Những ngày giữa tháng 11-2021, khắp các vùng núi tỉnh Quảng Ngãi mưa dữ dội trút xuống khiến những con đường mòn bị xé toạc, bùn đất lầy lội. Ấy vậy mà cứ sau mỗi đợt mưa, có lực lượng luôn tiên phong vượt suối, vượt bùn lầy để đến các bản, làng vùng cao, vùng sâu. Họ chính là những giáo viên cắm bản.
Té ngã như cơm bữa
"A lô! A lô! Tôi Trang đây. Tôi đang đi bộ từ sáng đến giờ, tìm đường vượt qua suối vào điểm trường làng Tốt. Mấy ngày nay mưa lớn quá, nước suối dâng cao nên làng Tốt bị cô lập. Tôi đang tìm đường vào với các em" - giọng cô Nguyễn Thị Trang, giáo viên Trường Tiểu học Ba Lế (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), nói vọng qua điện thoại với tôi vào trưa 17-11.
Lớp học của cô giáo Đinh Thị Kem ở xóm Đèo
Nghe chúng tôi đề nghị được cùng đi vào làng Tốt, cô Trang thẳng thừng từ chối. "Các anh đi mùa này không được đâu. Đường sá lầy lội. Phải đi bộ nhiều cây số, vượt sông, suối, vào làng rồi có khi phải ở lại cả tuần. Tôi đã đi từ lúc 6 giờ sáng mà giờ vẫn chưa tới. Tôi vào đây thường phải ở lại cả tuần mới ra" - cô Trang nói.
Giáo viên vượt suối để vào điểm trường làng Tốt
Nhắc đến làng Tốt, nhiều giáo viên vùng cao ở Quảng Ngãi biết rất rõ, bởi để vào được nơi đây là không dễ dàng. Làng Tốt cách trung tâm xã Ba Lế chỉ khoảng 12 km nhưng đường vào đó thuộc hàng khó đi bậc nhất ở vùng miền núi Ba Tơ với những đoạn dốc đứng, đá lởm chởm, có đoạn phải vượt qua suối, sông… Vào được làng Tốt mùa nắng đã khó, mùa mưa càng khó hơn.
Ấy vậy mà trong suốt bao năm gắn bó với Trường Tiểu học Ba Lế, cứ đều đặn một tuần hai lần, cô Trang đều phải vào điểm trường làng Tốt. "Ngày xưa, lúc mới ra trường, tôi được phân công dạy ở điểm trường làng Tốt nên ngày nào cũng đi. Lần đầu khi mới vào làng, mất gần một buổi, tới nơi bùn đất văng lên tận đầu. Năm đầu tiên đi hỏng một chiếc xe máy. Còn giờ, mình phụ trách chung nên đi ít hơn. Nhưng vì dịch Covid-19 phải học trực tuyến, học sinh miền núi hầu hết không có máy tính hay điện thoại thông minh nên mình phải chia nhau vào làng "ship" bài tập tận tay các em, hướng dẫn các em rồi vài hôm sau quay lại. Một tuần cũng phải ba bốn lần. Mà đi mùa này thì thôi rồi, nếu không có tay lái lụa chắc không thể lên tới nơi" - cô Trang dí dỏm.
Bị ngã xe trong bùn đất khi đi giao bài tập cho học sinh ở điểm trường làng Tốt nhưng cô giáo Nguyễn Thị Trang vẫn vui vẻ tự chụp ảnh làm kỷ niệm
Hơn 10 năm công tác ở điểm trường làng Tốt, theo lời cô Trang, chuyện té ngã xảy ra như cơm bữa, nhất là trong điều kiện học trực tuyến, phải đến tận nhà từng học sinh. "Nhiều lúc chúng tôi đứng lớp với bộ áo quần đầy bùn đất, ướt sũng. Điều này là bình thường, thầy cô giáo nào công tác ở miền núi cũng gặp. Nhưng vui nhất là những lúc được phụ huynh các em ra tận đầu làng đón mình vào chỉ bài cho con. Cũng có nhiều em thấy bóng dáng cô tới là bỏ chạy mất dép. Mình phải đi tìm các em để giảng bài, rồi đợi phụ huynh về để giao bài mới. Có những ngày dạy học ở bản kéo dài từ sáng đến chiều tối chưa xong. Giáo viên vùng cao như chúng tôi luôn có suy nghĩ thà mình chịu vất vả để học sinh tiếp thu được bài, không nản, không bỏ học là được. Vì vận động học sinh ra lớp đã khó, giữ học sinh theo học còn khó hơn" - cô Trang bộc bạch.
Cố gắng vượt qua
Thầy Thới Chiến, người được phân công phụ trách ở điểm trường làng Tốt, cho biết đã công tác giảng dạy ở miền núi hơn 10 năm và nơi đây như quê hương thứ hai. Trong suốt chặng đường ấy, những khó khăn, vất vả thì không thể kể hết được. Thậm chí, nhiều lần thầy cô giáo cắm bản còn đối mặt với hiểm nguy khi vượt sông, vượt suối đến với lớp học.
"Nhưng bù lại, những giáo viên miền núi như chúng tôi được các em, cha mẹ các em quý trọng, coi như người thân trong gia đình. Đó là niềm động viên tinh thần to lớn giúp chúng tôi gắn bó, vượt qua khó khăn" - thầy Thới Chiến tâm sự.
Ông Nguyễn Mậu Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Ba Lế, cho biết điểm trường làng Tốt là một trong những nơi xa và khó đi nhất ở huyện Ba Tơ. Nhưng đối với giáo viên vùng cao, học sinh chịu học là một niềm vui to lớn. Vậy nên, khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng vượt qua để giảng dạy. Không vì khó, không vì dịch Covid-19 mà gián đoạn việc học của các em.
"Nhưng cũng phải thừa nhận những thầy, cô trẻ mới ra trường như cô Trang, thầy Thới Chiến… gắn bó cả tuổi thanh xuân với học trò miền núi. Nếu không có lòng yêu nghề, hết lòng vì học trò miền núi, nhiều người không trụ được" - ông Hải nói.
Không nỡ đi nơi khác
Chỉ cách TP Quảng Ngãi tầm 20 km nhưng chuyện dạy và học ở xóm Đèo (thôn Trung Mỹ, xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chẳng khác nào như ở vùng núi cao.
Xóm Đèo nằm biệt lập giữa những dãy núi, là điểm trường duy nhất ở huyện Nghĩa Hành mà hiện học sinh được phép học trực tiếp. Điểm trường này chỉ vỏn vẹn một phòng học với 14 học sinh người dân tộc H’re, gồm 2 nhóm lớp 1 và lớp 2 học ghép.
Cô giáo Đinh Thị Kem, đang dạy ở điểm trường này, cho hay học sinh xóm Đèo gồm nhiều độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 3, học tại điểm trường làng, còn từ lớp 4 trở lên học tại các điểm trường gần trung tâm xã hơn.
"Năm nay có lớp 1 và lớp 2. Lớp 1 có 8 học sinh, lớp 2 có 6 học sinh. Bởi vậy, tôi dạy cũng phải chia đôi tấm bảng đen, vừa dạy bên này vừa dạy bên kia. Nhiều lúc mình dạy các em lớp 1 đánh vần, quay sang dạy các em lớp 2 làm toán. Hơn 10 năm qua, năm nào cũng có 2 lớp ghép như vậy, nên tôi quen rồi" - cô giáo Kem bày tỏ.
Cô giáo Kem cũng là người dân tộc H’re. Từ nhỏ, Kem sinh sống và lớn lên ở chính vùng đồi núi xóm Đèo hẻo lánh này. Ngày trước, xóm Đèo chỉ có 16 hộ dân nên chỉ có 3-4 học sinh học cấp 1, lên THPT chỉ còn một mình Kem. Nhờ lòng ham học, không ngại khó khăn, vất vả để tiếp tục đến trường nên sau khi học xong THPT, Đinh Thị Kem theo học ngành sư phạm tại TP Quảng Ngãi. Tốt nghiệp ra trường (năm 2010), cô được phân về công tác tại chính điểm trường quê hương mình sinh ra và lớn lên.
Trong 11 năm gắn bó với điểm trường xóm Đèo, cô giáo Kem vừa dạy cho các em biết chữ, vừa giúp các em hiểu về các thói quen, tập quán của địa phương mình và kiêm luôn công việc của một bảo mẫu giữ trẻ.
"Các học sinh ở đây đều là con em người dân tộc H’re. Mà tâm lý người H’re thường ít coi trọng việc học. Nhiều phụ huynh cứ gieo vào đầu trẻ rằng đi học chẳng để làm gì, rồi họ bỏ mặc, đi làm nương rẫy từ sáng sớm. Bởi vậy, nhiều lúc tôi phải tới tận nhà vận động phụ huynh cho trẻ đến trường, rồi mang theo quần áo đến trường để thay. Đến khi học xong, tôi lại dẫn bọn trẻ về giao cho ông bà. Nhà nào không có người lớn thì tôi dẫn học trò về nhà mình ở, ăn trưa, ăn tối. Đến khi nào cha mẹ các cháu về thì giao lại" - cô Kem kể.
Thấy cô Kem vất vả, nhiều lần Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Hành Dũng tính chuyển cô về điểm trường chính dạy nhưng cô đều từ chối. Bởi theo cô, điều ý nghĩa, hạnh phúc nhất với cô chính là được dạy học tại chính quê hương mình. Nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh nên cô sẽ có điều kiện đồng hành với các em, làm chỗ dựa cho các em, giúp các em đến trường, có kiến thức.
"Với những giáo viên vùng cao như tôi, ngoài nhiệm vụ dạy cho các em chữ nghĩa, kiến thức còn có nhiệm vụ như một người cha, người mẹ của các em. Nhiều hoàn cảnh rất thương tâm, cha mẹ chia tay nên cuộc sống không biết nương tựa vào đâu. Thương nhất, có hôm đến trường, có em chưa ăn sáng, chỉ mang theo gói mì ăn liền rồi nhai sống. Thấy bọn trẻ như vậy, mình không nỡ nào đi nơi khác" - cô Kem bộc bạch.
Từ chính những đóng góp của mình, cô giáo Đinh Thị Kem vinh dự là 1 trong 63 giáo viên của cả nước được tuyên dương tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức vào tháng 11-2020. Chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của các thầy giáo, cô giáo dạy học cho con em người dân tộc thiểu số.
Mong tiếp tục gắn bó với công việc
"Được đại diện cho lực lượng giáo viên tỉnh Quảng Ngãi tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", tôi thấy rất vinh dự, ý nghĩa và thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn. Bản thân là một người dân tộc thiểu số, tâm nguyện lớn nhất của tôi là mong làm sao học sinh được đều đặn đến trường, không em nào thiếu thốn, bỏ dở việc học để phải theo cha mẹ lên rẫy, lên rừng kiếm sống. Tôi cũng mong muốn sẽ tiếp tục gắn bó công việc của mình trong nhiều năm nữa, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc học hành của con em" - cô giáo Đinh Thị Kem nói.
Bình luận (0)