Nhà máy sô-đa Chu Lai được Công ty CP Sản xuất sô-đa Chu Lai xây dựng vào tháng 4-2010 trên diện tích 20 ha tại thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 100 triệu USD, công suất thiết kế 200.000 tấn/năm.
Thời điểm đó, dự án này nhận được rất nhiều kỳ vọng vì nhu cầu nguyên liệu sô-đa phục vụ sản xuất công nghiệp tại Việt Nam lên đến gần 1 triệu tấn/năm, phải hoàn toàn nhập khẩu. Tuy nhiên, tháng 6-2015, nhà máy vừa đi vào hoạt động thử nghiệm đã gây ô nhiễm (mùi hôi và tiếng ồn) khiến người dân địa phương phản ứng quyết liệt. Người dân đã nhiều lần kéo đến nhà máy yêu cầu ngừng hoạt động vì nước thải làm cá nuôi chết hàng loạt.
Tháng 2-2016, Tổng cục Môi trường thanh tra nhà máy sô-đa Chu Lai và phát hiện nhiều sai phạm nên đã ra quyết định xử phạt hơn 730 triệu đồng. Tháng 7-2016, nhà máy tiếp tục bị người dân và đoàn thanh tra Tổng cục Môi trường bắt quả tang xả thải trực tiếp ra môi trường.
Kết luận của đoàn thanh tra nêu rõ nhà máy không thực hiện đầy đủ nội dung đánh giá tác động môi trường, không thu gom triệt để chất nguy hại, đổ tràn chất này ra môi trường. Nhà máy còn có hàng loạt sai phạm khác, như: không kê khai, lưu giữ chứng từ chất thải nguy hại; không có số đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; không báo cáo quản lý chất thải nguy hại cho cơ quan nhà nước; lưu giữ chất thải quá 6 tháng không báo cáo chính quyền; chưa có giấy phép xả nước thải ra môi trường...
Nhà máy sô-đa Chu Lai “đắp chiếu” thời gian dài, vừa được vận hành thử nghiệm trở lại
Từ kết quả thanh tra, tháng 8-2016, UBND tỉnh Quảng Nam ra văn bản yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động để khắc phục việc gây ô nhiễm. Từ đó, nhà máy dừng hoạt động, dây chuyền sản xuất phơi mưa phơi nắng.
Đáng chú ý, nhà máy trên có tổng mức đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng thì vốn vay từ các ngân hàng đã lên đến 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, Công ty CP Sản xuất sô-đa Chu Lai còn nợ thuế hơn 70 tỉ đồng không trả; nợ tiền điện hơn 3 tỉ đồng suốt thời gian dài. Vừa qua, nhà máy xin được tái cấu trúc và đã được tỉnh Quảng Nam cho phép vận hành thử nghiệm.
Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh rất lo lắng về nhà máy này, nhất là vấn đề môi trường. UBND tỉnh cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi, hoạt động nhưng vấn đề môi trường phải được rà soát nghiêm ngặt, không để "tiếng ra, tiếng vào". Công ty đang khắc phục ô nhiễm tiếng ồn và một số vấn đề môi trường khác trước khi vận hành. Trong 3 tháng vận hành thử nghiệm, cơ quan quản lý môi trường sẽ thường xuyên quan trắc, nếu bảo đảm thì tỉnh mới xem xét cho nhà máy hoạt động.
Một lãnh đạo sở ở Quảng Nam cho biết nguyên liệu sô-đa rất cần với nhà máy kính nổi Chu Lai - mỗi năm nhập từ nước ngoài mười mấy triệu USD. Tuy nhiên, theo ông, ở các nước trên thế giới, nhà máy sản xuất sô-đa thường đặt tại thung lũng trong núi sâu chứ không xây dựng gần khu dân cư như nhà máy sô-đa Chu Lai. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn cho môi trường sống của cộng đồng phải được xem xét kỹ lưỡng.
Bình luận (0)