Trước đó, trong chiều tối 14-10, 10 bệnh nhân sinh sống tại TP Phan Thiết lần lượt nhập viện cấp cứu khẩn cấp với chung một triệu chứng là: tụt huyết áp đột ngột, mệt mỏi, nóng từ trong ruột ra ngoài…Các bệnh nhân khai báo họ cùng ăn cơm trong từng gia đình và có điểm chung là ăn món cá hồng (ngư dân Phan Thiết gọi là cá hồng chuối). Trong số những người nhập viện, có một số ca bệnh có triệu chứng nặng, huyết áp tụt sâu, thậm chí không đo được. Sau khi thực hiện các biện pháp cấp cứu ban đầu, 2 ca bệnh nặng tiếp tục chuyển đến khoa Hồi sức tích cực- Chống độc để điều trị. "Đến sáng nay, thì cơ bản các bệnh nhân nặng qua cơ nguy kịch. 2/10 người đã xuất viện khi sức khỏe ổn" – bác sỹ Thái Đức Cường, người trực tiếp điều trị các bệnh nhân cho biết.
Y tá chăm sóc một nạn nhân vụ ngộ độc
Anh Võ Thanh Ngọc, nhà ở phường Đức Nghĩa (TP Phan Thiết, Bình Thuận) - một trong 8 bệnh nhân đang nằm điều trị - cho biết sáng hôm qua anh mua cá hồng chuối từ một hàng quen ở chợ Phan Thiết. Trưa đó, anh ăn cơm cùng với 3 người khác trong gia đình với món đầu cá hồng kho. Lúc anh mua, đầu con cá vẫn con tươi và không có dấu hiệu gì bất thường. "Sau khi ăn xong thì từ trong ruột nóng ra, rồi lan khắp người. Khi lên bệnh viện thì người nhừ tử, mệt mỏi, Cả ba người còn lại trong nhà cũng vậy" – anh Ngọc cho biết.
Gia đình 3 người của chị Nguyễn Thị Hoài Trang (phường Phú Thủy, TP Phan Thiết) cũng nhập viện với triệu chứng tương tự. Sáng 14-10, chị mua con cá hồng chuối nặng 5 ký về ăn. Sau đó, cả 3 người đều bị đau bụng, ói mửa, tiêu chảy liên tục. "Trước đây gia đình tôi có ăn cá này một lần nhưng chưa bị vậy bao giờ. Cá này rất hiếm gặp nên lúc ra chợ thấy là tôi mua về ngay, không nghĩ là nó ngộ độc vậy" – chị Trang cho biết khi cùng con gái đang nằm điều trị tại Bệnh viện đa khoa An Phước.
Chị Nguyễn Thị Hoài Trang kể lại việc ăn cá bị ngộ độc
Ngay sau khi vụ ngộ độc xảy ra, ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận đã gặp các bệnh nhân để lấy thông tin bước đầu, đồng thời thu giữ mẫu cá còn lại ở các gia đình để gửi đến Viện Pasteur Nha Trang kiểm nghiệm.
Được biết, cách đây ít năm, tại thị xã La Gi (Bình Thuận) cũng từng xảy ra vụ ngộ độc cá hồng tương tự, khiến 31 người nhập viện. Theo ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Thuận, cá hồng ngư dân hay ăn thường gọi là cá hồng chuối, phân bổ ở những vùng nước sâu. Thực tế lâu nay các loài cá hồng chuối đánh bắt vùng nước rất sâu rải rác có gây ngộ độc do cá ăn 1 số tảo độc. "Vấn đề này cũng đã được cơ quan chức năng cảnh báo và trong ngư dân cũng đã truyền miệng nhau cảnh báo lâu nay. Rất may các hiện tượng nhiễm độc này không nặng lắm, cơ bản chỉ gây tê bì, ói mửa... Chúng tôi khuyến cáo bà con thu mua, tiêu thụ nên tìm hiểu rõ nguồn khai thác của loài cá này để phòng tránh ngộ độc" – ông Huỳnh Quang Huy cho biết.
Bình luận (0)