Theo ông Trần Văn Lắm, Phó trưởng Ban Bồi thường - Giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức, việc thẩm định giá đất còn nhiều bất cập, nhất là đất nông nghiệp. Ông Lắm dẫn chứng tại Khu đô thị Vạn Phúc (Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước), chủ đầu tư sẵn sàng thương lượng bồi thường đất nông nghiệp cho người dân với số tiền 10 triệu đồng/m2, trong khi căn cứ quy định nhà nước thì giá cao nhất tại đây chỉ khoảng 3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo ông Lắm, mức giá người dân đưa ra phản ánh đúng giá thị trường. Bởi thực tế chỉ rò rỉ ít thông tin về việc sắp triển khai dự án cũng là lúc người dân đua nhau tăng giá. Vì vậy, quá trình xem xét thẩm định giá đất hiện nay mặc dù căn cứ vào thông tin giao dịch, từng vị trí đo cụ thể nhưng vẫn chưa sát giá thị trường.
Tương tự, đại diện UBND quận 12 cũng thừa nhận chính quyền không nắm bắt được giá trị hợp đồng thật mà người dân giao dịch, mua bán với nhau. Theo đó, việc thẩm định đơn giá, nhất là giá đất nông nghiệp trên địa bàn quận 12 rất khó khăn. "Công tác quản lý địa chính lưu trữ ở các địa phương chưa đầy đủ, chưa cập nhật biến động thường xuyên, khó quản lý được mua bán, chuyển nhượng. Kết quả cho thấy có hơn 1.400 trường hợp bị thu hồi đất nhưng chỉ hơn 400 người đã nhận hỗ trợ, bồi thường, rất nhiều trường hợp khiếu nại, khiếu kiện" - đại diện UBND quận 12 thông tin.
Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Hữu Anh Tứ, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết quan điểm của UBND quận là bồi thường giá phải phù hợp giá thị trường và tránh khiếu nại, bức xúc từ người dân. Còn theo bà Đinh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP HCM, sau khi thụ lý các vụ kiện thì bà rút ra một kết luận chung. Đó là, người dân giao dịch thường thành lập 3 hợp đồng với 3 mức giá khác nhau. Trong đó, có giá để đóng thuế, phí thấp hơn giao dịch thật; kế đến là giá để vay ngân hàng nên giá rất cao; cuối cùng là giá để làm bằng chứng khi tranh chấp. Tất cả hợp đồng trên đều được công chứng hợp pháp. "Vì vậy, cần xem xét kỹ những giải pháp để nâng mức bồi thường, cập nhật sớm thay đổi các biến động giá để không thất thoát thuế, nắm bắt được giá trị giao dịch thật" - bà Thúy đề xuất.
Ghi nhận những bất cập địa phương nêu cùng các ý kiến đóng góp đề xuất, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho hay sẽ tiếp tục làm việc và ghi nhận thêm các ý kiến từ nhiều quận - huyện khác, sau đó sẽ kiến nghị UBND TP HCM tháo gỡ.
Bình luận (0)