Năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra lớn liên quan đến việc quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường; thanh tra các tập đoàn, tổng công ty được dư luận đặc biệt quan tâm khi chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Thanh tra "biệt phủ" nguyên Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái
Cuộc thanh tra "biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) Yên Bái, được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm qua. Cuộc thanh tra sau nhiều lần "trễ hẹn" thông báo kết luận, ngày 23-10-2017, đoàn công tác của TTCP đã công bố kết luận thanh tra tại trụ sở UBND tỉnh Yên Bái.
Theo đó, TTCP đã công bố kết luận việc quản lý đất đai, cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng; việc chấp hành pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập liên quan đến khu đất tại tổ 42 và tổ 52, phường Tân Minh, TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Khu đất này thuộc sở hữu của bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý).
"Biệt phủ" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái - Ảnh: M.Chiến
Kết luận thanh tra chỉ rõ ông Quý vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng khi để vợ kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp. Ngoài ra, TTCP xác định khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở TN-MT, ông Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp vợ đứng tên, không kê khai căn nhà đang xây dựng diện tích xây dựng 600 m2 tại tổ 51 phường Minh Tân và không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỉ đồng và nợ bạn bè 60 cây vàng.
Ngày 27-10-2017, ông Phạm Sỹ Quý bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo, cho thôi chức vụ Giám đốc Sở TN-MT; điều động đến nhận công tác tại tại Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, đảm nhiệm chức vụ Phó Văn phòng HĐND tỉnh.
Sau khi các hình thức kỷ luật được công bố, dư luận cho rằng mức kỷ luật đối với ông Phạm Sỹ Quý là chưa thỏa đáng khi điều chuyên sang làm Phó văn phòng HĐND, một chức danh tương đương cấp sở.
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Người Lao Động ngay sau đó, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khẳng định mức kỷ luật này đã nghiêm minh. Ông Duy cho biết theo phân cấp quản lý cán bộ, Phó văn phòng HĐND có hệ số phụ cấp chức vụ tương đương phó giám đốc sở, nhưng Văn phòng HĐND không phải cơ quan quản lý nhà nước, mà là cơ quan giúp việc cho HĐND.
Chuyển cơ quan điều tra 4 vụ việc tại Tập đoàn Than - Khoáng sản
Cuối tháng 12-2017, TTCP ban hành kết luận thanh tra đối với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên, nêu rõ nhiều tồn tại, vi phạm trong hoạt động đầu tư tài chính, mua sắm tài sản, quản lý tài nguyên, hoạt động kinh doanh.
Trong đó, kết luận chỉ rõ TKV sai phạm hàng ngàn tỉ đồng khi đầu tư kinh doanh ngoài ngành dẫn đến thua lỗ, không thể thu hồi vốn. TTCP còn phát hiện tại các dự án ở Lào, Campuchia, do KTV không làm kỹ khâu khảo sát để lập, thẩm định, phê duyệt phương án đầu tư và quyết định đầu tư không phù hợp dẫn đến việc lỗ, mất vốn 380 tỉ đồng.
Khai thác than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam- Ảnh: M.Chiến
Qua thanh tra tại TKV và một số đơn vị thành viên, TTCP đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tới Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Thứ nhất là vụ TKV và các doanh nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản chủ yếu của hợp đồng kinh tế về điều kiện giao hàng và thanh toán, dẫn đến mất vốn giá trị trên 30 tỉ đồng.
Thứ hai, Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc TKV và Tổng công ty Khoáng sản (thời kỳ trước 31-12-2005) đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, bảo lãnh nợ vay vượt thẩm quyền… Hậu quả là một số khoản đầu tư không có hiệu quả, thua lỗ, mất giá trị rất lớn.
Vụ thứ ba là việc thực hiện đầu tư một số khoản ra nước ngoài nhưng không có sự điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án, quyết định đầu tư phù hợp với thực tế, khả thi và hiệu quả theo quy định.
Vụ việc thứ tư là nghiệm thu, thanh toán khối lượng thuê ngoài vận chuyển đất đá tại 2 công ty than Đèo Nai và Cao Sơn vi phạm quy định về sử dụng đăng kiểm tải trọng xe, với tổng khối lượng trên 43,4 triệu m3, trị giá 347,6 tỉ đồng.
Chỉ rõ sai phạm tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
Kết luận của TTCP đã chỉ rõ nhiều sai phạm của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong công tác quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài sản… Một trong những sai phạm được TTCP chỉ ra là ACV đã thu phí một số dịch vụ phi hàng không không đúng quy định.
Đặc biệt, 21 cảng hàng không trên cả nước đang thu tiền dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 - 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng/tháng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ tháng 1-1-2012 đến 31-12-2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào 19/21 cảng hàng không là gần 551 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong hai năm 2014-2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 m2, tổng số tiền thu về 701,1 tỉ đồng. Tất cả đều qua chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai.
