xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhức nhối giáo dục đầu năm học

NHÓM PHÓNG VIÊN

Chuyện cô giáo tự tử suýt chết nghi do uất ức vì bị chuyển trường ở Hải Phòng đã tô thêm một mảng xám vào bức tranh giáo dục trước thềm năm học mới đang ngổn ngang bao vấn đề nóng bỏng

Nữ giáo viên (GV) ấy tên là T.T.Th (41 tuổi; trú xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng), đã có gần một nửa tuổi đời gắn bó với nghề dạy học, dạy ở Trường THCS An Đồng đã lâu, nhiều năm đạt danh hiệu GV giỏi - lao động tiên tiến. Đến chiều 11-9, cô giáo Th. đã qua cơn nguy kịch.

Điều chuyển bất chấp hoàn cảnh

Năm ngoái, nghe phong thanh sẽ có 5 GV của Trường THCS An Đồng bị chuyển sang trường khác, cô Th. không nghĩ mình thuộc diện bị điều chuyển bởi hoàn cảnh của cô hoàn toàn có thể được xét ưu tiên: chồng là cảnh sát biển luôn công tác xa nhà, bản thân cô là con thương binh, lại phải nuôi 3 con nhỏ.

Thế nhưng, cô Th. vẫn bị xếp vào diện phải điều chuyển. Cô trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng xin ở lại, trường khuyên cô làm đơn gửi UBND huyện An Dương. Thật sốc khi ngày nộp đơn cũng là ngày cô nhận quyết định về dạy ở Trường THCS Quốc Tuấn cách đó hơn 10 km. Cô nộp đơn khiếu nại lên huyện.

Bao nhiêu lần chạy đôn chạy đáo nhờ xem xét lại mà không được giải quyết, tiếng kêu cứu của cô Th. rơi vào hư không. Tuyệt vọng, cô tìm đến cái chết bằng vốc thuốc ngủ. Cũng may, nữ GV này được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cấp cứu kịp thời.

Ngày 11-9, trả lời một số phóng viên các báo sau khi tỉnh lại, cô T.T.Th trải lòng rằng cô tự tử vì lý do bị điều chuyển vô lý chứ không vì nguyên nhân nào khác. Trong khi đó, cơ quan chức năng địa phương tái khẳng định việc điều động GV - trong đó có cô Th. - là khách quan, minh bạch, dân chủ và đúng quy định. Hiện chưa thể bố trí cô Th. trở lại dạy ở Trường THCS An Đồng!

Những tuần qua, Báo Người Lao Động nhận được nhiều đơn kêu cứu của GV tại nhiều tỉnh - thành, trong đó có khiếu nại, tố cáo quyết định "thiếu công bằng" của các giám đốc sở giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Trong số này có đơn thư của các GV ở tỉnh Quảng Nam, cho rằng họ bị điều chuyển "vô lối".

Nhức nhối giáo dục đầu năm học - Ảnh 1.

Cô giáo T.T.Th được điều trị tại bệnh viện sau khi uống thuốc ngủ định tự tử Ảnh: KIM NGA

Trong số đó, chúng tôi ghi nhận có hoàn cảnh khá đặc biệt là một nữ GV ở huyện Duy Xuyên. Cô giáo này đã hơn 10 năm dạy học ở một trường THPT của huyện, đạt nhiều thành tích tốt trong giảng dạy. Đặc biệt, chồng cô là bộ đội, đóng quân ở các vùng xa xôi, quanh năm công tác xa nhà; bố chồng là thương bệnh binh, bị nhiễm chất độc hóa học và đang bị tai biến nằm một chỗ. Bản thân cô giáo này vừa chăm bố chồng vừa nuôi con dại.

Đầu tháng 8-2017, chồng cô nhận quyết định của Quân khu 5 lên công tác 2 năm ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, sau đó ít ngày thì cô cũng nhận quyết định về dạy tại một trường THPT mới khánh thành ở khu Đông của huyện, cách nhà gần 10 km. Cô nói bản thân không ngại khó, ngại khổ; chỉ vì lúc này gia cảnh quá éo le nên chỉ xin chuyển nơi dạy vào thời điểm hợp lý.

