Sau con trăng, sáng 20-8, cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nhộn nhịp hẳn. Gần 200 tàu cá của cả TP Tuy Hòa chuẩn bị ra khơi. Lớp cho tàu cập cầu cảng để lấy đá lạnh, thực phẩm; lớp khác thì làm thủ tục xuất bến. Thấy con tàu quen thuộc mang số hiệu PY-90144-TS của Xuyên đang ở một góc cầu cảng cũng phụt khói, chuẩn bị ra khơi, tôi gọi lớn: Asin. Anh ngẩng lên, cười to: "Lên đi". Asin xưa giờ anh vẫn vậy, vẫn lối nói cộc lốc nhưng lại là người rất đậm tình.
Đứa con của biển
Sau 2 tháng nằm bờ vì vướng quy định tàu không đủ 15 m chiều dài, không được khai thác khơi, giờ tôi mới thấy được khuôn mặt rạng rỡ của anh.
Với người như Asin, tôi biết 2 tháng nằm bờ với anh là như 2 tháng bị "đày đọa". Anh hết ra cảng thăm tàu rồi lại về nhà, mặt buồn trình trịch. Con tàu 400 mã lực của anh Xuyên thực chất dài 15,4 m. Nhưng khi làm thủ tục, anh chẳng để ý nên ghi 14,2 m. Thế là bị vướng quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), chẳng được khai thác khơi. "Ai đi biển từ nhỏ như tôi mới hiểu hết cảm giác nhớ biển, nhớ những con sóng mà mình quen cưỡi. Nó cồn cào, day dứt sao ấy. Nỗi nhớ ấy ăn cả vào trong giấc ngủ của tôi, ông ạ" - Asin bộc bạch.
41 tuổi, Asin nhẩm tính thời gian ở trên bờ chưa đến 1/3 những ngày lênh đênh trên biển. Ngày Asin hạ đo ván 2 đàn anh lớp trên cũng là ngày anh chia tay lớp 6, chia tay trường học. Anh theo cha đi biển khi mới 13 tuổi. Asin kể ngày ấy chẳng có máy định vị, hải đồ như bây giờ nên cha buộc anh phải học cách đo hải đồ bằng giấy. Mỗi khi đi biển, Asin phải mang theo compas, thước kẻ rồi tính tốc độ, hướng tàu chạy để xác định tọa độ, đo trên hải đồ để biết được điểm nào có bãi cạn, đá ngầm, rạn san hô cho tàu tránh.
"Bây giờ, tôi có thể thuộc lòng những thứ ấy ở vùng biển Trường Sa - ngư trường quen thuộc mà anh em tôi khai thác. Không cần nhìn vào máy định vị, tôi vẫn có thể biết được cách bao xa phía trước có bãi đá ngầm để lái tàu tránh" - Asin tự tin nói.
Ông Huỳnh Văn Ty, chủ tàu PY-96293-TS, là người đi biển cùng thời với cha anh Xuyên, giờ đã "nghỉ hưu" nhưng cũng ra cảng sáng nay để tiễn anh. "Nó là đứa con của biển. Sinh ra chỉ để đi biển và dẫn dắt đàn em đi biển" - ông Ty bảo.
Chúng tôi đang trò chuyện thì từ chiếc tàu đậu cách đó không xa có người hỏi vọng sang: "Đi chưa sư phụ?". Asin nhìn con nước rồi nói lớn: "Chờ đã. Thủy triều đang lên. Sớm một chút chẳng được gì mà ra cửa tốn dầu".
Quay sang tôi, tiếp câu chuyện dở dang, Asin kể nghề đi biển ngày càng khó. Trước đây, tàu chạy 1 ngày đêm là có thể thả câu, còn bây giờ phải đi hơn 2 ngày. Mà ra khơi thì bị tàu Trung Quốc quấy nhiễu.
Thuyền viên trên tàu của anh Xuyên, anh Nguyễn Ngọc Lai, đang sửa soạn mâm cúng trước khi xuất bến, tiếp lời: "Nhiều hôm anh Asin làm tụi em sợ khiếp. Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép một số đảo ở Trường Sa của mình nhưng mỗi khi tàu cá mình vào cách đảo 12 hải lý là họ cho tàu ra. Có hôm ảnh lái tàu đến gần đảo Châu Viên vào ban đêm, họ bắn đạn lửa lên trời đỏ rực. Vậy mà ảnh cứ xăm xăm chạy tới. Chả chịu bẻ lái".
Nghe anh Lai nói, đôi chân mày rậm trên khuôn mặt rám nắng của anh Xuyên nhíu lại, vẻ khó chịu: "Sợ gì. Biển mình mình đi". Nói rồi, anh đứng dậy, hít một hơi dài như để nén cơn giận. Trông anh lúc này như con gấu xám bị chọc giận.
Tàu Asin xuất bến, thẳng tiến ngư trường Trường Sa
Thuyền trưởng Asin chỉnh lại lá cờ Tổ quốc trước khi ra khơi
Thủ lĩnh đội tàu Đại Dương
Giờ anh Xuyên là đội trưởng đội tàu an toàn Đại Dương gồm 7 tàu cá trong khu phố ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Thuyền trưởng Huỳnh Văn Tuyển của tàu cá PY-96293-TS nằm trong đội tàu này bảo rằng ngoài việc truyền đạt kinh nghiệm đi biển, cam kết mà đội trưởng Asin đưa ra như luật bất thành văn của toàn đội là "gặp nạn phải cứu".
"Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là người, tàu gặp nạn trong đội hay ngoài đội, trong nước hay nước ngoài, gặp là phải cứu. Anh em nể ảnh chuyện đó" - thuyền trưởng Tuyển nói.
Tôi chợt nhớ đến 4 ngư dân Philippines với gương mặt mừng rỡ thế nào khi được thuyền trưởng Asin cứu sống, đưa vào bờ hơn 6 năm trước. Hôm ấy là ngày 5-2-2013, tàu cá PY-90144-TS cập cảng cá phường 6 TP Tuy Hòa. Thay vì 9 ngư dân xuống trước như mọi khi thì lại là 4 người Philippines áo quần xốc xếch nhưng khuôn mặt rạng ngời vì vừa trở về từ cõi chết. "Đang đánh cá thì bị lốc xoáy làm chìm tàu, chúng tôi cố bám nhau lên cột cờ còn nổi lưng chừng suốt 4 ngày và trôi tận vào vùng biển Trường Sa. May mà gặp tàu anh Asin cứu vớt chứ không thì chết cả rồi" - thuyền trưởng Fpanciscom Ramalio (62 tuổi) nói với tôi lúc ấy.
Thuyền trưởng Xuyên nhớ lại hôm ấy là sáng 23-1-2013, sau một đêm câu, khi chuẩn bị thả bù để mọi người đi ngủ, anh thấy cái gì đang trôi bập bềnh từ xa. Nghi điều chẳng lành, anh cho tàu chạy tới thì phát hiện 4 người kiệt sức đang cố đưa tay lên gọi. Không cần nghĩ ngợi, anh lập tức cho thả thúng chai và nhảy ùm xuống biển để dìu 4 ngư dân lên thuyền thúng rồi đưa lên tàu.
"Sơ cứu xong, thấy nạn nhân ổn nên tôi ra hiệu cho họ hiểu chuyến biển sẽ bị lỗ nếu tôi đưa họ vào đất liền ngay, vì tàu tôi chỉ mới khai thác được 2 đêm nhưng nếu họ cần tôi sẽ đưa vào. Họ lắc đầu ra hiệu sẽ cùng chúng tôi tiếp tục đánh bắt. Tôi báo cho lực lượng biên phòng và các anh ấy đồng ý. Vậy là họ cùng ăn ở với chúng tôi trên tàu suốt 14 ngày đêm. Thùng sữa tôi mang theo chưa kịp uống bịch nào, dành hết cho họ" - Asin kể.
Hôm đưa 4 ngư dân Philippines vào đất liền, trung tá Huỳnh Văn Đính, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, bảo với tôi rằng: "Đấy là một việc làm đầy tính nhân đạo, rất đáng trân trọng".
Sáng 20-8, ông Huỳnh Nuồng, Phó Ban lạch phường Phú Đông, cũng ra cảng tiễn đội tàu Đại Dương ra khơi. Nhắc đến thuyền trưởng Xuyên, ông Nuồng bảo không biết nhưng nhắc đến Asin thì ông phá lên cười. "Trời đất, nó là thuyền trưởng, máy trưởng cứng nhất ở đây đó. Mỗi khi các đội tàu ra khơi mà có nó là ở nhà yên tâm lắm. Anh em, máy móc có gì là nó chạy tới giúp ngay" - ông Nuồng nói.
Trong lúc chờ thủy triều đạt đỉnh để rời cảng, anh Xuyên bấm điện thoại gọi động viên con gái đầu đang chuẩn bị dự một kỳ thi ở Huế để kiếm học bổng đại học ở Nhật Bản: "Cố gắng học nghen. Tui đi biển kiếm tiền cho mấy người du học đó". "Trời đất, nói chuyện với con gái mà như nói với bạn thuyền" - tôi cười thầm trong bụng. Vậy mà nói xong, mắt thuyền trưởng Asin chớp chớp rồi quay sang tôi: "Có khổ cũng lo cho 2 đứa nhỏ học đàng hoàng, ông ạ". Nhìn đôi mắt ngân ngấn của anh, tôi chợt nghĩ có lẽ gót chân Asin chính là nặng tình với mọi người.
Lấy ý kiến cải hoán tàu cá
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết mới đây, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Yên để lấy ý kiến về việc cho phép các tàu có công suất lớn nhưng hồ sơ có kích thước nhỏ hơn quy định được cải hoán để đủ điều kiện khai thác khơi. "Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cũng đã tham mưu UBND tỉnh trả lời theo hướng thống nhất để tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi bám biển vì thực chất nhiều tàu cá của ngư dân Phú Yên có kích thước đủ theo quy định nhưng theo hồ sơ tàu lại thiếu. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã gửi văn bản trả lời rõ cho bộ rồi" - ông Tùng nói.
Bình luận (0)