Cũng những ngày qua, kỳ thi tuyển vào lớp 10 ở hai đô thị lớn nhất nước là TP HCM và Hà Nội đã khép lại. Một kỳ thi được đánh giá là kinh hoàng ở Hà Nội và ở TP HCM là cuộc đua hết sức khốc liệt, căng thẳng tột cùng. Các bậc cha mẹ ở Hà Nội thất điên bát đảo với điểm chuẩn các trường công bố, chạy đua rút - nộp hồ sơ để tìm cho con một suất ở trường và luôn sống trong tâm trạng phập phồng, chưa biết may rủi thế nào.
Nhìn cảnh này, nhiều người cho rằng có cần phải chạy trường ở mọi cấp học như vậy hay không. Ngày xưa bao người học trường làng mà vẫn học giỏi, ra đời thành công, thành danh. Dù nói như vậy cũng chỉ đúng một phần vì mỗi thời mỗi khác, không thể áp vào để cho ra kết quả bắt buộc nhưng đây vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm. Có những việc, trong đó có chuyện trường lớp, học hành của con em, xã hội đã hình thành lối nghĩ chuộng hình thức, chạy theo phong trào, tạo thành xu hướng, thậm chí thành thói quen phải "chạy" trường cho con. Không ít người nghĩ rằng phải học trường này trường nọ mới xứng tầm địa vị cha mẹ và con có nhiều cơ hội học giỏi, thành tài.
Nhưng có thật vậy không? Cũng có nhưng không phải là tất cả. Bởi không ít con em họ học không tốt, bị áp lực trong học tập. Nhiều em hầu như không còn tuổi học trò hoa mộng, không có thời gian chơi đùa, chạy nhảy hay chơi thể thao, văn nghệ mà quanh năm suốt tháng đến trường này lớp khác, vùi đầu vào học và học. Các em có thể chất yếu, ra đời thiếu đi những kỹ năng sống vì chỉ chuyên tâm học chữ mà thôi.
Câu hỏi có cần theo học đại học (ĐH) hay không cũng từng được gợi mở và những câu trả lời đều có, song không phải cha mẹ nào cũng nhìn ra, nhất là khi các trường ĐH mở ra như nấm, học ĐH như là phổ thông cấp 4, hết sức dễ dàng. Vấn đề là học xong sẽ làm được gì với tấm bằng đó, khi tốt nghiệp những trường lớn, danh tiếng cũng không phải dễ dàng xin việc nếu không may mắn, không quen biết, không có những quan hệ của gia đình để giúp cho một chỗ làm.
Mô hình chóp ngược của giáo dục Việt Nam lắm thầy ít thợ, bất cập trong đào tạo và tuyển dụng, chất lượng lao động đều được báo động nhưng chậm thay đổi. Trong khi đó, những ai mạnh dạn thay đổi tư duy lại giúp cho con em hoặc tự mỗi học sinh nhìn ra hướng đi của mình, chọn lối vào đời bằng học nghề như câu nói của cha ông "nhất nghệ tinh nhất thân vinh". Nhiều tấm gương chọn trường nghề, thành công với nghề qua các cuộc thi trong nước và quốc tế, trở thành những người thợ, đầu bếp hay bartender nổi tiếng cho thấy tài năng và nghị lực luôn giá trị hơn những bằng cấp thông thường.
Xin các bậc cha mẹ đừng chạy theo phong trào, hãy cùng hành động để thay đổi nhận thức xã hội. Đừng áp đặt mà hãy tôn trọng ý thích của con, cùng con trò chuyện, hướng con tới lối đi đúng cho tương lai. Hãy giúp con đến trường với niềm vui mỗi ngày và vào đời bằng nhiều ngả, không cứ là ĐH mới thành công.
Bình luận (0)