Với hoàn cảnh đặc biệt như thế, nữ GV này hoàn toàn có thể được xét ưu tiên; và cũng bởi ở trường cũ nơi cô dạy học còn có 5 GV khác cùng bộ môn. Thế nhưng, đơn thư nhờ cứu xét của cô giáo này vẫn không được Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đoái hoài. Người có trách nhiệm ở sở nói rằng việc điều chuyển là "đúng quy định"!

"Đúng quy định" mà sao có khá nhiều trường hợp bức xúc như vậy? Chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ đến Thanh tra Bộ GD-ĐT, đề nghị làm rõ.

Đoạn trường… biên chế

Để có một suất vào dạy hợp đồng dù lương ba cọc ba đồng, nhiều GV phải tốn hàng chục, hàng trăm triệu đồng để "chạy". Thậm chí, có trường hợp chi hơn trăm triệu đồng mà vẫn không thể chen chân vào biên chế, sau đó mất luôn tiền.

Cô H.T.N (một GV vừa bị chấm dứt hợp đồng) kể: "Năm 2006, tôi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Lấy bằng, tôi nộp hồ sơ xin việc ở quê nhà Nghệ An nhưng chờ mãi không xin được. Năm 2008, người nhà của tôi công tác ở tỉnh Đắk Lắk bảo đưa hồ sơ vào đây xin việc. Tôi đành chấp nhận xa nhà, vào vùng đất mới, mong có công việc ổn định. Khoảng một tháng sau, tôi được ký hợp đồng ngắn hạn làm GV âm nhạc cho một trường tiểu học ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. Sáu tháng sau, tôi được ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế. Trong thời gian này, tôi được hưởng lương, trợ cấp, chế độ ưu đãi như một GV biên chế...".

Nghĩ rằng mình sẽ được giảng dạy ổn định ở đây nên cô N. vừa dạy vừa đăng ký học và tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hệ vừa học vừa làm. Đến tháng 4-2016, cô thi viên chức và đến tháng 9 cùng năm thì có kết quả rớt, không vào được biên chế. Từ đó, cô bị cắt hết các khoản phụ cấp, chỉ được trả tiền đứng tiết. Tưởng số tiền đứng lớp dù ít ỏi nhưng cũng giúp trang trải phần nào thì đến tháng 1-2017, nhà trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng với cô N. sau 9 năm.

"Để được nhận vào dạy hợp đồng ngắn hạn và "chạy" vào biên chế, tôi đã tốn hơn 100 triệu đồng. Giờ thì thất nghiệp, tiền cũng không lấy lại được vì những người "chạy" việc cho mình người thì bị ung thư qua đời, người thì bị rớt chức" - cô N. ấm ức.

Hiện N. dựng một quán nhỏ ven đường để bán bắp luộc và nước giải khát kiếm tiền ăn hằng ngày, nuôi mộng thi vào biên chế cho bằng được bởi đã có "hơn 5 năm đi học, gần 10 năm theo nghề mà bỏ thì tiếc lắm"!

Đổi tình lấy… chỗ dạy

Cuối tháng 8-2017, dư luận xôn xao về một trường hợp "đổi tình lấy biên chế" ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Tốt nghiệp cử nhân giáo dục tiểu học tại Trường ĐH Tây Nguyên từ năm 2007, đến tháng 3-2013, cô V.T.T.T được nhận vào dạy hợp đồng 1 năm tại một trường ở địa phương. Ông H., phó hiệu trưởng, dụ cô T. đi nhà nghỉ và hứa sẽ xin cho cô vào biên chế. Cô T. đồng ý và trong những lần như vậy, ông H. quay clip, chụp hình cảnh ái ân.

Mâu thuẫn nảy sinh từ năm 2013, cô T. đòi chia tay; đến năm 2015-2016 thì ông H. tung mấy clip, hình ảnh lên mạng để khống chế cô T., đồng thời tìm cách ngăn cô vào biên chế. Chồng cô T. làm đơn tố cáo ông H.

Hiện UBND huyện Buôn Đôn đã giao thanh tra huyện xác minh. "Nếu phát hiện yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật chứ không phải xử lý hành chính với ông H." - ông Nguyễn Như Bút, Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, nói với phóng viên Báo Người Lao Động.

Kỳ tới: Giáo viên bị lừa, bị trù dập

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo