5 dự án đường sắt đô thị hiện đã đội vốn tổng cộng hơn 81.000 tỉ đồng, có dự án đội vốn tới 300%, có dự án kéo dài 11 năm chưa vận hành được, các bộ - ngành hữu quan giải thích theo kiểu "ấm ớ hội tề", là do "chưa lường hết được", là vì "không tính toán hết các tác động khách quan".
Ví như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), vào năm 2008 dự toán tổng vốn cho 13,05 km đường sắt là 552,86 triệu USD, đến năm 2016 điều chỉnh tăng lên 868,04 triệu USD, chủ yếu là vốn vay ODA của Trung Quốc. Vì nắm quyền cho vay ODA nên họ chỉ định tổng thầu theo hợp đồng EPC, bao sân công nghệ lẫn nhân lực, kết cục là sau 11 năm vẫn chưa chạy được, cho dù khối lượng công trình chỉ còn 1% nữa là hoàn tất. Mà trong 1% đó, yếu tố hết sức quan trọng là độ an toàn chưa được bảo đảm thì chẳng biết khi nào lăn bánh. Quá trễ tiến độ, chưa ai chịu trách nhiệm; đội vốn quá "khủng", chưa ai chịu trách nhiệm. Thật khó tin!
Năm ngoái, dự án nạo vét sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) làm dậy sóng nghị trường khi báo cáo kiểm toán được công bố, theo đó vốn đầu tư từ 72 tỉ đồng tăng lên 2.600 tỉ đồng. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ví von tỉ lệ tăng đáng kinh ngạc tới 36 lần này là một thứ "bột nở" hiếm có trên thế giới. Dù đại diện tỉnh Ninh Bình cố giải thích nhưng ai cũng xem đây là trường hợp tăng vốn ngoài sức tưởng tượng.
Những trường hợp đội vốn "khủng" như kể trên là không ít, hầu hết không bị thanh tra, điều tra để làm rõ nguyên nhân và truy trách nhiệm. Chủ đầu tư, địa phương và bộ - ngành hữu quan thường giải trình qua quýt khi có dư luận, theo kiểu "nín thở qua sông", rồi đâu lại vào đó, tiếp tục được thông qua, được giải ngân. Cũng khó mà dừng dự án một khi đã bị vô thế phóng lao thì phải theo lao. Rốt cuộc là chi phí tăng mãi nhưng hiệu quả thì mơ hồ. Mặc kệ, cha chung không ai khóc!
Thực tế đó lý giải vì sao nạn thất thoát trong đầu tư công không được kìm hãm dù năm nào cũng hô hào; nợ công gia tăng gây áp lực lên việc thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Bộ nào, ngành nào, địa phương nào cũng "tranh thủ" bầu sữa ngân sách thì nguy cơ thâm thủng công khố là khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy bức tranh ngân sách đã bị thủng lỗ chỗ rồi.
Làm sao ngăn chặn? Phải xác định bản chất của tăng vốn là lãng phí. Mà lãng phí là "anh em sinh đôi" của tham nhũng. Trước nay, trên mặt trận chống tiêu cực, chúng ta tập trung đánh tham nhũng, tham ô, xem đó là "quốc nạn" và dường như chưa đánh giá hết tầm mức nguy hại của lãng phí nên chưa kiên quyết phòng chống.
Từ tháng 3-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 398/QĐ-TTg về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ cần bám sát, làm đúng theo quyết định này thôi là tình trạng lãng phí sẽ thuyên giảm. Nhưng rất tiếc, thực tế không như mong đợi. Khi nào còn rào trói trách nhiệm theo kiểu "công của tôi, tội của chúng ta" thì tình trạng đội vốn dự án đầu tư công sẽ mãi kéo dài.
Bình luận (0)