xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiễm khuẩn bệnh viện: Rủi may tự chịu!

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh, hàng trăm trẻ ở Hưng Yên mắc sùi mào gà, 8 người chết khi chạy thận ở Hòa Bình… đều liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện

Cho đến thời điểm này, dù nguyên nhân chính thức khiến 4 trẻ sơ sinh ở Bắc Ninh chưa được cơ quan chức năng công bố song mối nghi ngờ lớn nhất được hội đồng chuyên môn về y khoa và dư luận hướng đến chính là nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV). Theo giới chuyên môn, NKBV đang ở mức rất đáng lo ngại.

Ít nhất 1/10 bệnh nhân nằm viện nhiễm khuẩn

Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra trong môi trường BV, trên mỗi cm2 bàn tay có thể chứa tới 4,6 triệu vi khuẩn.

Tại Việt Nam, theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, qua nghiên cứu trên 9.345 bệnh nhân của 10 BV thuộc bộ cho thấy tỉ lệ NKBV là 5,8%. Còn theo nghiên cứu của Sở Y tế TP HCM trên tất cả các BV công lập trực thuộc, tỉ lệ NKBV cao hơn, đến 6,4%. Trong số các bệnh dễ bị NKBV phải kể đến hàng đầu là viêm phổi (54,3%), kế tiếp là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%). Đối với bệnh nhân phải mổ thì 10% bị nhiễm trùng vết mổ.

Nhiễm khuẩn bệnh viện: Rủi may tự chịu! - Ảnh 1.

Quá tải bệnh viện cộng với việc nhân viên y tế không thực hiện đúng quy trình phòng ngừa nhiễm khuẩn đang làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện (Ảnh có tính chất minh họa) Ảnh: NGỌC DUNG

Tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng NKBV có xu hướng phức tạp và gia tăng, trong đó một phần do sự quá tải bệnh nhân nghiêm trọng. Nghiên cứu của BV Chợ Rẫy (TP HCM) chỉ rõ tình trạng nhiễm trùng vết mổ có nguyên nhân do NKBV thường gặp nhất ở bệnh nhân có kèm viêm phổi (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%). Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2,4 lần so với người được điều trị nội khoa.

Các chuyên gia y tế cho rằng NKBV làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, kéo dài thời gian điều trị, tăng nguy cơ tử vong. Công tác kiểm soát NKBV còn nhiều cam go do nguồn lực còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát tại nhiều BV chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Theo BS Nguyễn Văn Tuân, đại diện WHO tại Việt Nam, cứ 100 bệnh nhân nằm viện thì ít nhất 10 người bị NKBV nhưng hiện tại, chỉ có 23/144 nước có hệ thống giám sát NKBV. Do đó, khi dịch bệnh xảy ra thì nhiều BV không thể lường trước sự lây lan của vi khuẩn. Người bệnh có bị NKBV hay không tùy vào… sự may rủi.

"Thủ phạm" là bàn tay y, bác sĩ!

Vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh hay trước đó là vụ hàng trăm trẻ ở Hưng Yên mắc sùi mào gà, vụ 8 người tử vong trong lúc chạy thận ở BV Đa khoa Hòa Bình… đều liên quan đến NKBV.

Thừa nhận có sự liên quan này, bác sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn BV Bạch Mai (Hà Nội), nhấn mạnh NKBV đang là một vấn đề nan giải, thách thức của ngành y tế Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Trẻ sơ sinh là đối tượng nhiễm khuẩn cao nhất. Đặc biệt, khi nhiễm khuẩn, trẻ sơ sinh, nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng, có tỉ lệ tử vong cao, chiếm 50% do hệ thống miễn dịch của các bé chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm trùng.

Theo nhiều chuyên gia y tế, không thể "dò" được chính xác bệnh nhân NKBV từ đâu, có thể là "vi khuẩn của BV" nhưng cũng có thể do người nhà, người bệnh mang từ ngoài vào… Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng "thủ phạm" lây truyền phổ biến nhất chính là… bàn tay của các y, bác sĩ. Nếu nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân, cầm nắm các trang thiết bị y tế bẩn mà không rửa tay sạch thì có thể truyền bệnh sang cho bệnh nhân khác hoặc dính vào nhiều vật dụng khác trong BV.

Các khảo sát nhỏ gần đây cho thấy khoảng 1/3 nhân viên y tế không rửa tay trước khi chăm sóc người bệnh. Trong số nhân viên tuân thủ yêu cầu rửa tay, bác sĩ lại là nhóm ít tuân thủ nhất.

"Quy trình thăm khám cho mỗi người bệnh cần một đôi găng tay nhưng có tình trạng bác sĩ khám vài người bệnh mới thay một đôi. Sau mỗi lần chạm vào bệnh nhân, bác sĩ đều phải sát khuẩn tay nhưng phần lớn bác sĩ chưa có thói quen này. Họ thường chỉ sát khuẩn sau khi kết thúc quá trình thăm khám bệnh nhân. Điều này đã vô tình đưa vi khuẩn từ người này sang người khác, làm lây lan bệnh" - một bác sĩ phân tích.

Từ kết quả nghiên cứu chỉ rõ tỉ lệ người nằm việc mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới ở mức cao, WHO kết luận nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có việc rửa tay trước khi tiếp xúc người bệnh.

Tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ tử vong

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cảnh báo NKBV đang là một thách thức rất lớn và là gánh nặng cho người bệnh cũng như các cơ sở y tế do làm tăng tỉ lệ mắc bệnh, gây nên các biến chứng, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và tăng tỉ lệ tử vong. Dù vậy, khoảng 20% BV có quy mô trên 150 giường bệnh của nước ta chưa thành lập khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo