Quốc bảo Sâm Ngọc Linh còn được mệnh danh là báu vật của đại ngàn chỉ có duy nhất ở vùng núi Ngọc Linh. Là giống sâm giá trị cao nên người trồng không chỉ canh những người nhăm nhe trộm cắp mà còn phải phải luôn túc trực để bảo vệ sâm trước loài chuột "quý tộc".
Đau đầu nghĩ cách bắt "sâm tặc"
Sâm Ngọc Linh tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên tại tỉnh Kon Tum từ nhiều năm qua, người dân và 2 doanh nghiệp đã trồng được hàng ngàn ha sâm Ngọc Linh dưới tán rừng trên núi Ngọc Linh.
Các công nhân tìm đường chuột đi rồi đặt bẫy
Ông A Chung (40 tuổi, làng Đắk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) là tổ trưởng của nhóm công nhân 72 người chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc vườn sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Để bảo vệ vườn sâm được tốt, kịp thời, các công nhân làm lán trại dưới những tán rừng để ở. Từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, sâm Ngọc Linh bắt đầu trổ bông, kết hạt thì 100% quân số thay nhau túc trực, ngăn không cho loài chuột tới ăn hạt sâm.
Trước đây, khi thấy những cây sâm bỗng dưng héo úa và chết, những cây ra hạt đã đỏ mọng thì hạt không cánh mà bay, nhiều người không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau nhiều lần tuần tra, các công nhân phát hiện thủ phạt chính là những chú chuột. Cây sâm quý, người chưa dám ăn, có tiền chưa chắc đã mua được mà loài chuột chuyên rình trộm để hưởng thụ nên các công nhân gọi bằng cái tên mỹ miều là "chuột quý tộc".
Vào mùa sâm kết hạt, các công nhân túc trực 24/24 để canh loài chuột ăn trộm sâm
Anh A Ngôm (làng Đắk Dơn) bảo rằng thấy chuột ăn sâm mà tiếc đứt ruột, nhiều đêm trằn trọc không ngủ để tìm ra cách bắt, ngăn không cho chuột ăn sâm. Sau nhiều ngày quan sát, các công nhân mới phát hiện cùng là chuột ăn sâm nhưng lại có 3 loài: Loài nhỏ nhất chỉ bằng ngón tay cái, mũi nhọn chuyên đào sâu xuống mặt đất để ăn mầm sâm. Loài chuột xám to hơn một chút bằng ngón chân cái và loài chuột lông đỏ to bằng chuôi dao thì chuyên ăn hạt sâm.
Tuỳ vào đặc tính từng loài chuột, mà các công nhân có cách thức đặt bẫy khác nhau
Biết đặc tính từng loài, tìm luồng chuột đi, các công nhân làm các loại bẫy để bắt chuột. Các loại bẫy thường dùng như bẫy ống để bắt chuột nhỏ chuyên ăn mầm sâm. Loài chuột xám và chuột lông đỏ chuyên trèo lên ngọn để ăn hoa sâm thì dùng bẫy kẹp, keo dính chuột. "Khó bẫy nhất là loài chuột chũi chuyên ăn mầm sâm vì loài này nhỏ, khó phát hiện ra dấu vết khi chúng di chuyển. Riêng loài chuột xám, chuột lông đỏ có nhiều con rất tinh khôn, nhiều lần không sập bẫy thì phải nghĩ cách cải tiến bẫy hoặc dùng túi nhựa để bảo vệ hạt" – anh A Ngôm kể và cho biết cao điểm có ngày bắt được tới 40 con chuột, cả mùa khoảng 300-400 con. Ngoài ra, loài chim trĩ chuyên ăn hạt sâm cũng được các công nhân đặt bẫy để ngăn chặn.
Đổi đời nhờ sâm
Theo ông A Chung, các tổ viên ngày thường có thể thay nhau về nhà, bình quân mỗi người được 4 ngày/tháng. Tuy nhiên khi vào vụ thì thay nhau trực, ở cả tháng tại vườn không về nhà, trừ khi ốm đau hoặc gia đình có việc gấp. Nếu không túc trực liên tục, với giá khoảng 270 ngàn đồng/hạt sâm như hiện nay thì chuột chỉ ăn hạt trên một cây sâm là đã mất vài triệu đồng.
Chuột sập bẫy được mang về hun khói làm món đặc sản
Chuột sau khi bẫy được, các công nhân mang về hun khói trên gác bếp cho khô dần, trở thành món đặc sản và chỉ dùng chế biến thành món ăn khi vào các dịp lễ lớn hoặc dùng đãi khách quý.
Chuột ăn sâm thành món đặc sản, được chế biến thành các món ăn vào dịp lễ lớn hoặc có khách quý
Đa phần những công nhân đều làm việc cho Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum từ năm 2014, với công việc chủ yếu là chăm sóc, bảo vệ nguồn giống sâm. Ngoài được trả lương, mỗi năm các công nhân còn được công ty cấp cho mỗi người 100 gốc sâm để trồng, phát triển kinh tế. "Số sâm này bà con trồng chung trong một khu vườn bí mật và cắt cử người trông coi. Giờ ai hỏi trồng ở đâu, cả xã này cũng không ai nói đâu" – ông Chung cười hề hà.
Với ông Chung, mức lương được nhận là 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, gia đình đã đỡ vất vả. "Trước đây thu từ mì, lúa cả năm không đủ ăn, nuôi con đi học chứ đừng nói là có dư. Nhưng giờ đỡ rồi, làm công nhân chúng tôi vừa có thể lo cho gia đình, trồng thêm sâm nữa nên cuộc sống dần khá lên từng ngày" – ông Chung nói.
Ngoài tiền lương, công nhân được cấp 100 cây sâm giống mỗi năm để phát triển kinh tế
Ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết cây sâm đã đổi thay người dân vùng núi Ngọc Linh rất nhiều. Số lượng hộ nghèo đã giảm đáng kể từ khi cây sâm phát triển. Nhiều hộ nhờ trồng sâm đã xây được nhà, mua được cả ô tô.
Bình luận (0)