Sáng 30-12, trao đổi với Báo Người Lao Động, một lãnh đạo huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) cho biết lãnh đạo huyện Phù Ninh đang giao cho Công an huyện điều tra, xác minh làm rõ hành vi cầm hung khí chặn ô tô để xin tiền.
Theo lãnh đạo này, tối ngày 29-12, Công an huyện Phù Ninh đã xác định được 9 trong 11 nam thanh thiếu niên gây ra vụ dùng hung khí để xin tiền trên, 2 đối tượng nữa vẫn đang bỏ trốn. Ngoài ra, Công an huyện cũng đã thu giữ hung khí nhóm nam thanh thiếu niên dùng để "xin tiền" và 400 ngàn đến 600 ngàn đồng đã "xin" được của các chủ phương tiện đi qua.
Nhóm thanh thiếu niên "xin" tiền của 1 xe khách - Ảnh cắt từ clip
"Các đối tượng này đã dùng dao và gậy chiếm đoạt được từ 400 đến 600 ngàn đồng. Tại cơ quan công an, bước đầu nhóm thanh thiếu niên này đã khai nhận hành vi của mình"- lãnh đạo huyện nêu rõ.
Trước đó, tối 29-12, trên một tài khoản mạng xã hội đăng tải đoạn video clip dài hơn 30 phút ghi lại hình ảnh nhóm thanh thiếu niên khoảng 10 người trẻ tuổi đứng trên đường cầm theo hung khí để chặn ô tô, "xin" tiền.
Theo hình ảnh đoạn clip được ghi lại, nhóm này cầm dao, mã tấu chặn nhiều phương tiện giao thông lại giữa đường, trong đó có một xe khách. Khi phương tiện này dừng lại, nhóm thanh thiếu niên tiếp cận ghế tài xế và hét lớn "xin" tiền, số khác cầm dao đi lòng vòng.
Đáng chú ý, nhóm này hò hét thách thức cộng đồng mạng báo công an và liên tục chửi thề.
Được biết, sự việc xảy ra tại địa bàn xã Phù Ninh thuộc huyện Phù Ninh
Về việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định hành vi của các đối tượng trong clip đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ và gây mất trật tự trị an trên địa bàn, gây hoang mang, lo sợ cho những người tham gia giao thông nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Xét hành vi của nhóm thanh thiếu niên đã phạm 2 tội là tội cướp tài sản theo Điều 133 và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Các đối tượng đã sử dụng hung khí nguy hiểm là vũ khí thô sơ, đe dọa các tài xế nhằm mục đích "xin tiền" và các tài xế đã sợ hãi buộc phải đưa tiền cho các đối tượng. Dù là mục đích đùa vui hay động cơ gì khác nhưng thực tế đã chiếm đoạt tiền của nhiều người nên hành vi đó có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản theo điểm đ khoản 2 Điều 133 BLHS năm 1999. Các bị hại cần có đơn trình báo đến cơ quan công an về số tiền bị chiếm đoạt để làm căn cứ xử lý các đối tượng.
Trong trường hợp chưa làm rõ được các bị hại hoặc lý do nào đó mà các bị hại không trình báo thì các cơ quan pháp luật vẫn có thể xử lý các đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng theo điểm a khoản 2 Điều 245 BLHS (mức hình phạt 2-7 năm).
Điều 133. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;
Bình luận (0)