Sáng 5-11, HĐND TP HCM phối hợp Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình Lắng nghe và Trao đổi với chủ đề "Công tác thông tin quy hoạch: Những vấn đề cần quan tâm".
Vừa thiếu vừa khó hiểu
Cử tri Nguyễn Hoài Ngọc Quý (quận Thủ Đức) cho biết dù quận đã công khai thông tin quy hoạch lên mạng nhưng nhiều thông tin chưa được cập nhật. "Tôi muốn xem khu vực mình ở được xây dựng bao nhiêu tầng, mật độ xây dựng ra sao nhưng không có" - ông Quý than.
Còn cử tri Nguyễn Đình Bơ (huyện Hóc Môn) cũng cho rằng thông tin quy hoạch khó hiểu nên dù công khai nhưng muốn xem, muốn hiểu, người dân cũng phải nhờ cán bộ giải thích.
Theo Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Minh Nhựt, về cơ bản, các đơn vị đã công bố công khai thông tin quy hoạch đến người dân. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư còn hình thức, đối tượng chưa rộng rãi, nhiều ý kiến của người dân không được cơ quan chức năng phản hồi và chỉnh sửa. Cũng có nơi chỉ dừng lại ở việc treo bảng vẽ, không công bố thông tin quy hoạch, phương tiện công bố chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, một số thông tin niêm yết không khớp thực tế, chưa đủ thông tin về tiến độ thực hiện dự án, tách thửa, chi tiết xây dựng… Chưa kể thông tin quy hoạch khó hiểu, khó tiếp cận nhưng lại không có hướng dẫn. "Đáng lưu ý, thông tin quy hoạch đưa lên mạng chỉ mang tính chất tham khảo, chưa có tính pháp lý. Hiệu quả phục vụ người dân chưa cao" - ông Nhựt nói.
Giao diện phần mềm "thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn" Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM vừa cho chạy thử
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hoàng Tùng thừa nhận người dân gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin quy hoạch. Thông tin quy hoạch có nhiều nội dung kỹ thuật nên người dân không thể hiểu hết. Còn Phó Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Nga nói khó khăn dễ nhận thấy nhất là không gian trưng bày các đồ án. Do một số phường có diện tích nhỏ nên địa điểm niêm yết thông tin quy hoạch công khai gặp khó.
Pháp lý hóa bản đồ số
Để giải quyết bài toán thiếu địa điểm và không gian trưng bày các đồ án quy hoạch, nhiều quận như 1, 8, 10, 12, Thủ Đức, Bình Thạnh… đã công khai thông tin quy hoạch qua mạng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Tại quận 10, đầu năm 2017 đã có phần mềm tra cứu thửa đất, thông tin quy hoạch. Bà Nga cho biết quận tiếp tục cải tiến phần mềm để việc phản hồi và tiếp nhận từ người dân được thực hiện dễ dàng hơn. Bà Nga cũng kiến nghị UBND TP xem xét pháp lý hóa việc cung cấp thông tin quy hoạch qua mạng.
Đồng tình, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho rằng công khai thông tin quy hoạch lên mạng thuận tiện, nhanh nhưng sử dụng chưa được vì pháp lý chưa có. "Chúng ta đã cấp pháp lý cho bản đồ giấy, giờ số hóa nên cấp pháp lý cho bản đồ số để khi dùng bất cứ bản đồ nào cùng một nguồn dữ liệu thì đều hợp pháp" - ông Hiếu nói.
Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng, sở sẽ tiến hành chỉnh lý bản đồ địa chính giúp cho các quận, huyện công bố thông tin quy hoạch một cách chính xác. Dự án này đã được UBND TP phê duyệt với kinh phí trên 500 tỉ đồng, đến năm 2019 sẽ làm xong. Về cách làm, ông Thắng cho biết sẽ công khai lấy ý kiến người dân trước khi duyệt quy hoạch, sau khi duyệt quy hoạch cũng công khai cho người dân thực hiện. Bên cạnh đó, sở còn phối hợp với các đơn vị để nhanh chóng hoàn chỉnh bản đồ địa hình đúng như thời điểm hiện nay.
Về phần Sở Quy hoạch - Kiến trúc, ông Hoàng Tùng thông tin đơn vị đã cho chạy thử phần mềm số hóa về quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000, dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ áp dụng chính thức cho toàn TP. Người dân có thể truy cập phần mềm theo 2 cách. Một là trực tiếp vào website: thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn. Hai là tải ứng dụng "thông tin quy hoạch TP HCM" bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Theo ông Tùng, phần mềm đang chạy thử nghiệm nên mong nhận được ý kiến của người dân. Ngoài ra, sở đang phối hợp UBND quận, huyện tìm giải pháp để chuyển tải ngôn ngữ quy hoạch dễ hiểu, cô đọng, phục vụ tốt nhất cho người dân.
Càng cụ thể càng hay
Ông Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP HCM, cho biết lãnh đạo TP qua nhiều thời kỳ đã dành nhiều thời gian và công sức cho việc quy hoạch. Từ năm 1977, giữa bộn bề công việc xây dựng lại TP sau chiến tranh, lãnh đạo TP đã nghe các đơn vị báo cáo về chuyện này. Theo ông Năm, thông tin quy hoạch càng kỹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, càng cụ thể bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. "Trong quá trình lập quy hoạch phải kỹ lưỡng, không nên nóng vội. Phải xin ý kiến người dân. Thiết kế đô thị phải ổn định, đặc biệt là ổn định trong xây dựng nhà ở. Đây là mong muốn lớn của người dân" - ông Năm nói. Ngoài ra, ông Năm cho rằng nếu có điều chỉnh quy hoạch phải báo cho dân biết, phải bàn với dân để triển khai tốt.
Bình luận (0)