Ngày 27-9, tin từ Ban Chỉ huy tìm Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên từ ngày 25 đến sáng ngày 27-9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra mưa lớn diện rộng.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (thứ 2 từ trái qua) cùng các ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại thôn Chẩm Khê, xã Yên Thọ (huyện Như Thanh) sáng nay 27-9. Ảnh: Tuấn Minh
Đến thời điểm trưa ngày 27-9, theo thống kê ban đầu, mưa lớn trên địa bàn Thanh Hóa đã khiến 1 người mất tích, gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương và tắc đường tại 15 vị trí đường tràn.
Trong đêm 26 và rạng sáng ngày 27-9, mưa lớn diện xảy ra tại các huyện như: Thọ Xuân, Như Xuân, Như Thanh; thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn… Tại TP Thanh Hóa, mưa lớn suốt từ tối ngày 26-9 đến trưa nay 27-9 vẫn còn mưa rất to đã khiến nhiều tuyến phố ngập sâu trong nước khiến cho giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn.
Tại huyện Như Xuân, Như Thanh, nơi ghi nhận có lượng mưa lớn nhất (98 mm) đã làm cho nhiều diện tích hoa màu, lúa chưa kịp thu hoạch bị ngập sâu, nhiều bản, làng các đập, tràn nước dâng cao đã gây chia cắt, cô lập nhiều nơi.
Tràn qua thôn Chẩm Khê, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh bị chia cắt do nước dâng cao. Ảnh: Tuấn Minh
Báo cáo nhanh của UBND huyện Như Thanh, mưa lớn đã gây ngập 1,5 ha lúa; 21,9 ha rau, màu; 12 ha mía; 8,2 ha thủy sản. Mưa trên diện rộng cũng gây sạt lở 4 điểm tại tuyến đường tỉnh lộ 505, đổ tường rào của một số hộ trên địa bàn xã Xuân Khang với chiều dài khoảng 200 m.
Còn tại huyện Như Xuân, Bí thư Huyện ủy Lương Thị Hoa cho biết mưa lớn gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu và lúa vụ mùa năm 2023; nhiều tuyến đường giao thông bị ngập, một số thôn bị cô lập. "Hiện nay, trên địa bàn có 55 ha lúa bị ngập, 0,7 ha cây các loại bị ngập; các đường giao từ thị trấn Yên Cát đi xã Thanh Quân đoạn qua xã Cát Vân bị sạt lở; một số tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn các xã bị ngập gây chia cắt"- Bí thư Huyện ủy Lương Thị Hoa thông tin.
Một điểm tràn tại huyện Như Xuân bị chia cắt. Ảnh: Tuấn Minh
Cũng theo bà Hoa, do mưa lớn toàn bộ xã Thanh Sơn (xã Thanh Hòa), thôn thuộc diện ảnh hưởng của dự án Bản Mồng (Nghệ An) bị cô lập hoàn toàn do các tràn vào thôn ngập sâu trong nước. Ngoài ra, 2 thôn của xã Thanh Lâm cũng có một số hộ phải di dời do nước ngập vào nhà.
Mưa lớn cũng khiến một người đàn ông tại thôn Quang Trung (xã Bình Lương) đi bắt cá tối 26-9 đến nay đã mất liên lạc, gia đình nghi bị nước cuốn trôi.
Các đơn vị chức năng đã ngăn đường, cắm biển cảnh báo. Ảnh: Tuấn Minh
Trước tình hình mưa, lũ xảy ra trên địa bàn, Huyện ủy Như Xuân đã có chỉ đạo tất cả các địa phương, phòng, ban liên quan cử người trực tiếp đi cơ sở nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó, tổ chức trực 24/24. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Đường phố tại ngã tư đại lộ Lê Lợi, Trần Phú, TP Thanh Hóa biến thành sông. Ảnh: Tuấn Minh
Trong 2 ngày 26 và 27 - 9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi tại Nghệ An có mưa rất to. Mưa lớn, kết hợp với việc các thủy điện xã lũ nên nhiều huyện miền núi như Quỳ Châu, Thanh Chương, Quế Phong, Kỳ Sơn bị ngập nặng, người dân phải gom đồ chạy lũ.
Mưa lớn khiến các tuyến đường ở Nghệ An bị chia cắt. Ảnh: Đức Ngọc
Ông Lương Trí Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳ Châu cho biết, mưa khiến nhiều nhà dân ở các xã như Châu Tiến, Châu Hạnh, Châu Hội, thị trấn Tân Lạc... bị ngập sâu. Nhiều cánh đồng lúa, hoa màu bị, công trình giao thông bị nước nhấn chìm. Quốc lộ 48A đoạn qua xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu có ít nhất 6 điểm bị ngập lụt, trong đó có điểm ngập sâu khoảng 1m.
Ngoài ra, mưa lớn cũng gây sạt lở, hàng trăm khối đất đá sụt xuống chắn ngang Quốc lộ 48A. Giao thông từ huyện Quỳ Hợp lên huyện Quế Phong bị tê liệt hoàn toàn.Chính quyền huyện Quỳ Châu đang huy động hàng trăm cán bộ, cùng lực lượng Công an, Quân đội hỗ trợ người dân ở những vùng trũng di dời tài sản, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Mưa lớn khiến các tuyến đường ở huyện Con Cuông bị sạt lở, chia cắt. Ảnh: Đức Ngọc
Tại huyện Thanh Chương, lượng mưa đo được từ khoảng 300 - 400 mm, một số tuyến đường ở các xã, thị trấn như: Xã Thanh Liên, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm, Thanh Hương, thị trấn Thanh Chương... bị ngập cục bộ. Tại xã Ngọc Lâm, mưa lớn, nước trên các triền núi đổ về làm ngập một số điểm cầu tràn trên đường liên xã, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Ngoài Quỳ Châu, Thanh Chương các huyện như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông... của tỉnh Nghệ An cũng có mưa lớn khiến nhiều nơi bị ngập sâu, các tuyến đường bị chia cắt.
Mưa lớn gây sạt lở đất khiến viên đi lại của người dân ở Nghệ An gặp khó khăn. Ảnh: Đức Ngọc
Do mưa lớn, đến hơn 8 giờ ngày 27-9, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã cho học sinh nghỉ học. Các huyện có số trường nghỉ học nhiều như: Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Các huyện còn lại như: Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, việc nghỉ học diễn ra cục bộ tại những địa bàn bị chia cắt.
Nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng do mưa lớn. Ảnh: Đức Ngọc
Theo Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, lượng mưa đo được tại trạm Quỳ Châu từ 1-7 giờ sáng 27-9 đạt 297 mm; Tây Hiếu 136 mm; Quỳ Hợp 101 mm; Con Cuông 125 mm; Mường Xén 67 mm, Chợ Tràng 58 mm…
Dự báo ngày 27-9, nhiều nơi ở Nghệ An tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to. Người dân ở khu vực miền núi và vùng trũng thấp cần hết sức cảnh giác, chủ động ứng phó với mưa lũ.
Bình luận (0)