15 giờ 39 phút ngày 28-9, người dân phản ánh tại địa chỉ số 602/27 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM có tình trạng xe đậu lấn chiếm vỉa hè. Chưa đầy 1 giờ sau, lực lượng chức năng quận Bình Thạnh đã có mặt tại địa điểm trên và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu chủ địa chỉ trên đậu xe đúng nơi quy định, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Xử lý nhanh, hiệu quả
Việc xử lý ngay, người vi phạm không thể chối cãi hành vi vi phạm trật tự lòng đường, vỉa hè của lực lượng chức năng quận Bình Thạnh là nhờ phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến". Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Dương Hồng Thắng cho biết ngày 10-4, UBND quận Bình Thạnh đã triển khai thử nghiệm ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" và chính thức hoạt động vào ngày 9-6. Người dân chỉ cần điện thoại thông minh để tải phần mềm là có thể phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực đô thị, đóng góp ý kiến cũng như theo dõi, giám sát kết quả xử lý những phản ánh, góp ý của mình. Các vi phạm được phản ánh trong vòng 5 giây. Hình ảnh phản ánh được truyền tải đến cơ quan chức năng và trong vòng 120 phút sẽ được cơ quan chức năng xử lý. Hiện các cơ quan chức năng của quận căn cứ vào hình ảnh được phản ánh để lập biên bản xử lý vi phạm (phạt nguội). Kết quả xử lý được phản hồi cho người dân.
Địa chỉ số 602/27 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM bị người dân chụp hình phản ánh qua phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến"
"Phần mềm này còn là một công cụ giám sát giúp lãnh đạo quận trực tiếp giám sát vi phạm của cá nhân, tổ chức cũng như trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức; tự động nhắc việc trên điện thoại di động của lãnh đạo, cán bộ, công chức" - ông Thắng nói.
Theo bà Vũ Thị Hội Diễm, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Bình Thạnh, từ khi quận triển khai cho người dân áp dụng phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến" đã hạn chế rất nhiều hành vi lấn chiếm vỉa hè, trật tự lòng lề đường trên địa bàn. Tính từ khi ra đời đến nay, quận đã tiếp nhận 4.520 lượt phản ánh từ người dân, trong đó xử lý 4.516 trường hợp về hành vi lấn chiếm vỉa hè. Trong 2 tuần đầu áp dụng, quận chỉ nhận được 215 tin báo nhưng nay tăng lên gấp nhiều lần. "Điều đó cho thấy người dân đã đồng hành cùng cơ quan thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý những trường hợp lấn chiếm vỉa hè. Người dân khi phát hiện vi phạm chỉ cần chụp ảnh rồi gửi lên phần mềm thì lập tức lãnh đạo quận, phường sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan có mặt kịp thời tại hiện trường để xử lý. Ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, thời gian qua quận làm quyết liệt để người dân ý thức không tái phạm. Điển hình như trường hợp cửa hàng bán bánh mì trên đường Đinh Tiên Hoàng từng nhiều lần bị xử phạt nhưng nay chấp hành nghiêm chỉnh sau khi lãnh đạo quận xuống tận nơi để vận động" - bà Diễm nói.
Nhiều "điểm nóng" đã được xử lý
Tuy có những thành công nhất định nhưng bà Diễm cũng thừa nhận cái khó hiện nay là người dân chụp ảnh gửi lên phần mềm trực tuyến không ghi rõ hoặc ghi sai địa chỉ, gây khó khăn cho tổ công tác trong quá trình xác minh, xử lý. "Chính vì thế, trong khi vận hành, quận luôn lắng nghe, tham khảo ý kiến từ lãnh đạo các phường, người dân để hoàn thiện hơn nữa quá trình quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm thông qua phần mềm trực tuyến" - bà Diễm khẳng định.
Trong khi đó, ông Thắng cho biết thời gian qua, quận đã chỉ đạo Đội Trật tự đô thị quận phối hợp với các phường trên địa bàn tăng cường xử lý, tuyên truyền nên hạn chế tối đa tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh. Những "điểm nóng" như đường Phạm Văn Đồng, Đinh Tiên Hoàng, khu vực chợ Bà Chiểu… không còn cảnh tái chiếm vỉa hè, đồ đạc được bày bán ngăn nắp để dành phần đường cho người đi bộ. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng vẫn còn một vài trường hợp khi lực lượng làm nhiệm vụ rút đi hoặc không có mặt thì lại cố tình vi phạm và quận đang theo dõi để có hướng xử lý trong thời gian tới. Về khu vực buôn bán hàng rong bát nháo trước cổng Trường ĐH Công nghệ TP như Báo Người Lao Động phản ánh, ông Thắng khẳng định quận đã nắm được tình hình và đang lên phương án di dời, sắp xếp để trả lại môi trường sạch, đẹp nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Từ những thành công ban đầu của phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến", Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ Lê Hoài Trung đã có văn bản đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông có biện pháp nâng cấp, mở rộng ứng dụng từ mô hình "Bình Thạnh trực tuyến" để triển khai trên toàn TP, từ đó hình thành ứng dụng "TP HCM trực tuyến".
Học tập mô hình
Chủ tịch UBND quận Tân Phú Hứa Thị Hồng Đang cho biết quận đang đặt hàng một đơn vị thực hiện phần mềm trực tuyến nhằm quản lý trật tự lòng, lề đường trên địa bàn. Theo bà Đang, ứng dụng này cũng được xây dựng tương tự như phần mềm "Bình Thạnh trực tuyến" mà UBND quận Bình Thạnh đang triển khai.
Theo đó, trong ứng dụng sẽ được thiết kế sẵn các mục: báo cáo vi phạm, tra cứu vi phạm, xem báo cáo vi phạm đã gửi… Các trường hợp vi phạm liên quan đến trật tự đô thị như lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xả rác..., người dân có thể chụp hình và phản ánh trực tiếp với chính quyền địa phương thông qua phần mềm này. Căn cứ vào vị trí vi phạm, hệ thống sẽ gửi đến lãnh đạo đơn vị đã được phân công phụ trách và trong khoảng 2 giờ sẽ được xử lý. Bà Đang cho rằng với phần mềm này, quận hoàn toàn có thể "phạt nguội" các trường hợp vi phạm thông qua hình ảnh người dân cung cấp, từ đó giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. "Tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại quận Tân Phú còn diễn biến phức tạp và từ hiệu quả của việc áp dụng công nghệ mà UBND quận Bình Thạnh đã triển khai, chúng tôi chủ trương áp dụng mô hình tương tự. Dự kiến đến giữa tháng 10-2017, ứng dụng trên sẽ hoạt động chính thức và người dân chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể tải về để sử dụng" - bà Đang nói.
Bình luận (0)