Phóng viên: Là người có nhiều năm làm việc và thân thiết với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, ông đánh giá như thế nào về nguyên Thủ tướng?
- TS Lê Đăng Doanh: Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải mà tôi là một thành viên thường xuyên được Thủ tướng tham khảo ý kiến đóng góp cho các quyết sách, dự thảo các văn bản… trước khi ông ký. Thủ tướng Phan Văn Khải là người hết sức chịu khó lắng nghe ý kiến của các chuyên gia nên các văn bản ông ký thời đó ít khi mắc lỗi hay có sai sót gì lớn.
Còn về con người của anh Khải, tôi phải khẳng định anh hết sức gần gũi, hòa đồng, tôn trọng ý kiến của chuyên gia. Gặp tôi, anh thường hay nói "mày - tao" hết sức dân dã. Tôi vẫn nhớ có lần gặp, anh bảo: "Doanh ơi, mày nói cũng vừa vừa thôi mày!". Anh nói hết sức chân tình.
Trong lòng tôi, anh Khải là một nhà lãnh đạo, một con người thú vị, biết tôn trọng anh em, không có phân biệt cấp bậc.
Theo ông, trong những việc lớn ông Phan Văn Khải đã làm, đâu là những thành tựu quan trọng cho nền kinh tế của đất nước?
- Tôi muốn nhấn mạnh anh Sáu Khải là nhà lãnh đạo của cải cách và hội nhập quốc tế. Ông là người ủng hộ và quyết tâm xây dựng cũng như tổ chức thực hiện Luật Doanh nghiệp (DN) với những đột phá mạnh mẽ. Luật DN, theo tôi, là bước tiến vượt bậc, được cả quốc tế công nhận trong công cuộc cải cách của Việt Nam.
Thủ tướng Phan Văn Khải dự lễ khởi công Khu Công nghiệp Việt Hưng, tỉnh Quảng Ninh, vào ngày 25-4-2005 Ảnh: TƯ LIỆU
Thời đó, tôi làm nghiên cứu nên tôi biết những câu chuyện cười ra nước mắt. Muốn thành lập DN tư nhân, phải có đủ… 35 chữ ký và 32 con dấu. Muốn có chữ ký của chủ tịch tỉnh thì phải xin được chữ ký của chủ tịch quận, để có chữ ký của chủ tịch quận thì chủ tịch phường phải ký, còn phường thì lại "đòi" chữ ký của tổ dân phố, hội phụ nữ, hội thanh niên... Chưa hết, hồi đó, muốn thuê đánh máy cũng phải có… giấy phép. Một nông dân gom phế liệu, thủy tinh vỡ… cũng phải xin giấy phép của UBND tỉnh Thái Nguyên 3 tháng một lần, bởi họ sợ ông nông dân này gom… bom mìn. Luật DN ra đời giải quyết được nguyên tắc mỗi công dân, DN được quyền tự do kinh doanh theo pháp luật, làm điều pháp luật không cấm, hạn chế sự can thiệp của cơ quan nhà nước. Đấy là bước đột phá mà anh Khải là người ủng hộ và đứng ra chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ đó là công lao lớn nhất.
Thứ hai, phải ghi nhận công lao của anh Khải trong hội nhập quốc tế. Chính Thủ tướng đứng lên thuyết phục hội nhập và tạo được tiền đề để ký được Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ. Đó là hiệp định khác hẳn các hiệp định trước đó vì nó theo nguyên tắc công khai minh bạch, đối xử bình đẳng giữa DN trong và ngoài nước. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là thủ tướng đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Mỹ năm 2006, mở ra chương mới trong mối quan hệ, hợp tác giữa hai nước. Tuy ủng hộ hội nhập như vậy nhưng Thủ tướng lại rất thận trọng với đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những di sản quý giá để lại cho đất nước, ông có cho rằng Thủ tướng Phan Văn Khải có điều gì hối tiếc trong 2 nhiệm kỳ đứng đầu Chính phủ?
- Nói về điều "đáng tiếc" xung quanh sự nghiệp của anh Sáu Khải, tôi muốn nhắc lại ngày Thủ tướng đứng trước Quốc hội phát biểu từ nhiệm sớm 1 năm và nhìn lại 9 năm với cương vị đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng nói đã nhận thức rất rõ những yếu kém của bộ máy công quyền; bày tỏ nỗi day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Thủ tướng xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân và mong người kế nhiệm sẽ rút được bài học.
Những lời của Thủ tướng Phan Văn Khải vừa thể hiện được sự trăn trở, bất lực cũng vừa phác họa được bối cảnh, những điều còn hạn chế, yếu kém trong thời kỳ đó. Những yếu kém này là việc mà thế hệ lãnh đạo hôm nay cần tiếp tục đấu tranh để loại bỏ, nhất là tệ tham nhũng, đục khoét của công thể hiện qua hàng loạt vụ án kinh tế lớn.
Bình luận (0)