xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những cú bắt tay bạc tỉ

NGỌC ÁNH

Với lợi thế là trung tâm khoa học công nghệ, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, TP HCM đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật và mô hình, giúp người dân, doanh nghiệp ĐBSCL làm giàu

Không chỉ khối nhà nước hay doanh nghiệp (DN), nhiều cá nhân ở ĐBSCL cũng rất chủ động trong việc tìm kiếm, kết nối với các nhà khoa học, đơn vị công nghệ để có mô hình nông nghiệp công nghệ cao phù hợp triển khai trong thực tế.

Từ "cậy nhờ" đến hợp tác

Anh Nguyễn Thành Phước, chủ Nông Trại Xanh (Botanic Farm - phường 7, TP Tân An, tỉnh Long An), đang sở hữu một vườn rau độc đáo tại địa phương.

Rau anh Phước trồng chủ lực là các loại xà lách như: Romaine, Butterfly, Carol… tưởng chừng chỉ sinh trưởng tốt ở xứ lạnh nhưng lại đang thích nghi rất tốt tại vùng nhiệt đới Long An nhờ công nghệ trồng thủy canh tự động, năng suất mỗi tháng có thể đạt 3,5 tấn/1.000 m2.

Những cú bắt tay bạc tỉ - Ảnh 1.
Những cú bắt tay bạc tỉ - Ảnh 2.

Chuyển giao quy trình nuôi cấy mô tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM. ( Ảnh do trung tâm cung cấp)

Mỗi cây xà lách trồng tại đây có kích cỡ lớn, từ 200-250 g, tươi tốt và bảo đảm an toàn khi quá trình canh tác không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các chế phẩm kích thích tăng trưởng. Ai đến đây cũng ngỡ ngàng bởi vườn rau xanh tốt, sạch sẽ và không gian rất trong lành.

Theo anh Phước, giữa năm ngoái, anh có 5.000 m2 đất nhưng chỉ mới sử dụng 1.000 m2 để trồng nấm với 2 nhân viên nên có nhu cầu tìm thêm mô hình nông nghiệp công nghệ cao để đầu tư. Sau khi tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, anh tìm được HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc (phường Long Trường, TP Thủ Đức, TP HCM.

Tuấn Ngọc là HTX điểm về nông nghiệp công nghệ cao của TP HCM, do ông Lâm Ngọc Tuấn - một người nổi tiếng trong giới công nghệ thông tin, tự động hóa - làm giám đốc. HTX này có mô hình ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) có thể điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm… tự động để chăm sóc rau trên hệ thống thủy canh.

Hai bên nhanh chóng "bắt được sóng" nhau và thực hiện Botanic Farm theo mô hình của trang trại HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc. Đến cuối năm 2022, khi Botanic Farm đã có thể tự vận hành thì 2 bên chuyển sang hợp tác kinh doanh, hỗ trợ tiêu thụ vì sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng tương đồng.

Anh Phước cho hay đã đầu tư 2 tỉ đồng vào Botanic Farm, bao gồm khu vực lọc nước, nhà kho, sơ chế, đóng gói rau và dự kiến sẽ thu hồi vốn sau 28 - 36 tháng. Khi chi 2 tỉ đồng để trồng rau, anh nghĩ đây là xu thế khi thị trường và cả bản thân đang cần rau sạch.

"Đã có hướng đi thì cứ như vậy mà thực hiện, bắt tay vào làm, nếu phát hiện thiếu thì thêm, sai thì sửa. Thị trường cho dòng rau thủy canh này đang được mở rộng ở khu vực xung quanh Botanic Farm, thậm chí đưa lên TP HCM tiêu thụ do khoảng cách không xa" - anh Phước tự tin.

Ông Lâm Ngọc Tuấn cho biết đang phát triển vườn rau vệ tinh ở các tỉnh, trong đó nhiều nhất là ĐBSCL, khi TP HCM ngày càng khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng cũng như gặp vướng về thủ tục xây dựng nhà kính và các công trình phụ trợ. Sau khi ứng dụng AI vào quản lý, giám sát cây trồng, HTX Nông nghiệp Tuấn Ngọc đang nghiên cứu, phát triển thêm các loại cây khác có thể trồng trên hệ thống thủy canh, như: súp lơ vùng nóng, dưa leo baby, cà chua cheery, ớt ngọt Palermo… để đa dạng sản phẩm, tăng thu nhập cho vườn.

Nhiều mô hình hấp dẫn

Theo ThS Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (AHTP, thuộc UBND TP HCM) - người có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chuyển giao các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra thực hiện đại trà, nhu cầu của các địa phương trong mảng này hiện rất lớn.

"Không chỉ các tổ chức nhà nước mà DN, cá nhân, hộ gia đình cũng rất quan tâm. Họ tìm đến chúng tôi để tìm kiếm mô hình phù hợp ứng dụng vào thực tiễn. Chúng tôi cũng có nhiều mô hình mẫu với những tiêu chí cụ thể để các cá nhân, tổ chức tùy theo điều kiện, khả năng của mình chọn sao cho phù hợp. Họ có thể lựa chọn các mô hình hiệu quả cao như: trồng rau ăn lá thủy canh, trồng dưa lưới, trồng cà chua bi…, tương tự khi tham gia cà phê nhượng quyền" - ông Nguyễn Thanh Hiền so sánh.