Việc thu phí vào đường dẫn cảng hàng không khiến nhiều người bức xúc - Ảnh: M.Chiến
Bên cạnh đó, Cảng vụ hàng không chưa hoàn thành thủ tục giao hơn 2.888 ha đất, chưa ký hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích trên 197 ha, dẫn đến thiếu cơ sở để nộp tiền thuê đất vào ngân sách Nhà nước với số tiền trên 330 tỉ đồng.
Theo TTCP, từ năm 2007 đến năm 2015, ACV chưa thực hiện nộp tiền thuê đất theo quy định vào ngân sách nhà nước trên 326 tỉ đồng.
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài kê khai không đúng trên 64.200 m2 từ đất phải thu tiền sử dụng đất sang loại đất giao không thu tiền sử dụng đất làm giảm thu ngân sách nhà nước số tiền hơn 17,9 tỉ đồng. Hàng loạt các hoạt động sản xuất kinh doanh khác cũng bị phát hiện với số tiền sai phạm, không đúng quy định lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Hà Nội để thất thu ngân sách 6.000 tỉ đồng
Cuộc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014 được dư luận rất quan tâm, khi nhiều sai phạm được chỉ rõ gây thất thoát ngân sách hàng ngàn tỉ đồng.
Kết luận được công bố vào trung tuần tháng 11-2017, chỉ rõ nhiều sai phạm trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng không được chú trọng. Theo TTCP, những vi phạm này giúp chủ đầu tư được hưởng lợi, gây thất thu ngân sách Nhà nước, ước khoảng trên 6.000 tỉ đồng.
Nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất ở Hà Nội - Ảnh: M.Chiến
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đôn đốc thu hồi khoản nợ đọng tiền chênh lệch quỹ nhà 50% và tiền quỹ đất 20% với tổng số tiền hơn 30 tỉ đồng; Sở Tài chính thực hiện xử lý số tiền hơn 2.955 tỉ đồng theo đúng quy định của Luật ngân sách…
Riêng tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra hơn 1.562 tỉ đồng, TTCP kiến nghị TP Hà Nội thu hồi 509 tỉ đồng về ngân sách thành phố; thu hồi 1.053 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của TTCP.
Nhiều sai phạm tại 2 đại học Quốc gia
Năm 2017, qua công tác thanh tra, TTCP chi rõ tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội có tình trạng thu ngoài quy định các khoản thu phí nhập học, làm thẻ sinh viên, học sinh, in tài liệu đầu năm... ở các trường gồm: ĐH Ngoại ngữ 527 triệu đồng, ĐH Kinh tế 278 triệu đồng, ĐH Công nghệ 199 triệu đồng, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) 348 triệu đồng.
TTCP kết luận nhiều đơn vị thanh toán tiền làm thêm giờ vượt số giờ quy định như Trường ĐH Kinh tế vượt 767 triệu đồng, Khoa Quốc tế vượt hơn 1 tỉ đồng, Trường ĐH KHXH-NV vượt hơn 255 triệu đồng... Trường ĐH Ngoại ngữ thu phí học lại, học cải thiện vượt quy định gần 1,1 tỉ đồng.
Trường ĐH Quốc gia Hà Nội xảy ra nhiều sai phạm - Ảnh: M.Chiến
Đoàn thanh tra mới chỉ thanh tra 3 gói thầu xây lắp, 8 gói thầu thiết bị thuộc 6/17 dự án do Ban Quản lý các dự án ĐHQG Hà Nội làm chủ đầu tư; kiểm tra 3 gói thầu đầu tư xây dựng cơ bản do các trường làm chủ đầu tư. Tổng giá trị đầu tư của 17 dự án hơn 1.300 tỉ đồng, trong khi tổng giá trị các dự án được thanh tra là 214 tỉ đồng. Qua xem xét hồ sơ tài liệu các gói thầu xây lắp, định mức một số công tác cao hơn quy định, áp dụng biện pháp thi công, khối lượng còn chưa đúng với thực tế. TTCP phát hiện và giảm trừ các giá trị của 6 gói thầu với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng.
Tại ĐH Quốc gia TP HCM, đoàn thanh tra chỉ rõ các đơn vị thành viên đã ban hành các văn bản quy định mức thu học phí với người học vượt mức quy định và có một số khoản thu có tính chất phí, lệ phí ngoài danh mục quy định.
Trong 6 đơn vị trực thuộc, tổng số học phí, lệ phí thu cao hơn và ngoài danh mục quy định hơn 81 tỉ đồng. Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế-Luật thu hơn 47 tỉ đồng; Trường ĐH Bách khoa và Trường ĐH KHXH-NV đều hơn 12 tỉ đồng. Ngoài ra, TTCP cũng chỉ rõ 6 đơn vị trực thuộc này đã chi vượt giờ giảng cho giảng viên so với quy định, số tiền thanh toán là hơn 16 tỉ đồng.
Văn phòng Chính phủ sau đó đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xem xét kết luận thanh tra. Theo thông báo, TTCP chưa thanh tra đầy đủ phạm vi thanh tra theo quyết định và kế hoạch thanh tra, nhất là một số dự án lớn chưa được thanh tra.
Bình luận (0)