xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhẫn nại đời phà

Bài và ảnh: SONG ANH

Cầu Cao Lãnh đã hợp long, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Những chiếc phà đang hoàn thành sứ mạng của mình cả trăm năm qua

Tiếng còi phà lanh lảnh vang trên sông Tiền. Chiếc phà Cao Lãnh lặng lẽ qua sông trong cơn mưa nặng hạt. Phà hơi chao nghiêng bởi những con sóng xô đẩy, lắc lư. Dòng xe du lịch, xe tải đậu chật cứng trong khoang phà. Những đôi mắt rồi máy ảnh, điện thoại di động đua nhau hướng về phía cầu Cao Lãnh đã hợp long. Những chiếc phà đang hoàn thành sứ mệnh của mình cả trăm năm qua, giờ cần mẫn vượt sông trong những thời khắc cuối cùng.

Trống vắng, khó tả

Anh Nguyễn Văn Tần, người có trên 35 năm gắn bó với bến phà Cao Lãnh, nói với giọng bồi hồi: "Chỉ vài mươi ngày nữa thôi, khi cầu thông xe là tụi tôi coi như thất nghiệp. Nói vậy thôi chứ nhà nước tính toán công ăn việc làm hết rồi. Tôi thì nghỉ hưu, mấy đứa nhỏ chuyển sang công việc mới. Không lo thất nghiệp nhưng tôi thấy buồn buồn, trống vắng làm sao, khó tả lắm".

Anh Tần kể hồi trước học lái máy tàu, ra trường được phân công về đây công tác. Hồi đầu, anh ngán lắm nhưng riết rồi quen. "Cũng nhờ có bến phà này mà tôi mới gặp bà ấy là người bán vé phà. Lụi hụi cũng được 2 con trai. Một thằng giờ là kỹ sư cơ khí làm việc ở Sa Đéc, một thằng làm bác sĩ ở Long Xuyên, lâu lâu mới về thăm nhà một lần" - anh bộc bạch.

Khi tôi hỏi về tương lai khi bến phà ngừng hoạt động, anh Tần ngập ngừng: "Tôi đã chuẩn bị 2 công rẫy trồng cam sành ở quê, miệt Lấp Vò. Mấy mươi năm bỏ nghề, giờ bắt đầu làm lại để mưu sinh. Ban đầu chắc cũng lu bu lắm đây nhưng riết rồi cũng quen thôi".

Tranh thủ chút thời gian trò chuyện với tôi, anh Võ Văn Vĩnh, nhân viên phà Cao Lãnh, kể về nỗi vui buồn gắn với những chuyến phà xuôi ngược ngày đêm trên sông Tiền. "Tôi đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng trên bến phà này. Kể lại đau xót lắm. Đó là chưa kể đến nhiều lần đang ca trực mà tụi tôi phóng xuống sông để cứu nhiều người tự vẫn. Thất tình có, làm ăn thua lỗ có, giận gia đình có..., vô vàn lý do. Nhiều lúc họ nhảy xuống sông vào nửa đêm lại nhằm khi trời mưa to, tưởng đã làm mồi cho hà bá".

Vậy nhưng, anh Vĩnh cho biết trường hợp người được cứu sống không một lời cảm ơn là bình thường. Có người còn quay lại mắng nhiếc đủ điều vì bị ngăn trở, không cho họ tìm tới cái chết.

"Chưa hết đâu. Hồi trước, bọn trộm cắp, giật dọc, rạch giỏ, móc túi trà trộn xuống phà hành nghề. Toàn bộ nhân viên phà vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa phải bảo đảm an ninh trật tự cho hành khách nên rất vất vả. Nhiều lúc bọn bất lương nhắn tin hăm dọa đủ điều nhưng không thành. Nhớ nhất là những ngày giáp Tết. Người, xe qua lại chật cứng. Phà phải hoạt động suốt 24/24 giờ. Giao thừa mà mình còn ở trên phà để giúp hành khách đoàn tụ với gia đình. Còn mình… Vui nhất là có khi hành khách bất ngờ đến tặng quà trong đêm giao thừa. Có đủ cả, từ những đòn bánh tét, chục bánh ít, nải chuối cau, mấy lít rượu đế đến vài lon bia, gói thuốc lá sang trọng của các "đại gia" về thăm quê thấy anh em dưới phà vất vả nên tặng. Có người còn hào sảng biếu anh em những thực phẩm cao cấp như để đền ơn. Nhiều và rất nhiều" - anh Vĩnh nhớ lại.

Nhẫn nại đời phà - Ảnh 1.

Những chuyến phà Vàm Cống vẫn cần mẫn đưa khách sang sông

Phà cập bến. Chúng tôi chia tay nhau và không quên gửi lại số điện thoại để sau này tiện việc liên hệ bởi những chuyến phà Cao Lãnh sẽ kết thúc hoạt động trong tháng 9-2017. Trong đôi mắt của những cán bộ, nhân viên phà, tôi thấy có nét ưu tư.

