Về thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, hỏi thăm ông Bùi Thanh Ninh (Sáu Ninh), ai cũng biết, chỉ rõ: "Nhà ông Sáu Ninh phải không? Cái nhà lầu to đùng có mấy chiếc ôtô kia kìa!".
Tay trắng làm giàu nhờ biển
Dù đang sở hữu đội tàu cá 16 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ và một cơ sở đóng tàu tại địa phương với tổng giá trị tài sản lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng ông Sáu Ninh không giống như nhiều đại gia khác mà tôi từng gặp. Ngoại hình mảnh dẻ, ăn mặc giản dị, giọng nói nhẹ nhàng chân chất, ông Ninh không khác gì một ngư dân nắng gió.
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó lại đông anh em nên thuở nhỏ, ngoài một buổi đến trường, buổi còn lại ông Sáu Ninh cùng anh chị theo cha ra biển gần nhà để bắt tôm, cá bán kiếm tiền mua gạo. Năm 1976, ông xung phong lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.
Xuất ngũ trở về trong tay không tiền, ông Sáu Ninh phải đi làm công trên tàu cá cho nhiều chủ tàu cá ở địa phương để kiếm sống qua ngày. Biển cả thất thường, số tiền kiếm được không đủ để lo cho vợ con nên ông Ninh quyết định bỏ nghề đi biển, chuyển sang buôn bán cá. Không có tiền, ông chạy vạy mượn được 5 triệu đồng làm vốn. Nhờ chịu khó, công việc buôn bán lại gặp thời nên cuộc sống gia đình ông đỡ hơn, có của ăn của để.
Sau một thời gian buôn bán cá, ông Sáu Ninh dành dụm được ít vốn liếng nên quyết định quay lại với biển. Năm 1994, cùng với số tiền dành dụm được, ông vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đóng chiếc tàu cá đầu tiên. Để tiết kiệm chi phí, ông Ninh tự vẽ bản thiết kế, đi mua gỗ rồi thuê thợ đóng tàu theo ý của mình.
Với chiếc tàu đầu tiên này, việc làm ăn của ông Sáu Ninh lên như diều gặp gió, chẳng bao lâu thì trả nợ được ngân hàng.
"Thời điểm ấy, tàu ra khơi chuyến nào cũng trúng đậm nên các thuyền viên trên tàu làm hăng lắm, họ đánh bắt có khi quên cả ăn uống. Tàu đầy cá là cập bờ, ở nhà giao vợ con bán sản phẩm, còn chúng tôi sắm tổn (dụng cụ, nguyên liệu phục vụ cho nghề đi biển - PV) xong là ra khơi ngay" - ông Ninh kể.
Làm ăn thuận buồm xuôi gió, ông Sáu Ninh tiếp tục đầu tư đóng thêm nhiều tàu cá khác, công suất lớn hơn, chuyên khai thác cá ngừ đại dương và làm nghề lưới rút ở vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Tiếng lành đồn xa, khi những chiếc tàu cá do ông Ninh tự đóng thường cá nặng lưới đầy, nhiều ngư dân trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Vậy là ông Ninh mở luôn xưởng đóng tàu tại địa phương để phục vụ cho ngư dân. Không chỉ vậy, thấy nhu cầu sắm tổn của ngư dân ngày càng cao, ông Ninh lại mở thêm dịch vụ cung ứng xăng dầu, lương thực, thực phẩm và bao tiêu luôn sản phẩm cho một số tàu cá.
Năm 2018, ông Bùi Thanh Ninh (trái) nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước tặng; ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước trao cho ông Ninh
Một tàu cá trong đội tàu của ông Sáu Ninh
Điểm tựa cho ngư dân
Đến nay, ông Sáu Ninh đã sở hữu đội tàu 16 chiếc, tổng công suất trên 6.000 CV với trên 200 lao động chuyên nghề lưới rút chì, sản phẩm đánh bắt chính là cá ngừ sọc dưa. Mỗi năm, tổng sản lượng đánh bắt của đội tàu bình quân trên 1.000 tấn hải sản.
Ông Sáu Ninh là một trong những người đầu tiên ở tỉnh Bình Định đứng ra thành lập tổ đoàn kết khai thác thủy sản trên biển, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại để có thể giúp nhau khi gặp khó khăn.
"Giờ tuổi đã lớn, không trực tiếp ra khơi với anh em nhưng qua hệ thống thông tin liên lạc đã cài sẵn ở nhà, tôi có thể biết vị trí hoạt động của từng tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác được bao nhiêu để trên bờ tôi định liệu" - ông Ninh chia sẻ.
Dừng câu chuyện, ông Ninh rút trong túi ra chiếc điện thoại di động, bật định vị đưa cho tôi xem. Chỉ vào những chấm xanh trên màn hình, ông nói tiếp: "Những chấm xanh trên màn hình là những chiếc tàu cá của tôi đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Các tàu thường xuyên liên lạc về bờ báo cáo tình hình và liên lạc với nhau, nếu tàu nào gặp rủi ro thì tàu ở gần nhất sẽ chạy tới hỗ trợ".
