Đến ngày 16-7, các ngành chức năng tỉnh Kon Tum vẫn đang tiến hành điều tra vụ tai nạn thảm khốc khi xe chiếc khách lao xuống vực sâu 30 m ở đèo Ngọc Vin, Quốc lộ 14C (thuộc địa bàn huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) khiến 6 người chết và 34 người bị thương.
Nhiều người khi chứng kiến hiện trường vụ tai nạn cho rằng một phần nguyên nhân là do tài xế không quen thuộc cung đường đèo nguy hiểm này. Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cũng cho biết chưa có nhà xe nào chạy tuyến cố định trên Quốc lộ 14C, tức việc tài xế không quen đường là hoàn toàn có cơ sở.
Quốc lộ 14C đoạn qua đèo Ngọc Vin mới chỉ hoàn thành cách đây không lâu. Đường đèo dài chừng 10 km, chiều rộng chừng 7 m với nhiều đoạn cua khuỷu tay cực kỳ nguy hiểm. Ngay trước vị trí xảy ra tai nạn là đoạn cua gấp hình chữ S. Tài xế lạ đi tốc độ cao rất dễ lao xuống vực sâu. Chỉ cách địa điểm xảy ra vụ tai nạn khiến 6 người tử vong không xa, người dân cũng đã lập miếu thờ người thân không may bị tai nạn và mất đi.
Hiện trường vụ tai nạn làm 6 người tử vong tại đèo Ngọc Vin
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sau khi đi thị sát cung đường này đã khẳng định khu vực xảy ra tai nạn làm 6 người tử vong là "điểm đen" về tai nạn giao thông. Từ đó, ông yêu cầu các cơ quan, ban ngành tỉnh Kon Tum xử lý dứt điểm vị trí này. Ngoài ra, phải kiểm tra, rà soát một số vị trí nguy hiểm, "điểm đen" tai nạn giao thông để làm hộ lan cứng, bền vững nhằm hạn chế hậu quả khi tai nạn xảy ra.
Cũng tại tỉnh Kon Tum, tuyến đèo Lò Xo nằm trên Quốc lộ 14 luôn là nỗi khiếp sợ của cánh tài xế đường dài khi qua đây. Cung đường này như sợi dây dài, vắt lên các sườn đồi, nối giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Tại đây, việc xe khách, xe tải đang chạy bỗng nhiên bốc cháy khi vượt đoạn đèo dài là chuyện thường xuyên xuất hiện. Cũng tại đây đã có nhiều vụ xe lao xuống vực khiến nhiều người thương vong. Đó là chưa kể nhiều vụ xe gặp nạn nhưng tài xế may mắn đưa xe lao về phía ta-luy dương nên đã giảm thiểu hậu quả.
Hiện CSGT đã bố trí lực lượng chốt chặn trên đỉnh đèo và thường xuyên nhắc nhở các tài xế phải cẩn thận, kiểm tra phanh kỹ lưỡng trước khi xuống đèo. Chi cục Quản lý đường bộ 3.4 đã phải đầu tư 4,5 tỉ đồng để lắp 13 đoạn hộ lan có trụ bằng lõi thép và bọc bằng lốp ôtô cũ để giảm thiểu tai nạn giao thông trên cung đèo này. Đây là những vị trí đường cua, dốc rất dễ xảy ra tai nạn. Nhờ đó đã cứu được nhiều vụ tai nạn thảm khốc.
Ngoài những đoạn đường đèo trên, các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều cung đường đèo nguy hiểm khác như đèo Prenn tại Lâm Đồng, đèo Phượng Hoàng tại Đắk Lắk, đèo Violac tại Kon Tum, đèo Khánh Lê trên đường Nha Trang đi Đà Lạt…
Bình luận (0)