Đoạn đường từ phà Cao Lãnh về phà Vàm Cống xấp xỉ 33 km. Dù thời tiết không thuận lợi nhưng dòng xe khách, xe tải, xe du lịch nối nhau chen kín mặt đường. Dòng xe giảm tốc độ khi những chiến sĩ CSGT có mặt. Không xa là phà Vàm Cống.

Những chuyến xe nối đuôi nhau xuống phà. Chúng tôi tranh thủ tiếp xúc với em Nguyễn Thị Hoàng Anh (11 tuổi). Hoàng Anh đã có hơn 2 năm bán vé số trên phà này. "Con và em gái bán ở đây mấy năm rồi. Buổi sáng đi học, buổi chiều tụi con đi bán. Mỗi ngày, 2 chị em cũng kiếm được 200.000 đồng giúp mẹ. Ba con chết rồi, mẹ bệnh hoài. Nghe nói mai mốt phà nghỉ chạy, không biết tụi con sẽ sống ra sao. Buồn lắm chú ơi" - Hoàng Anh thổ lộ.

Vừa nói, Hoàng Anh vừa quệt những giọt mồ hôi trên mặt rồi tất tả cầm xấp vé số biến mất trong dòng người đông kín trên phà. Cô bé vội đến nỗi không nghe kịp tiếng chúng tôi gọi mua giúp một ít vé số. Mưa lại rơi nặng hạt.

Buồn vui lẫn lộn

Biết chúng tôi đang thực hiện bài viết về những ngày cuối cùng của 2 bến phà Cao Lãnh và Vàm Cống, nhiều tài xế vui vẻ vây quanh, chia sẻ nhiều cảm xúc buồn vui lẫn lộn.

Ông Vi Văn Tiến, tài xế đường dài tuyến Sài Gòn - Rạch Giá, cho biết lâu nay có phà, tuy mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng bù lại, cánh tài xế có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vừa ngắm sông rất thoải mái.

Tài xế Nguyễn Văn Thu, lái xe tải tuyến Long An - Châu Đốc, cho rằng thời buổi đổi mới, những cây cầu phải thay thế những chuyến phà là lẽ tất nhiên. "Có vậy, miền Tây mới phát triển, người nước ngoài không còn ngán đò giang cách trở mới mạnh dạn đầu tư. Mình phải vui mới đúng" - anh Thu phấn chấn.

Một người đàn ông khoảng 60 tuổi còn đề nghị chúng tôi ghé thăm nhà để kể cho nghe nhiều chuyện vui buồn từ bến phà này. Ông cho biết đã sống cạnh phà Vàm Cống từ khi mới lọt lòng cho đến nay. Mỗi đêm, ông thức rất khuya để ngắm phà như báu vật của riêng mình. Đợi khi phà ngưng hoạt động lúc nửa đêm, ông mới đi ngủ. Vậy mà, khi phà chạy trở lại lúc 3-4 giờ sáng, ông lại thức, pha ly cà phê đen rồi ngồi trầm tư ngắm. Ông nói cũng không rõ đã quen làm vậy từ bao giờ và để làm gì, chỉ biết rằng rất quyến luyến bến phà Vàm Cống, đi xa là nhớ.

Mưa tạnh. Phà cập bến. Những chuyến xe hối hả lên bờ để đi về muôn hướng. Chúng tôi chậm rãi bước lên đường dẫn với nhiều cảm xúc buồn vui. Không khí mua bán dọc hai bên đường dẫn giờ đã yên ắng nhiều dù dòng xe chờ đợi xuống phà vẫn rất đông.

Bà Vũ Thị Cánh, người có trên 40 năm buôn bán tại bến phà Vàm Cống, nói với vẻ tiếc nuối: "Có cầu rồi thì vô phương mua bán, phải dẹp tiệm thôi. Tôi đã chuẩn bị phương án mua bán ở nơi khác rồi. Hàng trăm hộ buôn bán ở đây cũng phải di tản như tôi thôi. Bây giờ chỉ bán cầm chừng, buồn lắm. Mình ở đây quen cái cảnh phà ra vô ngày đêm, tự nhiên im re, không buồn, không nhớ mới là chuyện lạ". 

Những trụ cầu to sừng sững đã vắt ngang sông, báo hiệu sự hiện hữu của cây cầu Vàm Cống đang hoàn thiện để bến phà nối liền 2 tỉnh An Giang - Đồng Tháp chấm dứt hoạt động đưa rước khách hàng trăm năm qua.

Ký ức đong đầy thương nhớ

Chúng tôi lặng nhìn ra dòng sông Hậu. Ở đó, những chiếc phà già nua vẫn nhẫn nại xuôi ngược ngày đêm như cố hoàn thành những nghĩa vụ cuối cùng. Mai này còn bao người nhớ về những chuyến phà kỷ niệm? Có chăng là ký ức đong đầy thương nhớ của những ai từng sống cạnh bến phà để nghe từ dòng sông tiếng tự tình của các chuyến phà đêm. Đồng vọng trong đó là chuyện buồn vui về những ngày xưa ấy.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Nhẫn nại đời phà - Ảnh 4. Nhẫn nại đời phà - Ảnh 4. Nhẫn nại đời phà - Ảnh 4. Nhẫn nại đời phà - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo