Năm 2019, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra ở các lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm. Đánh giá về ngành thanh tra trong năm qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh ngành đã thực hiện tốt vai trò tham mưu thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế.
Với các vụ việc "nóng" như thanh tra Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, thanh tra quản lý sử dụng đất đai tại Bán đảo Sơn Trà, Thủ Thiêm, Phó Thủ tướng cho rằng ngành thanh tra đã chịu nhiều áp lực, nhưng đã hoàn thành theo kế hoạch và công bố các kết luận bảo đảm khách quan, chính xác.
Cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ nhiều vụ việc sang cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ, xử lý theo quy định.
Dự án gang thép ngàn tỉ "đắp chiếu"
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành công thương. Sau khi TTCP vào cuộc, nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện dự án này đã được chỉ rõ, các cá nhân liên quan đã bị khởi tố, tạm giam phục vụ quá trình điều tra.
Dự án ngàn tỉ đắp chiếu tại Thái Nguyên - Ảnh: Minh Chiến
Dự án có tổng mức đầu tư thời điểm phê duyệt năm 2005 là hơn 242,5 triệu USD (tương đương hơn 3.843 tỉ đồng). Cuối tháng 8-2012, Tổng công ty Thép Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ điều chỉnh tổng mức đầu tư (TMĐT) với nội dung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở báo cáo của TISCO, VNS, Bộ Công Thương về việc tăng TMĐT lên hơn 8.100 tỉ đồng, TTCP kết luận, việc TISCO điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỉ đồng là không có căn cứ, không đúng quy định.
Đến thời điểm thanh tra, tổng giá trị TISCO đã thanh toán cho dự án là hơn 4.421 tỉ đồng; tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả là hơn 3.896 tỉ đồng. Dù số tiền thanh toán đã lên tới hàng ngàn tỉ đồng nhưng các hạng mục của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.
Cơ quan thanh tra cũng phát hiện một số sai phạm khác trong quá trình triển khai dự án như ưu ái cho nhà thầu, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, buông lỏng, không giám sát quá trình thi công...
Những sai phạm tại dự án này đã được TTCP chuyển hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Một số lãnh đạo các thời kỳ của Tổng công ty Thép Việt Nam, TISCO đã bị khởi tố, tạm giam, như: Ông Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam); Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO); Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TISCO); Ngô Sỹ Hán (cựu Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - TISCO)...
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Trung Hải đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án nêu trên.
Chỉ rõ sai phạm liên quan đến KĐT Thủ Thiêm
Cuối tháng 6-2019, TTCP đã công bố kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm (TP HCM). Đây là một trong những cuộc thanh tra được dư luận rất chờ đợi, đặc biệt là người dân TP HCM.
TTCP đã chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm của UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan. Theo đó, UBND TP HCM ban hành Điều lệ quản lý xây dựng KĐTM Thủ Thiêm chưa đầy đủ, không thực hiện trình duyệt theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, việc đầu tư dự án đã thiếu đồng bộ, khó quản lý, có nơi còn buông lỏng, chậm triển khai.
TTCP chỉ ra nhiều sai phạm về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: Hoàng Triều
Bên cạnh đó, công tác quản lý, đấu giá sử dụng đất, đề xuất phương án giá đất cũng có nhiều sai phạm, gây bức xúc trong dư luận. Đoàn thanh tra cũng xác định chủ đầu tư các dự án BT đã hưởng lợi rất lớn do chênh lệch giá đất (chênh lệch địa tô).
Thanh tra về nội dung quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, TTCP kết luận UBND TP HCM phê duyệt và điều chỉnh dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư trị giá hơn 38.600 tỉ đồng là không đúng thẩm quyền theo nghị quyết của Quốc hội và nghị định của Chính phủ. TP HCM còn tạm ứng, quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách chưa đúng với quy định, đồng thời không hoàn trả tạm ứng hằng năm theo Luật Ngân sách với tổng giá trị hơn 26.300 tỉ đồng.
Theo báo cáo của UBND TP HCM về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư KĐTM Thủ Thiêm và kết quả thanh tra, tổng chi phí phải trả là hơn 83.300 tỉ đồng. Tổng thu dự kiến đến thời điểm hiện nay là hơn 74.600 tỉ đồng. Như vậy, việc đầu tư KĐTM Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng hơn 8.700 tỉ đồng.
Theo TTCP, trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31-12-2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Về xử lý trách nhiệm, TTCP chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận.
Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP HCM kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban Quản lý KĐTM Thủ Thiêm; các sở Giao thông Vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Nghiên cứu Phát triển TP; các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án... đã có khuyết điểm, vi phạm.
Bán đảo Sơn Trà bị "băm nát"
Việc Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) bị "băm nát" đá gây bức xúc dư luận trong những năm gần đây. TTCP đã vào cuộc thanh tra, công bố kết luận vào trung tuần tháng 10-2019.
Theo kết luận thanh tra, UBND TP Đà Nẵng chấp thuận phát triển hàng loạt dự án tại Bán đảo Sơn Trà nhưng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.
