Chiều 29-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Bộ Y tế vừa điều động một lực lượng rất lớn nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ Hải Dương triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
"Phong tỏa trong phong tỏa"
Tại điểm cầu Hải Dương, PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đại diện Tổ công tác của Bộ Y tế, cho biết việc tìm kiếm, yêu cầu toàn bộ công nhân của Công ty POUYN (Chí Linh, Hải Dương) có mặt, tập trung tại công ty có những tín hiệu tích cực. "Theo kế hoạch ngày 29-1, toàn bộ công nhân của Công ty POUYN sẽ lĩnh lương, thưởng và về quê đón Tết. Vì vậy, nếu chúng ta chậm một nhịp thì vô cùng nguy hiểm" - PGS Dương nói.
Đưa người dân có liên quan đến ca bệnh 1553 đi cách ly tập trung tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội vào ngày 29-1. Ảnh: NGÔ NHUNG
PGS Trần Như Dương kiến nghị một số điểm nóng dịch tễ ở TP Chí Linh phải phong tỏa ngay lập tức, cách ly vùng như Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) trước đây, tiến hành "phong tỏa trong phong tỏa", gồm 6 xã: Cộng Hòa, Hoàng Tiến, Lê Lợi, Văn Đức, Bắc An, Sao Đỏ. Đây là những xã có ca nhiễm là công nhân Công ty POUYN.
Về công tác điều trị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị đối với những bệnh nhân đang điều trị ở Trung tâm Y tế TP Chí Linh chuyển ra bên ngoài phải được xét nghiệm, có khu cách ly riêng. Đồng thời đề nghị tỉnh Hải Dương cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ với sự hỗ trợ của Bộ Y tế.
Đánh giá về tình hình dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh phải tiếp tục tinh thần tranh thủ từng giờ từng phút, phấn đấu "giữ lời hứa" trong 10 ngày dập gọn ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh. "Đến giờ này đã gần 2 ngày từ khi phát lệnh, chúng ta còn 8 ngày phía trước để dập dịch. Cố phấn đấu trước Tết ông Công, ông Táo" - Phó Thủ tướng nói.
Đến nay, TP Chí Linh xét nghiệm được hơn 5.000 mẫu đến F3, một số nơi lấy sang F4 để truy vết, dập dịch. Hiện ổ dịch ở Chí Linh (Hải Dương) có thêm 53 người dương tính. "Cơ bản tình huống đúng như dự đoán ban đầu" - Phó Thủ tướng nhận định và chia sẻ, những ngày qua, Ban Chỉ đạo đã có những quyết định rất chuẩn xác và kịp thời nên kịch bản đến nay diễn ra theo hướng tích cực nhất. Phó Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục nhiệm vụ truy vết, đặc biệt với khu vực Chí Linh (Hải Dương) và tập trung vào việc tổ chức cách ly. Những người lấy mẫu xết nghiệm hôm nay âm tính không có nghĩa là an toàn vì có thể người đó bị nhiễm rồi nhưng xét nghiệm chưa đến ngưỡng phát hiện ra.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 3, tận dụng tối đa mọi cơ sở trên địa bàn Chí Linh và khu vực lân cận để giúp TP Chí Linh cách ly. TP Chí Linh đã phong tỏa từ trưa 28-1 theo tinh thần Chỉ thị 05 của Thủ tướng. Tuy nhiên, đây là nơi có nhiều giao lộ quan trọng về giao thương, do đó phong tỏa để chống dịch nhưng không "ngăn sông cấm chợ".
"Điểm đúng huyệt" ổ dịch
Với ổ dịch tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng cho biết về cơ bản ổ dịch ở sân bay Vân Đồn đã truy tới F4. Quảng Ninh đã phong tỏa một số điểm dân cư ở Đông Triều gần TP Chí Linh. Tuy nhiên, việc lấy mẫu, xét nghiệm tiếp tục được thực hiện. Phó Thủ tướng cho biết những "mẻ" xét nghiệm tiếp theo dự kiến vẫn còn ca dương tính với SARS-CoV-2. "Dù số lượng xét nghiệm dương tính sau một "mẻ" là lớn nhưng vì chúng ta đã "điểm đúng huyệt" ổ dịch và thực hiện các biện pháp chống dịch rất nhanh chóng, nên không vì thế mà hoang mang nhưng cũng không được chủ quan" - Phó Thủ tướng lưu ý.
Chiều 29-1, ngay sau khi kết thúc ngày làm việc chính thức thứ tư của Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp về công tác phòng chống Covid-19. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "thần tốc với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngay khi các ổ dịch được phát hiện".
Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đang tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xin ý kiến và được Đoàn Chủ tịch cho phép rời đại hội để về trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch tại địa phương, xuống tận xã, phường, bám sát chỉ đạo của Trung ương, với tinh thần quyết liệt, hành động đồng bộ. Ngành y tế đã cử nhiều cán bộ chuyên môn của các bệnh viện, trường đại học để hỗ trợ địa phương.
"Chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa để khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Một lần nữa, hệ thống y tế được khởi động, vào cuộc, lực lượng công an, quân đội, các địa phương cần có trách nhiệm hơn nữa, cơ quan báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng để nhân dân đề cao cảnh giác thực hiện Thông điệp 5K nhưng cũng không hoang mang, dao động" - Thủ tướng nói.
Báo cáo từ điểm cầu Bệnh viện (BV) dã chiến Chí Linh (Hải Dương), Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết trong số 29 ca dương tính với SAR-CoV-2 đang được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh (Hải Dương) có 3 ca cần được đặc biệt chú ý, bao gồm: 1 bệnh nhân mang thai 27 tuần, 1 bệnh nhân mang thai 34 tuần, 1 bệnh nhân có bệnh lý nền. "Chúng tôi đang khẩn trương gấp rút chuyển các bệnh nhân âm tính khỏi Trung tâm Y tế TP Chí Linh để cài đặt hệ thống khám chữa bệnh dành riêng cho bệnh nhân Covid-19. Dự kiến, Trung tâm Y tế TP Chí Linh sẽ có thể tiếp nhận điều trị khoảng 200 bệnh nhân Covid-19" - ông Khoa nói.
Theo GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai, BV đã cử 26 giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia và điều dưỡng về hỗ trợ thiết lập BV dã chiến trên cơ sở BV Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. BV hiện có quy mô 200 giường bệnh và 1 phòng cấp cứu với 10 giường bệnh. "Tại các BV dã chiến sẽ kết nối điều trị với các giáo sư đầu ngành tại trung ương. Quan điểm là điều trị "4 tại chỗ", không chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì đây là chủng virus mới, nguy cơ lây lan nhanh, trừ bệnh nhân nào thật nặng mới chuyển về trung ương" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý trong trường hợp cần thì chuẩn bị phương án thận nhân tạo và ECMO ngay tại BV dã chiến. Trong thời gian ngắn, Bộ Y tế đã điều động một lực lượng rất lớn, hơn cả lần phát dịch ở Đà Nẵng để hỗ trợ cho Hải Dương. Bộ Y tế đã sẽ thiết lập labo xét nghiệm tại chỗ với công suất có thể lên đến 50.000 mẫu/ngày.
Cho học sinh nghỉ học tùy tình hình dịch bệnh
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)Phùng Xuân Nhạ vừa ban hành Chỉ thị số 79/CT-BGDĐT về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 trong các cơ sở GD-ĐT.
Theo đó, các đơn vị, trường học phải rà soát, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn cho trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tăng cường trang thiết bị y tế, vệ sinh môi trường tại trường học, thực hiện nghiêm túc việc cài đặt và sử dụng ứng dụng "An toàn Covid-19" theo quy định. Căn cứ tình hình dịch tại địa phương, Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định việc cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên nghỉ học. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm xem xét, quyết định cho sinh viên, học viên nghỉ học và thực hiện việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.
Y.Anh
Bệnh nhân đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 biến thể mới đã khỏi bệnh
Bộ Y tế cho biết ngày 29-1, cả nước đã ghi nhận thêm 62 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đến nay, cả nước đã phát hiện 1.705 ca trong đó 838 ca do lây nhiễm trong nước. Trong số 18 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi bệnh có bệnh nhân 1435. Đây là nữ bệnh nhân đầu tiên ở Việt Nam phát hiện nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Anh. Hơn 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Trà Vinh, đến nay bệnh nhân1435 đã có 4 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cho phép sử dụng vắc-xin trong tình huống khẩn cấp
Thông tin từ Hội đồng Thẩm định cấp số đăng ký thuốc, Bộ Y tế cho biết hội đồng này đã thông qua hồ sơ, phê duyệt sử dụng vắc-xin Covid-19 trong tình huống khẩn cấp phục vụ chống dịch. Việc phê duyệt này cũng xem xét các hồ sơ nghiên cứu lâm sàng (thử nghiệm trên người về tính an toàn, hiệu quả). Vắc-xin Covid-19 sẽ được nhập khẩu theo hình thức đơn hàng nhập khẩu khẩn cấp (chưa cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam). Hội đồng đã đề xuất trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt. Nếu được cho phép, lô vắc-xin đầu tiên về Việt Nam khoảng 20.000 - 30.000 liều, trong khoảng 50.000 liều đã được nhà sản xuất cam kết cung cấp cho đơn vị nhập khẩu tại Việt Nam.
Theo nguyên tắc, các vắc-xin mới vào Việt Nam cần được thử nghiệm lâm sàng đánh giá an toàn vệ sinh miễn dịch. Tuy nhiên, trong tình huống khẩn cấp, sẽ được xem xét để cắt giảm các giai đoạn thử nghiệm.
N.Dung
Bình luận (0)