Ngân hàng Thế giới (WB) định nghĩa đô thị sinh thái là thành phố tập trung vào nâng cao sức khỏe của người dân và xã hội thông qua quy hoạch và quản lý đô thị, trong đó khai thác lợi ích của các hệ sinh thái, bảo vệ và duy trì những tài sản này cho các thế hệ tương lai. Dưới đây là những đô thị sinh thái nổi tiếng thế giới đăng tải trên trang Interesting Engineering.
Copenhagen - Đan Mạch được ca ngợi là "thủ đô xanh của châu Âu", cũng là thành phố có lượng xe đạp nhiều hơn xe hơi. Để đạt được mục tiêu trở thành "thủ đô không khí thải carbon đầu tiên trên thế giới" vào năm 2025, Copenhagen tiến hành một loạt biện pháp như khuyến khích đi xe đạp, xây dựng những "mái nhà xanh", trang bị động cơ điện cho xe buýt, trồng 100.000 cây xanh tới cuối năm 2025, thành lập trang trại gió...
Copenhagen - Đan Mạch được ca ngợi là "thủ đô xanh của châu Âu” Ảnh: REUTERS
Amsterdam - Hà Lan là sự kết hợp hoàn hảo giữa cái mới và cái cũ. Thành phố có rất nhiều xe đạp và nếu không muốn dùng phương tiện này, mọi người có thể đi xe điện với hơn 300 trạm sạc ở khắp mọi nơi. Ngoài sử dụng thực phẩm hữu cơ, cư dân Amsterdam còn mặc quần áo làm từ vật liệu thân thiện với môi trường và không dùng thuốc nhuộm hoặc vật liệu độc hại có thể làm ô nhiễm nguồn nước.
Stockholm - Thụy Điển dự kiến trở thành thành phố không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Đây là một trong những thành phố thân thiện với môi trường nhất ở châu Âu. Dự án đặc biệt của Stockholm là sử dụng nhiệt thải từ các trung tâm dữ liệu, cửa hàng và sân vận động để giúp sưởi ấm nhà cửa của cư dân.
Vancouver - Canada, từ năm 2010 bắt đầu hỗ trợ người đi xe đạp, khuyến khích chuyển sang dùng xe điện, quản lý chất thải và cung cấp thực phẩm sạch.
Curitiba - Brazil tự hào được gọi là "thủ đô xanh" của Brazil. Thành phố này tái chế khoảng 70% lượng chất thải để tái sử dụng năng lượng hoặc sản phẩm. Ngoài hệ thống giao thông công cộng vượt trội, Curitiba còn có 14 khu rừng và 16 công viên trong khu vực đô thị. Chính quyền địa phương đề ra chương trình đổi vật liệu tái chế lấy đồ ăn nhẹ, tiền mặt... nhằm giữ thành phố luôn sạch đẹp.
Singapore nổi tiếng với các kiến trúc gắn liền với thiên nhiên, từ những mái nhà xanh mát đến các khu vườn rậm rạp. Singapore bắt đầu thay đổi phong cách thiết kế từ năm 2008 khi kết hợp kỹ thuật xây dựng hiện đại hòa mình với thiên nhiên. Singapore cũng là nơi có "khu vườn đứng" lớn nhất thế giới gọi là chung cư Tree House ở Bukit Timah.
Cape Town - Nam Phi là thành phố xanh nhất ở châu Phi. Dự án Công khai tác động của khí thải carbon (CDP) xếp hạng Cape Town là 1 trong số 5 thành phố hàng đầu thế giới duy trì ý thức về biến đổi khí hậu và bền vững. Để đạt được thành tích trên, Cape Town quản lý hiệu quả chất thải của các công ty, sử dụng 10%-20% năng lượng từ các nguồn tái tạo.
Bình luận (0)