển hạ tầng giao thông. Vì vậy, Nhà Bè mong thành phố có chính sách ủng hộ vốn mồi để đầu tư các trục đường giao thông chính như đường 15B nối quận 7 với Nhà Bè; xây dựng đường nối Huỳnh Tấn Phát tới vòng xoay Nhơn Đức, bởi hiện tại trục giao thông này chỉ có 2 tuyến đường chính kết nối ra bên ngoài là Phạm Hữu Lầu và Nguyễn Bình. Ngoài ra, theo quy hoạch thì qua địa bàn Nhà Bè có các trục động lực, đường song hành Quốc lộ 50 nối với các tỉnh miền Tây nhưng do nguồn vốn eo hẹp nên những dự án giao thông quan trọng này chưa được triển khai.
Bên cạnh đó, theo ông Hà Minh Tân, Nhà Bè có quỹ đất quy hoạch công viên chuyên đề diện tích 160 ha. Tuy nhiên, cũng do nhiều khó khăn về nguồn vốn và chính sách đầu tư nên chưa thể triển khai. "Phải có chính sách cho tư nhân tham gia, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - ông Hà Minh Tân kiến nghị.
Ông Thái Kim Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè, phân tích điểm khó khăn là đầu tư giao thông ở Nhà Bè khác với các địa phương ở chỗ một tuyến đường thường có 2 cây cầu, chi phí xây cầu có khi bằng cả tuyến đường. "Dẫn chứng là muốn làm đường hoàn chỉnh vào kho dầu B thì phải có 3 cây cầu nên rất khó huy động doanh nghiệp tham gia. Xây cầu là vấn đề lớn nên tôi kiến nghị xây dựng phương thức đầu tư cho các tuyến đường, công trình. Phương thức đó bao gồm nhà đầu tư tham gia chỗ nào, nhà nước tham gia chỗ nào. Khi làm rõ phương thức đầu tư thì mới biết vốn mồi bao nhiêu, vốn doanh nghiệp bao nhiêu" - ông Dũng nói.
Định hướng phát triển theo 5 lĩnh vực
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan lưu ý huyện Nhà Bè muốn phát triển tốt hạ tầng thì nên mở hội nghị kêu gọi đầu tư, giới thiệu các dự án tới doanh nghiệp, nhà đầu tư. Hội thảo sẽ giúp huyện Nhà Bè tìm "đường ra" cho công viên 160 ha. Khi có nhà đầu tư xây dựng đề án công viên thì huyện sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Đối với việc mở đường giao thông, ông Võ Văn Hoan cho rằng Nhà Bè nên chọn trục chính để đầu tư phát triển nhằm phù hợp với đặc trưng sông nước. "Huyện Nhà Bè có nhiều sông, kênh rạch nên phát triển giao thông kiểu ô bàn cờ như khu vực trung tâm thành phố là không ổn, rất tốn chi phí đầu tư cầu. Hơn nữa, đầu tư các tuyến nhỏ vừa tốn sức mà lại làm đô thị phát triển quá nóng, không kiểm soát được và ô nhiễm môi trường" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM lưu ý.
Đặc biệt, ông Võ Văn Hoan đề nghị huyện Nhà Bè phải tập trung nghiên cứu hoàn thiện "Đề án đầu tư xây dựng huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP HCM". Việc xây dựng đô thị vệ tinh có nhiều ý nghĩa, phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên của Nhà Bè và giúp giải quyết một số bất cập trong phát triển đô thị.
Theo ông Võ Văn Hoan, đề án sẽ nghiên cứu sâu 5 lĩnh vực để định hướng phát triển, gồm hạ tầng đô thị, kinh tế đô thị, văn hóa đô thị, con người đô thị và quản trị đô thị. "Trong đó, nghiên cứu con người đô thị như thế nào để nâng cao nhận thức, hướng tới vị thế đủ tầm sống trong đô thị, tránh tình trạng sống trong đô thị mà tư tưởng ngoài đô thị, hành vi ngoài đô thị như xả rác gây ô nhiễm môi trường…" - ông Võ Văn Hoan nói. Ngoài ra, đề án cũng phải xây dựng được các dự án, công trình trọng điểm, nguồn lực để đầu tư, lộ trình đầu tư cụ thể. "Trên cơ sở hướng dẫn của thành phố, huyện Nhà Bè phải hoàn thiện đề án trước tháng 6-2022 để thành phố tổng kiểm tra, cho ý kiến" - Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan yêu cầu.
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho hay trong năm 2022, địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chủ động nghiên cứu đề xuất thành phố những ý tưởng, định hướng phát triển Nhà Bè gắn với tổng thể phát triển thành phố và phát triển liên vùng; chủ động đề xuất mô hình huy động nguồn lực đầu tư phù hợp đặc thù huyện Nhà Bè vốn đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh và phát triển theo hướng đô thị vệ tinh của thành phố.
"Huyện sẽ tập hợp thành bộ tài liệu kiến nghị, đặc biệt là khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua. Trong đó, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của huyện sẽ gấp rút tháo gỡ ngay trong năm 2022, còn vấn đề thuộc sở - ngành thì đề xuất thành phố tháo gỡ" - Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè nói.
Bình luận (0)