xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhức nhối nạn bạo lực trẻ em, người già

NHÓM PHÓNG VIÊN

Để xảy ra tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em và người già, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận 407 ca đề nghị hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, 195 ca liên quan đến bạo lực (chiếm 47,91%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 24 ca), 109 ca xâm hại tình dục (chiếm 26,78%, giảm 38 ca so với cùng kỳ năm 2019), 27 ca bị bóc lột, 16 ca bị mua bán...

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Một trong những vụ gây chấn động dư luận là trường hợp 5 đứa trẻ bị chính mẹ ruột và cậu đánh đập, bắt đi xin ăn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thậm chí, người cậu đã xâm hại tình dục 2 người cháu khác là con của chị mình. Hai kẻ bất nhân là Đào Thị Gái (38 tuổi, là mẹ của các nạn nhân) và Đào Văn Bé (24 tuổi) đã bị bắt để điều tra. Vấn đề đặt ra là tại sao vụ việc xảy ra trong thời gian dài và công khai nhưng không cơ quan nào xác minh, xử lý.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trước khi xảy ra vụ việc, sở đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các đối tượng là trẻ em đang hành nghề ăn xin trên địa bàn. Do gia đình đối tượng Gái di chuyển nhiều nơi nên việc kiểm soát khó khăn.

Bình luận về vụ việc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhìn nhận pháp luật hiện hành còn khoảng trống, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi bóc lột, bắt trẻ đi xin ăn. "Những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe" - ông Nam nói.

Còn liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho biết hiện nay chủ yếu chỉ giám định về thương tích trên cơ thể, còn gây tổn hại về tinh thần thì các tiêu chí giám định và các cơ sở có chức năng giám định rất ít, cũng như chưa có một hệ thống thang bảng để xử lý. Vì vậy, khó tăng nặng chế tài đối với hành vi xâm hại trẻ em.

Nhức nhối nạn bạo lực trẻ em, người già - Ảnh 1.

Ðào Thị Gái

Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng để tình trạng chăn dắt trẻ em xảy ra thường xuyên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở. "Luật Trẻ em quy định chủ tịch UBND các cấp là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em ban hành tháng 5-2020, người đứng đầu địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương phải chịu trách nhiệm về vấn đề này" - ông Nam dẫn chứng.

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, thì cho rằng việc phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em không thể giao phó, trông chờ vào trách nhiệm và nỗ lực của một vài bộ, ngành mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình, nhà trường và mỗi người dân. "Chúng ta có rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức làm việc chăm sóc trẻ em nhưng hình như vẫn còn rời rạc. Chung tay là tất cả mọi cơ quan, cả cộng đồng xã hội phải chăm lo cho các em. Chăm lo từ việc hoàn thành thể chế, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật" - ông Dung nhấn mạnh.

Nhức nhối nạn bạo lực trẻ em, người già - Ảnh 2.

Ðào Văn Bé - hai kẻ bất nhân đã đánh đập, ép con cháu mình đi xin ăn. Ảnh: NGỌC GIANG

Gia đình không hẳn an toàn với người già

Không chỉ trẻ em bị xâm hại, tình trạng người già bị chính con cái bạo hành cũng xảy ra thường xuyên. Chiều 8-9, đại tá Phạm Thanh Tâm, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, xác nhận đã khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi) về hành vi ngược đãi mẹ ruột là bà N.T.Đ (đã qua đời vào ngày 2-9). Do bức xúc mẹ không để lại tài sản gì nhưng khi già thì mình phải nuôi dưỡng, bà Hoa đã nhiều lần đánh đập, chửi mắng mẹ. Một trong những lần đó đã bị ghi hình, được tung lên mạng xã hội.

Một vụ việc tương tự cũng xảy ra ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nạn nhân là bà N.T.L (đã qua đời) và người con bất hiếu là bà Dương Thị Ngọc Mai (55 tuổi). Bà Mai cũng đã bị đề nghị truy tố về tội "Ngược đãi người khác". Trong khi đó, đôi vợ chồng Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) và Phạm Thị Loan (57 tuổi) ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang vừa bị phạt lần lượt 3 năm tù và 2 năm tù do đã hành hạ, ngược đãi mẹ.

Theo đại tá Nguyễn Trường Viễn - Trưởng Công an huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang - những vụ việc ngược đãi người già yếu như trên thường các ngành chức năng cũng như đoàn thể ở địa phương ít nắm được mà chủ yếu do người dân tố giác thông qua mạng xã hội nên việc xử lý có phần chậm trễ. Còn theo một điều tra viên, đa số các vụ ngược đãi người thân xảy ra ở vùng nông thôn, dân cư thưa thớt nên rất khó phát hiện.

Để hạn chế tối đa những vụ ngược đãi người già, đại tá Viễn cho rằng chính quyền địa phương cùng các đoàn thể cần rà soát số lượng người lớn tuổi cần có sự chăm sóc của con, cháu, thông qua đó phát hiện những trường hợp có nguy cơ xảy ra ngược đãi và đề xuất cấp thẩm quyền có biện pháp can thiệp kịp thời. "Dù loại tội phạm này thuộc dạng ít nghiêm trọng với khung hình phạt chỉ khoảng 3 năm tù giam nhưng hậu quả để lại cho xã hội là rất lớn vì nó làm băng hoại thuần phong mỹ tục cũng như giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hiếu kính cha mẹ" - đại tá Viễn nhận định. 

Đề xuất mô hình Một điểm dừng

Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, đầu năm 2020, khi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội, bà đã đề xuất thí điểm mô hình Một điểm dừng với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ðây là mô hình có nhiều điểm hay mà Hàn Quốc và nhiều quốc gia tiên tiến đã thực hiện.

Theo mô hình này, trẻ em bị bạo hành, xâm hại chỉ cần đến một địa điểm được tổ chức là đầu mối để thực hiện các khâu của quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý. "Khi trẻ bị bạo hành, bị xâm hại thì trẻ đã bị tổn thương tột độ. Nhưng theo quy trình hiện nay, trẻ phải trải qua sự xác minh của nhiều cơ quan nên khi bị hỏi tới hỏi lui, trẻ lại thêm một lần tổn thương. Ở mô hình Một điểm dừng, các cơ quan chức năng chỉ cần ngồi lại với trẻ để lấy lời khai, ghi hình, ghi âm phục vụ công tác củng cố hồ sơ. Như vậy, vừa bảo đảm tính khách quan mà lại giúp trẻ đỡ bị tổn thương" - luật sư Ngọc Nữ kiến nghị.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo