Sau quãng đường ĐH2 dài hơn 20 km đi được ôtô, ông Nguyễn Mạnh Hà nói rằng mục tiêu của đoàn là cắt rừng đến được suối Nước Mắt để khảo sát, tìm phương án vượt suối để đi vào Phước Lộc.
Chúng tôi bắt đầu đi bộ từ một quả đồi cao, phóng tầm mắt xuống cây cầu bê-tông kiên cố trên con đường ĐH2 ở khu vực thủy điện Đắk Mi 2 khoảng 5 km theo đường chim bay nhưng sâu hun hút, dốc đứng.
Các phóng viên rạp mình theo vách núi dựng đứng để vào thủy điện Đắk Mi 2
Cả đoàn tiền trạm xuống núi bằng cách vừa đi vừa nghiêng mình, chân đạp vào hộc đất đã được những người đi trước tạo ra, tay nắm lấy những cỏ cây để tạo độ an toàn. Trời mưa, đất đai nhão nhoẹt, cỏ cây như gần bung bật ra khỏi mặt đất nên rất nguy hiểm. Có nhiều đoạn vách núi đã sạt lở, đất đá trượt cả một đoạn dài xuống dưới, tạo độ dốc hơn 70 độ, mọi người nép mình vào vách núi, chân bước từng đoạn ngắn và các ngón tay bấu chặt vào hốc đất. Là một phóng viên phụ trách địa bàn miền Trung, từng bao lần "chinh chiến" trên các cánh rừng núi cao, mưa bão nhưng tôi không khỏi run chân khi leo qua những đoạn đồi đó. Chỉ một chút sơ sẩy, không biết hậu quả sẽ thế nào.
Sau hơn 3 giờ đoàn khảo sát mới tới được khu vực thi công thủy điện Đắk Mi 2 ở xã Phước Công, cách các điểm sạt lở ở Phước Lộc hơn 10 km và phải dừng lại vì tắc đường, không thể vượt sông. Dù không thể đến Phước Lộc để ghi nhận tình cảnh khó khăn của người dân nhưng chúng tôi đã tiếp cận được với hơn 200 công nhân thủy điện bị cô lập, chuyển tải thông tin tất cả họ an toàn và thực trạng hoang tàn ở đây sau vụ sạt lở kinh hoàng.
Bình luận (0)