Sau những cơn mưa trái mùa đầu tháng 4-2022, bãi rác Bình Tú (xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) càng ô nhiễm hơn. Theo người dân sống gần đó thì bãi rác diện tích 26 ha này "không thể hôi thối hơn nữa".
Ô nhiễm môi trường trầm trọng
Nửa cuối năm 2020, bãi rác Bình Tú tạm ngưng nhận rác vì Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết đi vào hoạt động thử nghiệm, kéo theo hy vọng của người dân xung quanh về việc đóng cửa bãi rác này và cải tạo môi trường. Thế nhưng, thời gian qua, xe chở rác vẫn luân phiên vận chuyển hàng trăm tấn rác mỗi ngày từ khắp thành phố đổ về đây.
Sáu năm sau ngày khởi công, Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức. Vì thế, hàng trăm tấn rác mỗi ngày ở thành phố du lịch này vẫn tiếp tục đổ về bãi rác cũ khiến nó vốn đã quá tải càng thêm ô nhiễm.
Ông Trần Văn Hà, nhà ở cách bãi rác Bình Tú hơn 2 km, cho hay kể từ khi bãi rác này hoạt động trở lại, cuộc sống gia đình ông tiếp tục những ngày mệt mỏi vì mùi hôi thối bốc lên từ đó. Vào những ngày rác được đốt, các cuộn khói đen kịt bao trùm cả vùng khiến nhiều hộ dân sống xung quanh rất khổ sở, không thở được vì không khí ô nhiễm nặng.
TP Phan Thiết hiện có khoảng 400 tấn rác thải mỗi ngày, trong đó chủ yếu là rác thải đô thị, rác sinh hoạt của người dân, rác du lịch, chất thải từ chế biến hải sản… Toàn bộ số rác thải này đều được đổ về bãi rác Bình Tú.
Theo dự kiến, Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết được đưa vào vận hành thử nghiệm từ năm 2017 và bãi rác Bình Tú sẽ đóng cửa từ thời điểm này. Nhưng đến nay, nhà máy vẫn chưa đưa vào hoạt động chính thức khiến địa phương phải lùi thời hạn đóng cửa bãi rác Bình Tú nhiều lần.
Lò đốt số 1 thuộc Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết
Một góc bãi rác Bình Tú đang quá tải, khói đốt rác mù mịt
Do bãi rác Bình Tú quá tải, cộng với kỹ thuật xử lý chủ yếu là đốt, chôn lấp sơ sài, không phân loại, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực ngày một trầm trọng.
Thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành có hơn 520 hộ dân thì khoảng 1/3 trong đó bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi hôi từ bãi rác Bình Tú. "Bãi rác này đã tồn tại hơn 40 năm. Việc quá tải dẫn đến ô nhiễm môi trường, nhất là khói, khí thải về đêm, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người dân trong thôn" - ông Đặng Xuân Lang, Trưởng thôn Tiến Bình, lo ngại.
Mùi hôi từ bãi rác này còn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 681 - Vùng 2 Hải quân và khách du lịch tuyến phía Nam TP Phan Thiết thường xuyên đi qua cung đường gần bãi rác.
Nhà máy rác chưa có phương án vận hành
Tháng 11-2016, Công ty TNHH Nhật Hoàng khởi công xây dựng Nhà máy Xử lý rác Phan Thiết, với công suất 400 tấn/ngày, hứa hẹn giải quyết cơ bản rác thải cho TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Công trình dự kiến đưa vào hoạt động tháng 6-2017.
Ông Đinh Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhật Hoàng, cho biết mãi đến tháng 7-2020, nhà máy mới chạy thử nghiệm. Đến tháng 1-2021, nhà máy dừng hoạt động cho tới nay. Lý do là vì chính quyền chưa bố trí được nguồn kinh phí để chi trả cho đơn vị vận hành. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch Covid-19, các kỹ sư ngoài tỉnh chưa thể đến Bình Thuận để tiếp tục vận hành nhà máy.
Tuy vậy, theo đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết, nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về môi trường.
"Có nhiều lý do khiến nhà máy chậm hoạt động nhưng cái chính là đang vướng nghiệm thu xử lý môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, công ty đề xuất thanh toán kinh phí xử lý rác trong quá trình thử nghiệm nhà máy nhưng hiện không có quy định thanh toán khoản này" - ông Trần Hải Anh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Phan Thiết, giải thích.
Chưa biết đến lúc nào nhà máy xử lý rác thải này sẽ chính thức vận hành. Người dân ở thành phố du lịch Phan Thiết sẽ còn phải tiếp tục sống trong môi trường ô nhiễm vì khoảng 400 tấn rác thải mỗi ngày vẫn đổ về bãi rác Bình Tú vốn đã quá tải.
Bình luận (0)