Tiêu chuẩn chọn thuyền trưởng cho đội tàu cá của ông Sáu Ninh cũng khác người. Ông không dựa vào quan hệ bà con ruột rà mà chọn những người tử tế, tâm huyết với nghề. Ông định các thuyền trưởng ai cũng phải hùn vốn làm ăn, nếu thiếu, ông hỗ trợ không lấy lãi và trừ dần sau những chuyến biển. Riêng thuyền viên, thuyền trưởng tự tuyển chọn, ông không tham gia. Nhờ vậy, nhiều thuyền trưởng trong đội tàu của ông ngày càng khá giả, nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn.
"Chú Sáu Ninh không chỉ gần gũi mà còn luôn đặt lợi ích của anh em lên trên nên được mọi người quý mến, gắn bó lâu dài. Thời gian đầu, tôi cũng đi bạn thôi, sau được chú tin tưởng đưa lên thuyền trưởng. Vốn góp không có, chú Sáu đứng ra vay ngân hàng, rồi mình làm trả sau" - thuyền trưởng Lý Ngọc Vinh bày tỏ.
Không chỉ vậy, ông Sáu Ninh còn xuất tiền túi 1 tỉ đồng làm quỹ tương trợ cho anh em trong đội tàu. Từ thuyền trưởng đến thuyền viên, ai có việc cần tiền gấp như xây dựng nhà cửa, chữa bệnh… có thể mượn quỹ không tính lãi.
"Để có những bạn làm ăn lâu dài, mình phải tạo điều kiện, xem họ như anh em trong nhà. Trong tổ đội, xét thấy hoàn cảnh người nào khó khăn, cần vốn làm nhà cửa hoặc làm việc gì đó thì cho vay rồi họ làm trả sau. Có như vậy, anh em mới yên tâm bám biển đánh bắt cá" - ông Ninh bộc bạch.
Khi chúng tôi đề cập việc tàu Trung Quốc thời gian qua liên tục gây hấn trên vùng biển của Việt Nam, liệu đội tàu cá của ông có e sợ không, ông Sáu Ninh khẳng định: "Biển cưu mang chúng tôi, là cuộc sống của chúng tôi. Mỗi chuyến vươn khơi, ngoài chuyện đánh bắt cá kiếm thu nhập, ngư dân chúng tôi luôn ý thức sự có mặt của mình trên biển chính là sự hiện diện của chủ nhà trong căn nhà của mình. Đã là chủ nhà thì không việc gì phải sợ".
Tình người giữa trùng khơi
Giữa tháng 7-2018, nhận được tin 11 ngư dân trên tàu cá QNg 90559 TS của ngư dân Trương Văn Đức (ngụ xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị chìm ở Hoàng Sa, ngay lập tức, thuyền trưởng Võ Hải (chủ tàu QNg 95779TS, cùng ngụ xã Bình Châu) thu lưới, bỏ chuyến biển đang đánh bắt chạy đến cứu người.
"Khi chúng tôi chạy đến nơi, lúc này đã hơn 1 giờ sáng, toàn bộ 11 ngư dân trên tàu anh Đức rớt xuống biển. Thấy anh em như thế, lòng tôi xót xa vô cùng. Tôi cho tàu chạy tìm kiếm từng người. Khi được đưa lên, ai nấy nằm dài trên sàn tàu, hoảng loạn. Đến sáng cùng ngày, tôi quyết định bỏ ngang chuyến biển đưa anh em trở về đất liền. Biết là có thiệt hại nhưng đã là ngư dân với nhau thì phải đoàn kết trên biển, cứu giúp nhau trước tai ương, địch họa" - anh Hải nói.
Không chỉ thương người trong một nước, nhiều ngư dân không ngại khó khăn cứu giúp cả những ngư dân nước ngoài.
Giữa tháng 7-2019, cả huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) xôn xao trước thông tin tàu cá của ngư dân huyện này cứu 32 ngư dân Trung Quốc bị nạn trên biển. Xôn xao là bởi xưa nay người dân chỉ quen với thông tin tàu cá Lý Sơn bị tàu Trung Quốc tấn công.
Trở về sau chuyến biển cứu 32 ngư dân Trung Quốc, gặp chúng tôi, ngư dân Bùi Văn Phải (29 tuổi; ngụ xã An Hải, Lý Sơn - thuyền trưởng tàu QNg 96169TS) tâm sự: "Ngư dân với nhau, khi thấy những người khác, dù không cùng ngôn ngữ đang cầu cứu, mình không thể làm ngơ được. Làm biển rủi ro nhiều, nhưng sự sống dù nhỏ nhất mình cũng phải ráng giành giật với tử thần, dù đó là ngư dân Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào tôi cũng sẵn sàng bỏ chuyến biển để cứu".
Theo anh Phải, 32 ngư dân Trung Quốc bị chìm tàu gần khu vực đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa). Sau khi đưa họ lên tàu an toàn, anh Phải cùng các bạn thuyền bàn giao họ cho 1 tàu hàng của Trung Quốc.
T.Trực
Bình luận (0)