Dân bản xứ thì ngược lại, tới ga điện ngầm đông nghịt người mà thấy họ cứ để "mặt trần", sợ thật! Mà nước Đức và châu Âu cũng đang điêu đứng vì Covid-19 chứ có phải yên ổn đâu…".
Truyền thông trong nước và quốc tế nhiều tuần trước đưa tin vẫn còn "dị ứng" chuyện đeo khẩu trang ở một số quốc gia phương Tây, thậm chí người dân bản địa còn tỏ ra kỳ thị đối với những người nhập cư gốc Á đeo khẩu trang nơi công cộng. Có nơi, chiếc khẩu trang trở thành "vũ khí chính trị", dùng để công kích nhau giữa các đảng phái hay chính trị gia. Ví dụ như tại Mỹ, từ ngày 11-7-2020 về trước, Tổng thống Donald Trump dứt khoát không chịu đeo khẩu trang khi tiếp xúc đám đông hay gặp gỡ ngoại giao. Thừa cơ đó, Đảng Dân chủ chỉ trích người đứng đầu Nhà Trắng gay gắt; một số thống đốc hay nghị sĩ không ưa ông Trump cũng lên án "tổng thống mà không làm gương", dần dần hình thành một ý niệm chính trị ở Mỹ: Nếu theo phe Trump thì đừng đeo khẩu trang, nếu chống Trump thì cứ đeo!
Nhưng rồi mọi sự thay đổi khi hôm 11-7, Tổng thống Donald Trump xuất hiện trước công chúng với chiếc khẩu trang trên mặt sau khi thăm một bệnh viện quân y. Người đứng đầu nước Mỹ giải thích ông đeo khẩu trang không phải do chịu bất kỳ sức ép chính trị nào, mà vì "tôi tới bệnh viện có nói chuyện với vài bệnh nhân vừa phẫu thuật xong, do vậy việc đeo khẩu trang là cần thiết". Trong khi đó, giới quan sát phân tích rằng lượng người nhiễm và số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ gia tăng chóng mặt từng ngày thì bất cứ ai dù có thần kinh thép đi nữa cũng không thể làm lơ với "chốt chặn" quan trọng ban đầu là chiếc khẩu trang nhỏ bé!
Ở Việt Nam, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, khẩu trang y tế được sử dụng hạn chế, lại đi kèm với nỗi lo về việc xử lý ô nhiễm, bởi mỗi ngày có khoảng 1 triệu chiếc bị vứt ra môi trường. Thế rồi đại dịch đến, khẩu trang nói chung và khẩu trang y tế nói riêng trở thành "vật dụng quyền lực". Trên thị trường, nó là sản phẩm bán chạy hàng đầu nhiều tháng qua, khiến các nhà sản xuất phải tăng ca cả ngày lẫn đêm để đáp ứng; gian thương cũng tranh thủ kiếm chác từ loại phế phẩm vốn tưởng chừng chẳng bao giờ sinh lợi này. Bây giờ, đi đâu, làm gì, với ai…, thứ trước tiên phải nhớ tới là chiếc khẩu trang. Nhân viên y tế tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân thì thay khẩu trang liên tục đã đành, người dân ở các vùng dịch và thị dân cư trú tại các thành phố đông đúc xem khẩu trang là vật bất ly thân, là mặt hàng thiết yếu. Thử mà xem, ở nhiều gia đình ngày nay, vợ chồng, con cái hay hỏi nhau "nhà mình còn khẩu trang không?", chẳng phải hỏi… "nhà mình còn gạo hay không?" nữa!
Từ chỗ khuyến cáo, đến nay việc đeo khẩu trang nơi công cộng đã trở thành quy định bắt buộc và chế tài bằng xử phạt hành chính. Đó là cách làm cần thiết để hình thành nền nếp. Giống như chuyện mũ bảo hiểm vậy, ban đầu người ta không chịu đội, giờ thì ai ra đường không đội sẽ tự thấy xấu hổ. Tóm lại, những quy định vì sức khỏe và tính mạng cộng đồng thì không ai phản đối!
Bình luận (0)