xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều quyết sách phát triển TP HCM

Bài và ảnh: PHAN ANH

HĐND TP HCM đã thông qua nhiều nghị quyết hết sức quan trọng, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân thành phố năm 2023 và nhiều năm tới

Ngày 9-12, kỳ họp thứ 8, HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021 - 2026 bước vào ngày làm việc thứ 3. Dự họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi.

Thông qua 36 nghị quyết

Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 36 nghị quyết. Trong đó có 15 nghị quyết về kinh tế - ngân sách; 8 nghị quyết về cơ chế - chính sách; 6 nghị quyết về văn hóa - xã hội - giáo dục, thông tin - truyền thông; 2 nghị quyết về đô thị; 2 nghị quyết về biên chế, nhân sự và 3 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác. Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND thành phố, cho rằng đây là những nghị quyết hết sức quan trọng, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân thành phố năm 2023 và nhiều năm tới.

Một trong những nghị quyết quan trọng đó là Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật thuộc quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp). Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 9.700 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách, thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2028. Khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại rạch Xuyên Tâm, thoát nước chống ngập cho khu vực.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, việc thông qua chủ trương đầu tư dự án này cũng cụ thể hóa chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố tại Kết luận 456/2022 nhằm cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. HĐND thành phố lưu ý chính quyền khi thực hiện phương án, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bảo đảm hợp lý và thỏa đáng đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Một nghị quyết quan trọng khác được thông qua là Nghị quyết thống nhất tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 thêm 1 lần so với hệ số năm 2022 (tương ứng hệ số từ 2,5 đến 3,5 so với bảng giá đất). UBND thành phố cho biết việc điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất không ảnh hưởng đến hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất trong hạn mức mà chỉ ảnh hưởng đối với hộ gia đình, cá nhân có phần diện tích đất vượt hạn mức theo quy định của pháp luật.

Trong 36 nghị quyết được HĐND thành phố thông qua còn có các nghị quyết gồm: Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM; Nghị quyết về hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 lần (tối đa) lương ngạch bậc, chức vụ trong năm 2023; Nghị quyết đầu tư công năm 2023; Nghị quyết về thu hồi hơn 32 ha đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng gần 53 ha để làm dự án; Nghị quyết về thống nhất chủ trương bảo đảm thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố tham gia dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài…

Nhiều quyết sách phát triển TP HCM - Ảnh 1.

Lãnh đạo thành phố cùng các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 8, HĐND TP HCM khóa X

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Lệ cho biết sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 8 đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.

Để thực hiện chủ đề năm 2023 là "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội", Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị đối với các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từng tập thể, cá nhân triển khai và phối hợp thực hiện nghiêm, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả cao.

Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố cần phân tích sâu, đánh giá các hoàn cảnh, dự báo các tình huống kinh tế - xã hội năm 2023 để có sự chủ động ứng phó, tập trung đầu tư, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực đang và dự kiến gặp khó khăn trong thời gian tới. Trong đó có giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của trung ương; bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra việc khắc phục các vụ việc tồn tại kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị xử lý dứt điểm, bảo đảm ổn định cuộc sống nhân dân. Bên cạnh đó, nâng cao đạo đức công vụ và hành chính chuyên nghiệp, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của các cơ quan quản lý nhà nước và toàn hệ thống chính trị thành phố gắn với nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu, làm đúng và làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch HĐND thành phố lưu ý cần có những giải pháp hiệu quả trong tổ chức thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung để bảo đảm chất lượng và đẩy nhanh tiến độ khối lượng công việc phát sinh ngày càng nhiều của thành phố hiện nay.

Liên quan các vụ việc tồn đọng kéo dài, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố liên quan khu đô thị mới Thủ Thiêm về thực hiện các chính sách và thu hồi tạm ứng ngân sách; tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nơi đây phát triển như kỳ vọng. Theo Chủ tịch HĐND thành phố, TP HCM cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành trung ương và địa phương tìm ra các giải pháp nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững nhưng bảo đảm hài hòa kinh tế với văn hóa - xã hội. 

TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5%-8% trong năm 2023

Tại phiên bế mạc kỳ họp, HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.

Nghị quyết đề ra 17 chỉ tiêu cụ thể trong năm như tốc độ tăng trưởng GRDP từ 7,5%-8%; hoàn thành 100% thu ngân sách; giải ngân vốn đầu tư công từ 95% trở lên; giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người, tỉ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%. Tỉ lệ đất giao thông đạt 13%, mật độ đường giao thông bình quân 2,3 km/km2; nhà ở xây dựng mới đạt 12,3 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 22 m2/người; 100% thủ tục hành chính công trực tuyến được cung cấp dịch vụ mức độ 4.

Hà Nội: Quyết liệt thực hiện lời hứa, cam kết với nhân dân

Ngày 9-12, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức phiên chất vấn, tái chất vấn kết quả thực hiện các kết luận chất vấn, những cam kết, lời hứa của UBND thành phố và các cơ quan tại kỳ họp thứ 3, kỳ họp thứ 7 liên quan đến các dự án đầu tư.

Phát biểu giải trình, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng các vấn đề người dân, đại biểu quan tâm đã được các lãnh đạo UBND thành phố trả lời cụ thể. Thông qua nắm bắt kiến nghị của cử tri, các cơ quan chức năng của thành phố đã có chuyển biến tích cực trong việc tháo gỡ những bức xúc trong thực tiễn; những vướng mắc, bất cập của cơ chế quản lý, điều hành; đáp ứng được một phần nguyện vọng chính đáng của cử tri. Điển hình là UBND thành phố đã quyết định thành lập ban chỉ đạo đầu tư xây dựng 6 công viên, cải tạo 5 công viên và nâng cấp 45 công viên, vườn hoa để phục vụ nhu cầu của nhân dân. UBND thành phố đã chỉ đạo dừng việc bán vé vào cửa và hạ thấp tường rào Công viên Thống Nhất từ ngày 1-1-2023. Qua đó tạo không gian mở đối với khu vực đường Trần Nhân Tông và phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng) theo đúng cam kết của thành phố...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết một số khó khăn, vướng mắc trên địa bàn hiện nay đó là hệ thống giao thông chưa đồng bộ, thoát nước đô thị ngày càng quá tải và tình trạng thiếu thuốc tại một số cơ sở y tế. "Đây là những nội dung Thành ủy gợi ý Ban Cán sự Đảng UBND thành phố phải kiểm điểm sâu. Trong năm 2023, chúng tôi sẽ có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn cho những vấn đề đã được chỉ ra" - ông Trần Sỹ Thanh nói.

Cũng trong ngày 9-12, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Phú Yên, Kon Tum, Bình Thuận, Đồng Tháp... tổ chức kỳ họp HĐND nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Kon Tum diễn ra từ ngày 7 đến 9-12 đã thông qua 38 nghị quyết quan trọng về các vấn đề kinh tế - xã hội địa phương; kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Đồng Tháp khóa X diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-12 thông qua 23 nghị quyết; kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII thông qua Nghị quyết Quy định chính sách thu hút nguồn bác sĩ cho ngành y tế giai đoạn 2023-2025.

B.H.Thanh - T.Tuấn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo