Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ký kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Buông lỏng quản lý "đất vàng"
Kết luận của TTCP chỉ rõ nhiều sai phạm của ACV. Cụ thể, đến thời điểm thanh tra (năm 2016), ACV và 22 chi nhánh cảng hàng không, sân bay trên cả nước đang quản lý và sử dụng hơn 3.100 ha đất. Trong đó, trong khu vực cảng và sân bay là hơn 3.085 ha (gồm đất giao không thu tiền sử dụng: hơn 2.888 ha; đất thuê trả tiền hằng năm: hơn 197 ha) và đất ngoài khu vực cảng và sân bay là 14,64 ha. Trong đó, nhiều khu đất nằm ở vị trí "vàng" nhưng việc quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất không đúng quy định.
Lô đất số 1A Hồng Hà (quận Tân Bình, TP HCM) diện tích hơn 6.100 m2 và 10 trung tâm giao dịch hàng không (tổng diện tích 23.216 m2) thuộc diện nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm nhưng ACV và các chi nhánh cảng hàng không cho thuê tài sản trên đất, cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các mục đích không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính, như: lập showroom ô tô, chi nhánh giao dịch ngân hàng, khách sạn, nhà hàng, cửa hàng bán quần áo.
Từ năm 2007 đến 2015, ACV chưa nộp vào ngân sách nhà nước hơn 326 tỉ đồng; Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài kê khai không đúng hơn 64.000 m2 từ đất phải thu tiền sử dụng sang loại đất giao không thu tiền sử dụng làm giảm thu ngân sách gần 18 tỉ đồng. Tính đến tháng 12-2015, tổng số tiền thuê đất ACV chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách là hơn 344 tỉ đồng. Trách nhiệm thuộc về ACV, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng vụ Hàng không. Hiện tại, ACV đã nộp các khoản tiền thuê đất nêu trên vào ngân sách.
Các cơ quan liên quan của TP HCM và ACV thực hiện chưa đúng quy định trong việc cấp giấy phép xây dựng đối với lô đất số 1A Hồng Hà và khu nhà điều hành tại số 58 đường Trường Sơn (quận Tân Bình), ký hợp đồng thuê đất, chưa xác định đơn giá thuê đất theo quy định dẫn đến ACV chưa nộp đúng, nộp đủ số tiền thuê đất trong nhiều năm, chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa.
Ô tô dừng đón khách tại các cảng hàng không phải nộp phí quá cao khiến người dân bức xúc
Theo TTCP, tại thời điểm tháng 4-2016, ACV đang quản lý, vận hành, khai thác 22 cảng hàng không với doanh thu luôn tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến 2015, ACV không tổ chức đấu thầu mà chỉ định thầu cho các tổ chức, cá nhân thuê mặt bằng nhà ga để kinh doanh. Cụ thể, trong 2 năm 2014-2015, ACV ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích hơn 120.000 m2, thu hơn 701 tỉ đồng và đều chỉ định thầu. Tình trạng này xảy ra trong nhiều năm nhưng Cảng vụ Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) buông lỏng quản lý, chưa kiểm tra, xử lý kịp thời.
Nhiều tồn tại về tài chính
Từ năm 2013-2015, ACV trích khấu hao tài sản cố định (TSCĐ) chưa đúng quy định. Sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (DN) để cổ phần hóa (tháng 7 đến 12-2014), ACV trích khấu hao nhanh TSCĐ là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, phương tiện truyền dẫn... không đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về xử lý tài chính khi cổ phần hóa DN.
Khi nhập, tách các nhóm tài sản, ACV xác định thời gian và mức khấu hao tài sản không đúng quy định, dẫn đến phản ánh chưa chính xác chi phí khấu hao tài sản và nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Từ các vi phạm trên, ACV đã tính, trích chi phí khấu hao TSCĐ không đúng vào chi phí sản xuất kinh doanh hơn 69 tỉ đồng. Một số tài sản cố định tạm tăng còn thiếu hóa đơn chứng từ nhưng ACV vẫn tính, trích khấu hao TSCĐ vào chi phí sản xuất kinh doanh với gần 881 triệu đồng. Do đó, ACV phải nộp bổ sung thuế thu nhập DN vào ngân sách số tiền hơn 15 tỉ đồng. Hiện ACV đã điều chỉnh chi phí khấu hao TSCĐ và nộp ngân sách số tiền nói trên.
TTCP khẳng định công tác quyết toán cổ phần hóa tại ACV chậm, chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hóa nên nhiều tồn tại về tài chính chưa xử lý kịp thời; việc đàm phán với cổ đông chiến lược đến thời điểm thanh tra chưa thành công. Vì vậy, mục tiêu nhà nước thoái vốn chưa đạt, trách nhiệm thuộc về ACV và Ban Chỉ đạo cổ phần hóa của Bộ GTVT.
Về tình trạng ô tô đưa đón khách vào đường dẫn nhà ga (tạm dừng dưới 3 phút) phải nộp phí cho các cảng hàng không quá cao khiến người dân bức xúc, TTCP kết luận có 21 cảng hàng không thu phí dịch vụ này sai quy định.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến 12-2015, tổng doanh thu từ thu phí ra vào của 19/21 cảng hàng không là gần 551 tỉ đồng. Việc thu không đúng quy định tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa) nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để, trách nhiệm thuộc Bộ GTVT và ACV.
Với những sai phạm nêu trên, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, ACV, UBND TP HCM, UBND tỉnh Bình Dương xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan.
Chưa nắm được thông tin
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết DN này đang tổ chức thực hiện đúng các nội dung kiến nghị tại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ có văn bản báo cáo kết quả thực hiện gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12.
Về sai phạm ở ACV mà TTCP kết luận có nguyên nhân do sự buông lỏng quản lý của Cục Hàng không Việt Nam, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết chưa nắm được thông tin. Còn sai phạm trong thu phí phí ô tô ra vào các sân bay, ông Thắng khẳng định phí này không nằm trong danh mục Bộ GTVT quản lý. T.Hà
Bình luận (0)