Quá trình thanh tra 18 dự án, TTCP phát hiện có 9 dự án có một phần diện tích là rừng tự nhiên với tổng diện tích là 163,32 ha nhưng chưa xác định trong phương án giao quản lý, bảo vệ rừng. Đáng chú ý, Đà Nẵng chưa có văn bản lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, không tổ chức rà soát để xử lý vi phạm nhưng vẫn cho triển khai.
Lô biệt thự L09 tại dự án khu biệt thự Suối Đá, một trong những dự án có sai phạm - Ảnh: Bích Vân
TTCP cũng xác định có 7 dự án được giao đất, cho thuê đất vi phạm về an ninh quốc phòng. Ba dự án khu du lịch bãi Bụt, khu du lịch bãi Trẹm, khu du lịch sinh thái kết hợp nuôi trồng thủy sản dù không có hồ sơ dự án đầu tư nhưng Đà Nẵng cũng giao đất cho các chủ đầu tư. Bên cạnh đó là các sai phạm trong khâu thẩm định nhu cầu sử dụng đất, giá đất.
Đà Nẵng đã ban hành quyết định đấu giá đất các dự án tại Sơn Trà chưa đúng quy định, đưa ra đấu giá đất khi khu đất chưa được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, chưa đền bù giải phóng mặt bằng, không có phương án đấu giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan thanh tra xác định UBND TP Đà Nẵng, chủ tịch, các phó chủ tịch UBND TP, giám đốc các sở chức năng, chủ tịch UBND quận Sơn Trà qua các thời kỳ có lỗi khi chưa thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm được giao, chưa chấp hành các quy định về quản lý đất đai, môi trường, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng, đầu tư, xây dựng...; thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý những tồn tại, vi phạm.
Qua đó, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm tại dự án khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa do Công ty CP Xây dựng 79 làm chủ đầu tư.
Đồng thời, điều tra sai phạm tại dự án khu biệt thự Suối Đá khi UBND TP Đà Nẵng giao đất, cho thuê đất đối với lô L09 không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với dự án làm giảm tiền sử dụng đất hơn 11 tỉ đồng, có dấu hiệu làm trái quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Vũ "nhôm" thâu tóm đất công
Hàng loạt đất công, nhà công sản tại TP Đà Nẵng đã bị Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") thâu tóm, với sự trợ giúp của một số lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành từng thời kỳ. Đây là nội dung quan trọng được TTCP kết luận khi thanh tra về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Kiểm tra 31 cơ sở nhà, đất mà lãnh đạo TP Đà Nẵng giai đoạn 2010-2016 bán lại cho bên thuê, TTCP phát hiện 4 cơ sở mà theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), song UBND TP Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê. Việc làm của UBND TP Đà Nẵng khi không đấu giá các cơ sở nhà, đất trên là vi phạm Luật Đất đai năm 2003 cũng như Nghị định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Nhà 2 mặt tiền tại số 2 Hải Phòng, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), thuộc diện công sản được bán cho Công ty Minh Hưng Phát với giá quá rẻ - Ảnh: Bích Vân
Trong 8 cơ sở nhà, đất bán trực tiếp, khi kiểm tra có 4 cơ sở là khu tập thể xuống cấp, TTCP phát hiện có 2 cơ sở được UBND TP Đà Nẵng bán trực tiếp để sử dụng với mục đích thương mại dịch vụ không phù hợp với mục tiêu như ban đầu, đồng thời không thông qua đấu giá. Ngoài ra, có 2 cơ sở được bán cho đơn vị đang thuê, sau đó đơn vị này cũng bán lại cho đối tượng khác, như vậy là "lách luật".
Trong số hàng loạt cơ sở nhà đất sai phạm, đáng chú ý là 4 cơ sở nhà đất bán không qua đấu giá dính đến Vũ "nhôm", gây thất thoát tiền ngân sách nhà nước hàng tỉ đồng. Đây là 4 cơ sở nhà đất nằm trong 10 cơ sở nhà đất mà Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT (Bộ Công an) xác minh tại: số 47 Nguyễn Thái Học và số 2 Hải Phòng (bán cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát của Vũ "nhôm"), 39 Pasteur và 73 Nguyễn Thái Học (bán cho Công ty CP Đầu tư Nhất Gia Phúc, do bà Phan Thị Anh Đài - chị ruột Vũ "nhôm" - đứng tên giám đốc công ty).
Ngày 13-1 vừa qua, TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tchj UBND TP Đà Nẵng 17 năm tù, Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng 12 năm, Phan Văn Anh Vũ 25 năm... liên quan đến vụ Vũ "nhôm" thâu tóm nhiều nhà đất công sản và bất động sản ở Đà Nẵng.
Địa phương nào vào diện thanh tra năm 2020?
Theo Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020 của TTCP, cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra 19 cuộc, trong đó có 14 cuộc chính thức và 5 cuộc dự phòng. Trong các cuộc thanh tra chính thức, có 3 cuộc chuyển từ kế hoạch năm 2019 sang.
Đồng thời, TTCP sẽ tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà giai đoạn 2011-2017 tại các bộ, UBND các tỉnh và cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cơ quan thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019.
Các tỉnh như Sơn La, Hà Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Dương, Cà Mau dự kiến là nơi diễn ra các hoạt động thanh tra trong năm 2020.
Bình luận (0)