Trước tình trạng vi phạm trật tự tràn lan, kéo dài trên địa bàn, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trong 2 năm 2015, 2016.
Vi phạm tràn lan, kéo dài
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr (ngày 18-2-2020) đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, TP còn 37 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ các năm 2015 và 2016 thuộc địa bàn 15 quận, huyện. Trong đó, quận Hoàn Kiếm đứng đầu với 8 trường hợp tồn đọng, Hai Bà Trưng (6), Thanh Xuân (5), Ba Đình và Thanh Trì (3)…
Thanh tra sở này cho hay trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỉ lệ hơn 3%), giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh tra Sở Xây dựng ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 5 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi gần 13,5 tỉ đồng.
Hàng loạt công trình vi phạm qua nhiều năm vẫn không được xử lý triệt để gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điển hình là dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình), khi chủ đầu tư xây xong phần thô thì bị phát hiện sai phạm so với giấy phép xây dựng. Nhiều lần lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo phải xử lý dứt điểm. Tháng 11-2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1. Sau đó, chính quyền quận cũng như chính quyền Hà Nội đã có nhiều động thái thúc đẩy quá trình xử lý vi phạm nhưng đến nay, việc phá dỡ phần sai phạm vẫn "giẫm chân tại chỗ".
Công trình 8B Lê Trực (Hà Nội) qua nhiều năm vẫn không xử lý triệt để
Nếu không quyết liệt sẽ còn phức tạp
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng trên địa bàn thủ đô vẫn tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép, ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền như công trình 8B Lê Trực và tòa nhà HH Linh Đàm.
Theo luật sư Tiền, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm và biện pháp xử lý trong vi phạm trật tự xây dựng nhưng thật sự chưa tạo ra bước đột phá để mang lại hiệu quả. Các nhà chức trách phải thay đổi tư duy trong việc quy định trách nhiệm cụ thể của chủ tịch UBND các cấp trong phạm vi quản lý xây dựng, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức Đảng trong việc đề bạt, bổ nhiệm, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ vi phạm. Cần có văn hóa từ chức để nêu gương, giữ niềm tin. Ngoài ra, quan điểm về giải quyết sai phạm phải thực sự nhất quán, sai đến đâu xử lý triệt để đến đó, không nể nang bất kỳ công trình vi phạm nào bởi lẽ thiệt hại do công trình bị phá bỏ không thể so sánh được với những hệ lụy ảnh hưởng đến kỷ cương phép nước, hình ảnh đất nước và niềm tin của người dân.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vấn đề quản lý trật tự xây dựng trong nhiều năm qua tại các địa phương, đặc biệt là các đô thị lớn như: Hà Nội, TP HCM… còn nhiều bất cập. Nhiều công trình ngang nhiên xây dựng không có giấy phép, khi bị phát hiện thì chính quyền địa phương mới vào cuộc xử lý. Rõ ràng chúng ta phải đặt ra câu hỏi về việc minh bạch, có sự "bao che", "tiếp tay" của các cấp chính quyền nào đó trong việc cho phép các công trình này được xây dựng, tồn tại.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng việc xử lý các vi phạm trật tự xây dựng ở các địa phương không quyết liệt dẫn đến các cá nhân, doanh nghiệp "nhờn luật. Ngoài ra, số vụ xử lý các cán bộ vi phạm, người đứng đầu ở các địa phương thời gian qua rất ít so với những vi phạm.
"Muốn lập lại trật tự, kỷ cương về quản lý trật tự xây dựng, chính quyền địa phương, các cấp lãnh đạo phải kiên quyết xử lý dứt điểm, không nhượng bộ cho các vi phạm, bất kể sai phạm nào. Nếu không làm quyết liệt, tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở các địa phương sẽ còn phức tạp, bất cập hơn nữa, càng gây bức xúc trong dư luận" - ông Phạm Văn Hòa bày tỏ.
Hoàn thiện thể chế
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà mới đây cũng khẳng định còn nhiều vướng mắc trong xây dựng, song cần được giải quyết bằng việc hoàn thiện thể chế, kết hợp với việc tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời với các cấp liên quan đến trật tự xây dựng, thanh tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Việc xử lý các sai phạm trong xây dựng còn chịu sự điều chỉnh của một số luật khác như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng đất đai… Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định thí điểm thành lập tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc quận, huyện một số địa phương để nâng cao hiệu quả xây dựng.
Bình luận (0)