Mấy năm qua, UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM đang "đau đầu" giải quyết một công trình nhà không phép trên địa bàn đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Chồng chéo nên khó xác định trách nhiệm
Theo ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, công trình trên xây dựng trên nền đất nông nghiệp, hiện đã có 5 hộ với hàng chục nhân khẩu đang sinh sống. Dù đã ban hành các văn bản xử phạt hành chính nhưng khó khăn lớn nhất là khâu cưỡng chế, tháo dỡ. Lý do được ông Lê Tuấn Anh đưa ra là công trình hình thành từ giai đoạn trước khi ông về nhận nhiệm vụ (xây dựng từ 4 năm trước). Việc cưỡng chế gặp khó khăn khi bên trong có nhiều hộ gia đình thu nhập thấp, nhiều trẻ em sinh sống. Khi tháo dỡ phải tính toán bảo đảm an ninh trật tự và ổn định nơi ở mới cho những người định cư trong công trình. Đã có rất nhiều văn bản của các bên được đưa ra nhưng do chồng chéo và chưa thống nhất nên đến nay vẫn chưa thể giải tỏa công trình trên mà phải đợi đến khi các bên đều thống nhất.
Việc xử lý các công trình xây dựng không phép, sai phép thế này sẽ dễ dàng hơn khi quyền và trách nhiệm được quy về một mối Ảnh: LÊ PHONG
Ở quận Thủ Đức, hàng trăm hồ sơ vi phạm xây dựng không phép, sai phép cũng đang bị "treo" khi lấn cấn trong các quy định chưa thống nhất từ vai trò của địa phương đến cấp sở. Dù từ năm 2016 đến nay, toàn quận Thủ Đức phát hiện hơn 560 công trình vi phạm nhưng chỉ có thể xử lý dứt điểm 110 vụ việc, tức chỉ hơn 20% số vụ đã xử lý xong, phần còn lại đến nay còn kéo dài và "treo" không biết đến khi nào.
Đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức phân tích từ trước đến nay, Đội Thanh tra địa bàn (thuộc Sở Xây dựng TP HCM) có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cấp phép xây dựng, trong khi Đội quản lý trật tự cấp quận và phường chỉ kiểm tra xây dựng không phép. Cùng một lúc công trình vi phạm cả hai sẽ được hai đơn vị kiểm tra, xử lý. Có những trường hợp không thống nhất phương án phải có văn bản xin ý kiến lãnh đạo. "Việc phân cấp vai trò cùng một nhiệm vụ, một địa bàn khiến công tác xử lý khó khăn. Đơn cử có những trường hợp gửi văn bản tới lui từ 5-6 tháng hoặc cả năm vẫn chưa xong. Đến lúc đã xong thì người dân vào ở ổn định trên công trình vi phạm và buộc phải cưỡng chế, gây tốn thêm rất nhiều thời gian, nhân lực và công sức. Như vậy rất tốn kém, gây thiệt hại tiền của, công sức cho cả hai phía" - vị này cho biết.
Đại diện UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân chia sẻ câu chuyện căn nhà tại thửa đất số 655, tờ bản đồ 106 trên địa bàn sau khi làm thủ tục hoàn công, chủ đầu tư đã xây thêm phần phía sau làm phát sinh vi phạm trong trật tự xây dựng. Với trường hợp này, chính quyền địa phương cho rằng công trình này thuộc Sở Xây dựng xử lý vì căn nhà xây dựng có giấy phép. Vụ việc nhùng nhằng mãi vẫn chưa xử lý xong.
Quy trách nhiệm để xử lý trong tháng 11-2019
Nhìn nhận công tác quản lý trật tự xây dựng hiện nay, một lãnh đạo UBND quận 7 thừa nhận 7 năm đưa lực lượng thanh tra xây dựng từ quận - huyện về Sở Xây dựng TP thì địa phương gặp nhiều rối rắm, số vụ vi phạm tăng lên còn công tác xử lý thì chậm lại. Cụ thể, có trường hợp Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm hành chính gửi cho phường. Cấp phường trình lại cho UBND quận để ra quyết định xử phạt hành chính rồi phản hồi lại thanh tra sở. Một hồ sơ xử lý có gần chục văn bản chuyển tới chuyển lui và tất nhiên tốn rất nhiều thời gian, dễ khiến vi phạm theo đó "phình" ra.
Chủ tịch UBND một xã thuộc huyện Bình Chánh phân trần về việc tình trạng xây dựng không phép, sai phép tăng cũng một phần do thanh tra xây dựng "nằm ở cấp sở". "Tình trạng xây dựng không phép diễn biến phức tạp trong khi nhân lực chỉ 1-2 cán bộ cấp xã phải quản lý trên 120.000 dân thì làm sao quản xuể" - vị này than vãn.
Đại diện UBND quận Bình Tân cho rằng theo quy định, địa phương có trách nhiệm kiểm tra, xử lý công trình không phép, còn Thanh tra Sở Xây dựng xử lý công trình sai phép nhưng lực lượng này chỉ kiểm tra công trình rồi sau đó giao trách nhiệm xử phạt, tổ chức cưỡng chế về cho địa phương là điều khó thực thi. Trong khi để cưỡng chế công trình sai phạm, địa phương phải thực hiện nhiều công đoạn phức tạp.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thừa nhận thời gian dài đã xảy ra yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Trong tháng 11-2019 sẽ tiến hành thí điểm việc "giao một mối" quản lý trật tự xây dựng về địa phương. Phó chủ tịch UBND quận - huyện sẽ là tổ trưởng tổ công tác quản lý trật tự xây dựng, có quyền điều động, giám sát và xử lý tất cả các hoạt động liên quan đến xây dựng. Một công trình dù sai phép hay không phép sẽ do tổ công tác xử lý và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
Kỳ vọng giảm 50% số vụ vi phạm
Trước thông tin này, ông Lê Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, khẳng định giao về địa phương chắc chắn sẽ giảm bớt các thủ tục và dễ dàng phối hợp xử lý. Cùng quan điểm, ông Cao Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - nói rằng từ lâu cấp phường đang rất trông chờ thanh tra xây dựng được chuyển về địa phương.
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Lý Thanh Long, mục đích của việc "giao một mối" là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, bảo đảm các quyết định xử lý vi phạm hành chính phải được thực thi, bảo đảm tính nghiêm minh của công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, sẽ tăng cường lực lượng phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND các quận - huyện trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, tham mưu xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Theo ông Long, TP HCM đặt ra mục tiêu phấn đấu bảo đảm 100% công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra theo đúng quy định (trừ công trình bí mật nhà nước; công trình quốc phòng, an ninh); bảo đảm 100% công trình vi phạm trật tự xây dựng được phát hiện, xử lý kịp thời; kéo giảm ít nhất 50% số vụ vi phạm trật tự xây dựng qua từng năm.
Quyền và trách nhiệm của tổ công tác
Tổ công tác chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng; dự án đầu tư xây dựng do UBND cấp huyện quyết định đầu tư; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của tổ công tác; đồng thời, tham mưu chủ tịch UBND quận, huyện ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu chủ tịch UBND quận, huyện trình chủ tịch UBND TP ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Bình luận (0)