Với chiều dài bờ biển gần 300 km, 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận đang có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để đưa ngành khai thác thủy sản phát triển bền vững, cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU.
EC ghi nhận nỗ lực của Việt Nam
Sau đợt kiểm tra lần 3, EC ghi nhận Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc chống khai thác IUU. Trong đó, cải thiện đáng kể nhất là việc hoàn thiện khung pháp lý, công tác theo dõi, quản lý đội tàu, giám sát sản lượng lên bến, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Tuy nhiên, đoàn thanh tra của EC chỉ ra một số tồn tại mà ngành thủy sản cần khắc phục, đó là đội tàu của nước ta vẫn lớn so với lượng nguồn lợi, việc đăng ký, đăng kiểm tàu cá vẫn chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS, vượt ranh giới trên biển vẫn còn. Công tác điều tra, xử lý vi phạm tại địa phương còn hạn chế.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra tàu cá trước khi ra khơi
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, hơn 3 năm qua, tỉnh này không ghi nhận thêm trường hợp khai thác hải sản vi phạm lãnh hải nước ngoài. Từ một địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ khai thác chồng lấn vùng biển, nay tình trạng trên không còn. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết Bình Thuận là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành chỉ thị về ngăn chặn tàu cá khai thác bất hợp pháp. Từ tháng 1-2018, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách tăng cường quản lý, ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. "Điều này thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm rất lớn trong lãnh đạo, điều hành của tỉnh để chấm dứt tình trạng này. Bên cạnh đó là xử lý, xử phạt kiên quyết kết hợp tuyên truyền các trường hợp ngư dân không khai báo, đánh bắt không theo quy định" - ông Huy nói.
Chuẩn bị để gỡ thẻ vàng
Để chuẩn bị cho đợt thanh tra tiếp theo của EC dự kiến triển khai vào tháng 4-2023, các địa phương ven biển, trong đó có các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, đang có sự chuẩn bị tích cực để cùng cả nước gỡ thẻ vàng thủy sản.
Tại Bình Thuận, ngày 30-1, UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trước mắt về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Theo đó, khắc phục các khuyến nghị của EC trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. UBND tỉnh Bình Thuận đặt ra 21 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, tập trung 4 nhóm chính, gồm: Kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu và theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá; thực hiện việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định, bảo đảm 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác và cuối cùng là thực thi pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.
Còn tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu trong công tác chống khai thác IUU. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Ninh Thuận chủ động làm việc với các tỉnh có vùng biển giáp ranh với nước ngoài nhằm hỗ trợ nhau ngăn chặn tàu cá vi phạm.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, cho biết đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi 24/24 giờ hệ thống giám sát hành trình hoạt động trên biển của tàu cá trong tỉnh, kịp thời thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền, để kịp thời phối hợp xử lý thông tin tàu mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, kiểm tra danh sách tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản bất hợp pháp. Một biện pháp quan trọng nữa là chủ động lập danh sách tàu cá khai thác IUU, danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Các tàu cá diện này sẽ được ngành thủy sản gửi về Tổng cục Thủy sản để theo dõi. Kết quả kiểm tra tại cảng cá và đối chiếu với số liệu từ Tổng cục Thủy sản cho thấy cho đến nay không có tàu cá Ninh Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài.
"Phía Chi cục Thủy sản cũng như lực lượng biên phòng giải thích cặn kẽ các quy định liên quan khai thác thủy sản, từ đó giúp ngư dân nắm rõ hơn khi đánh bắt. Trong đó, quan trọng nhất là chúng tôi luôn ý thức việc ghi chép nhật ký, sổ sách ra vào cảng và không vi phạm lãnh hải trong đánh bắt" - ông Nguyễn Văn Đức, ngư dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nói.
Tăng cường giám sát qua VMS
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết đến nay, tỉnh đã có 798/812 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỉ lệ 98,3%. Thời gian tới, Ninh Thuận sẽ đẩy nhanh hoàn thành lắp VMS cho những tàu cá còn lại; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong điều tra, xử lý dữ liệu tàu cá qua hệ thống VMS, xử phạt nghiêm các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.
Tại Bình Thuận, từ cuối năm 2022, UBND tỉnh này có công văn về việc không chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá hoạt động trên biển đối với chủ tàu vi phạm khai thác bất hợp pháp. Việc ngưng cấp phép cũng được áp dụng đối với các trường hợp tàu cá hoạt động các nghề, ngư cụ thuộc danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bình luận (0)