Thông thường, những người lúc đầu tìm đến AHTP sẽ chọn quy mô nhỏ để làm thử nghiệm. Nếu thành công, họ sẽ mở rộng, thậm chí liên kết bên ngoài để tăng quy mô.

Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV HG Farm Công nghệ cao (Hậu Giang) nhận chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng vào năm 2019 trên diện tích 1.000 m2, đạt năng suất 1,5-2 tấn/1.000 m2. Rau trồng theo mô hình này được kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào, không cần đầu tư giá thể. Rau sinh trưởng và phát triển nhờ dinh dưỡng hòa tan trong nước. Rau được bảo vệ nên ít bị sâu hại tấn công, do đó hạn chế được các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Sản phẩm rau an toàn phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nên được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm, HG Farm có thể trồng 8-10 vụ, với 1.000 m2 thì lợi nhuận 9-12 triệu đồng/vụ - khoảng 72-120 triệu đồng/năm. Năm 2022, công ty đã mở rộng diện tích canh tác lên 3.000 m2, cho thấy tính hiệu quả của mô hình này.

Năm 2018, Công ty CP Đầu tư - Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Long An cũng nhận chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với các giống Taki, Takeda, Taka, AB, Seaweet, Kim hoàng hậu, Hoàng kim… trên diện tích 1.000 m2. Với năng suất 3-3,5 tấn/1.000 m2 tùy giống, mỗi năm vườn trồng 3-4 vụ, lợi nhuận 20-30 triệu đồng/vụ - tăng 1,5-2 lần so với phương pháp truyền thống.

Sau đó, Công ty CP Đầu tư - Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Long An đã mở rộng lên 5.000 m2 trồng dưa lưới áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao. Công ty còn trồng thêm 300 m2 rau ăn lá thủy canh hoàn lưu trong nhà màng để tăng lợi nhuận.

Trong khi đó, nông dân lại nhận chuyển giao công nghệ theo cách khác. Chẳng hạn, hộ ông Trương Tuấn Anh (vườn hoa lan Thùy Anh ở xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) nhận chuyển giao quy trình nhân giống lan rừng giả hạc Dendrobium anosmum bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật, nuôi cây ở điều kiện ánh sáng tự nhiên để cung cấp giống cấy mô ra thị trường.

Với phương pháp này, chất lượng cây giống tốt, độ đồng đều và tỉ lệ sống cao, dễ chăm sóc. Nhờ giá cả cạnh tranh so với cây nhập khẩu nên với quy mô 50.000 cây giống/năm, nhà vườn này lãi được 100 triệu đồng.

Theo ThS Nguyễn Thanh Hiền, khó khăn lớn nhất của nông nghiệp công nghệ cao là cần nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và đầu ra cho sản phẩm. "Dù vậy, nhiều DN hiện nay rất năng động trong việc quảng bá, marketing, làm thương hiệu nên sẽ giải quyết được vấn đề thị trường" - ông nhận định.

Đột phá từ khâu giống

Theo ThS Phan Diễm Quỳnh, Trưởng Phòng Thực nghiệm cây trồng - Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, tại ĐBSCL, đơn vị đã chuyển giao quy trình nuôi cấy mô một số giống hoa cho Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Bến Tre, góp phần đưa nơi đây thành một trung tâm về giống hoa của khu vực.

"Từ mong muốn có một phòng nuôi cấy mô các loại hoa đang có nhu cầu cao tại địa phương như cúc, hồng, lan hồ điệp..., họ đã nhờ chúng tôi tư vấn cách thiết kế một phòng nuôi cấy mô và trang thiết bị cần thiết. Sau đó, họ cử người lên Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM học cách vận hành hệ thống. Tay nghề các học viên đã cải thiện nhanh chóng sau thời gian học tại trung tâm chúng tôi, như tỉ lệ nhiễm (không bảo đảm vô trùng) của mẫu lúc trước lên đến 50%-70%, khi kết thúc khóa học giảm còn 10%-15%, tỉ lệ mẫu thành công đạt 70%-80%" - ThS Quỳnh cho biết.

Nhân giống trong phòng nuôi cấy mô là công nghệ đột phá thời gian qua, giúp sản xuất cây giống số lượng lớn, đồng đều, có bản chất di truyền giống hệt những mẫu được chọn lọc từ đầu. Hiện nay, giống tốt là khâu quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng, phù hợp với thị hiếu người dùng.

Hiện nay, khi đất đai dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nhất là ở đô thị, thì những mô hình cần diện tích nhỏ được nhiều người tìm kiếm. Vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng (ngụ TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhận chuyển giao mô hình trồng nấm linh chi tại nhà. Ông đã thành công khi đạt được năng suất 100 kg nấm linh chi khô/50 m2, lợi nhuận 12 triệu đồng/vụ.

Mô hình này đã đáp ứng được một phần nhu cầu nấm linh chi của thị trường khu vực phía Nam, giúp giảm bớt hàng nhập khẩu, góp phần tạo việc làm cho người dân - tự sản xuất tại nhà, phù hợp với định hướng nông nghiệp đô thị ngày nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo