Xưởng cơ khí của ông Tư Rô (Nguyễn Văn Rô, một nông dân chính hiệu) nằm khuất sâu trong một xóm nhỏ ở ấp Giá Ngự, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Những ngày cuối năm, triều cường dâng cao, lối mòn duy nhất dẫn vào xưởng mênh mông nước, phải đi nhờ qua nhà hàng xóm.
Biến ước mơ thành hiện thực
Nhìn cơ ngơi xưởng cơ khí ọp ẹp chỉ độ chừng 100 m2, nép mình bên dòng sông Bảy Háp, tôi không hình dung được đây là nơi ở đồng thời là chỗ làm việc duy nhất của người vừa vinh dự nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021", do Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và những sáng chế của ông đã được thừa nhận với hàng loạt giải thưởng từ cấp tỉnh đến quốc gia.
Trong bộ dạng lem luốc dầu nhớt, ông thoải mái tiếp chuyện chúng tôi như đã từng rất thân quen. Vẫn tính cách đặc trưng của người dân vùng sông nước, ông Tư Rô cười nói rổn rảng và hay pha trò tiếu lâm nhưng đôi lúc giọng cũng chùng xuống đầy tâm trạng. "Tôi sống có một mình. Vợ bỏ đi lâu rồi, do bả không thích nghề lấm lem dầu nhớt hằng ngày của tôi, còn tôi không bỏ được nghề. Thằng con trai duy nhất cũng không nối nghiệp cha mà đi làm tài xế. Đàn ông mà, ai cũng có hoài bão của riêng mình. Tôi thích chế tạo máy cày, còn con tôi thì thích lái xe. Tôi phải tôn trọng sở thích của con" - ông Tư Rô nhìn xa xăm.
Ông Tư Rô tại xưởng cơ khí của mình. Ảnh: DUY NHÂN
Khui gói trà khoe vừa được tặng trong chuyến đi Hà Nội nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc để đãi khách, ông từ tốn kể tiếp: "Hồi đó do chiến tranh khốc liệt, đường sá cách trở nên thế hệ con nhà nông như chúng tôi đâu có điều kiện đi học nhiều. Tôi chỉ học được hết lớp 3, ở nhà phụ giúp cha đi sửa máy móc. Cha tôi là thợ cơ khí, tôi phụ giúp việc lặt vặt rồi nghề dạy nghề. Khi lớn lên, tôi đi làm thợ sửa máy cho bà con trong vùng".
Có lần ra đồng hàn lưỡi cày cho người ta, ông Tư Rô chợt nghĩ tại sao chiếc máy cày quá cồng kềnh, còn động cơ thì lúc nào cũng chạy hết công suất, vừa tiêu tốn nhiều nhiên liệu vừa tổn hại động cơ. "Tôi ngồi ngoài đồng quan sát cả buổi trời, nhìn từng đường nét, cơ chế vận hành của lưỡi cày nên phát hiện một điều quan trọng, đó chính là cái lưỡi cày. Nhà sản xuất chỉ sản xuất một dạng lưỡi cày, trong khi thực tế mỗi vùng đất đều có đặc điểm khác nhau. Vì vậy, cần phải chế riêng từng loại lưỡi cày cho phù hợp với từng vùng đất" - ông hồi tưởng.
Những ý tưởng cứ "nhảy múa" trong đầu khiến ông Tư Rô trăn trở không ngủ được. Sáng hôm sau, ông quyết định mang toàn bộ máy móc, đồ nghề, quần áo, lều bạt ra giữa đồng để nghiên cứu và thực hiện ý tưởng của mình.
Ông Tư Rô trình diễn máy cày lội nước. Ảnh: VÂN DU
Hàng tháng trời vùi đầu nghiên cứu, làm đi làm lại cho tới khi vừa ý, chiếc lưỡi cày của ông sáng chế thay thế cho lưỡi cày của Mỹ, Nhật; gắn vào máy chạy băng băng, giảm tiếng ồn và nhiên liệu. Quan trọng hơn là bớt hao tổn sức lực của người lái.
Khi thành công với việc chế tạo lưỡi cày, ông Tư Rô tiếp tục nghiên cứu thu gọn trọng lượng và tiết kiệm nhiên liệu cho máy. Ông dùng chiếc máy đánh cỏ sân bóng nhân tạo, thay thế, lắp ráp nhiều linh kiện do mình tự chế tác, thành chiếc máy cày chỉ có trọng lượng tương đương với chiếc xe máy, tiết kiệm hơn 50% nhiên liệu.
Lần đầu đưa sản phẩm do chính mình sáng chế đến với nông dân, ông Tư Rô mạnh dạn cam kết nếu cày 1 công đất (1.000 m2) mà hao hơn 1 lít xăng thì có quyền đổi lại máy mới miễn phí, trong khi tất cả máy cày nhập khẩu tiêu tốn hơn 2 lít xăng/1.000 m2 đất. "Cũng may là cho tới bây giờ, chưa thấy ai tìm tôi đòi đổi lại máy cày" - ông cười lớn.
Biến điều không thể thành có thể
Tiếng tăm Tư Rô chế tạo được máy cày siêu nhẹ, siêu tiết kiệm lan ra khắp vùng nhưng đó chưa phải là giới hạn sáng tạo cuối cùng của ông. Cho đến một ngày, những người nông dân Đất Mũi phải "mắt tròn mắt dẹt" chứng kiến ông làm nên điều không tưởng.
Khoảng năm 2015, tôm nuôi chết liên tục khiến nhiều người nuôi tôm trong vùng hoang mang, lo lắng. Họ dùng đủ loại thuốc, vi sinh… mà không thay đổi được gì. Người nuôi tôm than thở do đất hết màu mỡ, khí độc tích tụ dưới đáy ao là nguyên nhân gây bệnh cho tôm và tin rằng nếu cày xới được đáy ao, thay đổi màu đất, giải phóng khí độc tích tụ thì chắc tôm sẽ sống khỏe nhưng làm sao có thể đưa máy cày xuống nước?
Nghĩ mình có thể làm được, ông Tư Rô lập tức bắt tay vào nghiên cứu chiếc máy cày lội nước để giúp nông dân. "Lúc đó, tôi nghĩ ngay đến việc gắn phao nổi cho chiếc máy cày. Ý tưởng thì có nhưng khi thực hiện rất khó, phải cân chỉnh nặng nhẹ từng chút, chính xác từng li, trật một chút thôi thì máy sẽ lật nhào khi đưa xuống nước. Phải mất gần 4 tháng, tôi mới dám tuyên bố với bà con là đã chế tạo thành công chiếc máy cày lội nước. Tôi đặt tên cho sản phẩm mới này là "Ước mơ của nhà nông" - ông Tư Rô hào hứng kể.
Ông Tư Rô bên chiếc máy cày siêu nhẹ, có thể hoạt động trên mọi địa hình. Ảnh: VÂN DU
Chiếc máy cày lội nước của ông Tư Rô là phiên bản nâng cấp từ chiếc máy cày siêu nhẹ. Ông thay đổi lưỡi cày phù hợp với độ mềm của đất, lắp phao nổi quanh thân máy sao cho máy nổi vừa tầm lưỡi cày tiếp xúc với đáy ao. Đặc biệt là giữ thăng bằng cho máy chạy băng băng dưới nước mà không bị lật.
Lần đầu tiên ông Tư Rô thử nghiệm chiếc máy cày lội nước trên ao tôm của một hộ dân ở xã Đông Hưng, nhiều người chứng kiến đều kinh ngạc. Máy chạy được khoảng 1.000 m2, nhiều người lập tức hỏi mua ngay. "Chiếc máy tôi bán thời điểm đó chỉ 15 triệu đồng, trừ giá thành, lời khoảng 1 triệu đồng, chủ yếu là lấy công làm lời. Nhưng tôi rất vui vì thành quả của mình đã được thừa nhận và giúp ích cho nông dân" - ông Tư Rô tự hào.
Ông Tư Rô đang chuẩn bị trình làng phiên bản máy cày lội nước mới vào dịp cuối năm. Về cơ bản, chiếc máy này nhẹ hơn khoảng 20 kg, chỉ khoảng 100 kg và nhẹ hơn 5 lần so với máy cày truyền thống cùng loại. Đặc biệt, chiếc máy cày phiên bản mới dễ chạy dưới nước hơn, độ lún ít hơn; lưỡi cày được cải tiến có thể xới được cục đất to hơn, độ tơi xốp lớn hơn.
Bình luận (0)